Các ngân hàng Trung ương 'bốc hơi' 560 tỷ USD vì vàng
Giá trị dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã sụt giảm 560 tỷ USD từ đầu năm tới nay khi giá vàng thế giới liên tục lao dốc.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, từ đầu năm đến ngày 16/4, tổng giá trị dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm xuống mức khoảng 1,4 nghìn tỷ USD từ mức kỷ lục 1,96 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2012. Năm ngoái, nhóm này mua ròng 534,6 tấn vàng, mạnh nhất kể từ năm 1964.
Sau 12 năm tăng liên tiếp, giá vàng hiện đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh cao kỷ lục 1.923,7 USD/oz thiết lập vào tháng 9/2011. |
Không chỉ các ngân hàng Trung ương thiệt hại vì sự sụt giảm của giá vàng, mà các sản phẩm đầu tư vàng dạng tín thác (ETP) cũng đối mặt với những khoản mất mát lớn. Giá trị của các sản phẩm đầu tư vàng này đã “bốc hơi" 37,2 tỷ USD tính từ đầu năm khi giá vàng thế giới rớt xuống mức thấp nhất trong hai năm vào ngày 16/4.
Cũng theo số liệu mà Bloomberg dẫn từ công ty EPFR Global có trụ sở ở Massachusetts, Mỹ, các quỹ đầu tư vàng đã chứng kiến mức thoái vốn ròng là 11,2 tỷ USD tính từ đầu năm đến ngày 10/4, mức thoái vốn mạnh nhất từ năm 2011. Trong khi đó, các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán toàn cầu và Mỹ có lượng vốn ròng đổ vào là 21,25 tỷ USD.
Khoản thiệt hại nặng nhất đương nhiên thuộc về các ngân hàng Trung ương, bởi đây là nhóm nắm giữ vàng lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, tổng mức nắm giữ vàng của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu hiện ở mức 31.694,8 tấn, chiếm 19% tổng lượng vàng đã được khai mỏ trên toàn cầu.
Sau 12 năm tăng liên tiếp, giá vàng hiện đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh cao kỷ lục 1.923,7 USD/oz thiết lập vào tháng 9/2011. Từ đầu năm tới ngày 16/4, giá vàng giao sau tại thị trường New York đã sụt 17%, đánh dấu sự khởi đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1981. Từ ngày 12/4 trở lại đây, giá vàng đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market).
Trái với tình trạng rớt thảm của giá vàng, giá trị của thị trường chứng khoán toàn cầu năm nay tăng thêm 2,28 nghìn tỷ USD nhờ kinh tế hồi phục, lợi nhuận của các công ty khả quan hơn, và lạm phát ở mức thấp. Từ mức đáy của 12 năm vào năm 2009, chỉ số S&P 500 đến nay đã tăng hơn gấp đôi.
Giá vàng đã trượt dài trong bối cảnh kinh tế Mỹ khởi sắc, đồng USD tăng giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tính hiệu có thể sớm kết thúc gói nới lỏng định lượng số 3. Một nguyên nhân quan trọng nữa là lạm phát trên toàn cầu không tăng cao, bất chấp chính sách nới lỏng của các chính phủ. Giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 3 vừa qua giảm 0,2%, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong 4 tháng. Hiện kỳ vọng lạm phát tại Mỹ đang ở mức thấp.
Hiện ngân hàng Trung ương Cyprus đang đứng trước sức ép từ châu Âu phải bán ra 10 tấn vàng để có thêm khoảng 500 triệu Euro phục vụ cho gói giải cứu hệ thống ngân hàng. Cyprus có khoảng 13,9 tấn vàng dự trữ, theo số liệu của WGC.
Nói về đợt giảm giá này của vàng, Thống đốc ngân hàng Trung ương Nam Phi - Gill Marcus xem đây là một diễn biến “hết sức đáng lo ngại”. Nam Phi đang nắm trong tay 125,1 tấn vàng. Tuy nhiên, theo Thống đốc Marcus, nước này sẽ không thay đổi chính sách dự trữ quốc gia vì đợt giảm giá này của vàng.
Về phần mình, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng xem cú sụt của giá vàng là một “mối quan ngại lớn”. Trong khi đó, Thống đốc ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho rằng, giá vàng giảm là cơ hội cho các nước tăng dự trữ vàng quốc gia, và nước này đang xem xét khả năng mua thêm vàng.
Riêng trong ngày 15/4 khi giá vàng giảm 125 USD/oz, giá trị kho vàng của tất cả các đối tượng trên toàn cầu đã sụt 773 tỷ USD, còn 7,5 tỷ USD từ mức 8,3 tỷ USD trước đó. Ước tính này dựa trên giá vàng tương lai và số liệu của WGC vào năm 2011 là đã có 171.300 tấn vàng được khai thác trên toàn cầu.
Theo Bloomberg, mức sụt giảm này lớn hơn giá trị vốn hóa của cả thị trường chứng khoán Singapore. Một trong những nhà đầu tư vàng thiệt hại nặng nhất trên thế giới là tỷ phú John Paulson. Từ đầu năm đến ngày 15/4, giá trị tài sản ròng của ông Paulson đã sụt 1,5 tỷ USD do giá vàng giảm. Vàng là kênh đầu tư chính của tỷ phú này.
Theo VnEconomy