Trong vòng 1 năm qua, giá xăng trong nước đã tăng tổng cộng tới 16 lần, giữ nguyên 3 lần và chỉ giảm 5 lần. Giá xăng E5 RON 92 tăng 52% giá trị, lên 21.683 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 51%, lên 22.879 đồng/lít, cùng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận Việt Nam đang mở cửa trở lại nền kinh tế, việc giá xăng tăng “phi mã” sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ.
Ở đó, giá xăng sẽ đẩy giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ lên cao, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế.
Ngành nào bị ảnh hưởng trước?
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết giá nhiên liệu tăng tác động đến hầu hết nhóm ngành sản xuất, theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp. Các doanh nghiệp vận tải, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu, sản xuất điện… chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở các nhóm ngành này, tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ diễn ra rất nhanh.
Vị chuyên gia về giá nêu thực trạng xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải, và việc giá nhiên liệu bắt đầu xu hướng tăng từ tháng 11 năm ngoái làm gia tăng áp lực lên các công ty này. Giá cước vận tải được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian ngắn tới.
Còn các loại hàng hóa từ sản xuất, thông qua khâu vận chuyển để đến tay người tiêu dùng sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng. Xăng dầu là một loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp; khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng lưu ý giá xăng dầu là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát, do đó sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Các ngành sử dụng xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng trước tiên khi giá nhiên liệu tăng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh phân tích xăng dầu là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, giá nhiên liệu tăng quá cao sẽ tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Ở góc nhìn tích cực, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết việc giá dầu thế giới tăng cao sẽ kích hoạt hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí tại Việt Nam. Do đó, thuế phí thu được của ngành xăng dầu đóng góp tăng trưởng cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, giá xăng dầu leo thang lại ảnh hưởng phần nào đến tái phục hồi sản xuất, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như kiểm soát tình hình kinh tế vĩ mô.
Giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết trong thời gian qua, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới.
Nhìn vào công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí chiếm tỷ trọng lên tới 42-43% cơ cấu giá mặt hàng xăng, trong đó thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít. Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận mức thuế này rất cao trong yếu tố cấu thành giá.
“Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, kiến nghị một số biện pháp, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc giảm các loại thuế, phí”, ông Đông nói.
TS Vũ Đình Ánh đánh giá đây là thời điểm thích hợp để xem xét, miễn giảm một số loại thuế phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu.
Một lít xăng đang phải “cõng” thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% giá bán và thuế bảo vệ môi trường cố định 3.800 đồng, chưa kể các loại phí. Ảnh: Văn Hưng. |
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long thì đưa ra 2 quan điểm đối với Nhà nước và phía doanh nghiệp. Bên cạnh việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ là quỹ bình ổn giá, Nhà nước cần cân nhắc, xem xét giảm thuế và phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm giảm giá mặt hàng thiết yếu này. Qua đó, giảm bớt phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Về phía mình, doanh nghiệp nên sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả mặt hàng xăng dầu, đồng thời, có thể tính toán tìm mặt hàng thay thế nguồn năng lượng này.
Từ nay đến cuối năm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nhận định giá xăng dầu trong nước sẽ có nhiều biến động, nhất là khi sản xuất, giao thông vận tải đang dần được mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, trước dự báo giá dầu thế giới có thể lên 100 USD/thùng, ông cho rằng rất khó bởi khi đó, sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ quá lớn. Điều này dẫn đến việc phục hồi kinh tế bị hạn chế và nguồn cầu nhiên liệu giảm, giá sẽ hạ, trong khi các nước sản xuất dầu mỏ nhận thấy ở mức giá xoay quanh hiện tại, họ nắm nhiều lợi thế.
Ngày 11/10, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có các công văn gửi Tổng cục Quản lý Thị trường, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, các đầu mối kinh doanh xăng dầu cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới.