Trong văn bản phản hồi Bamboo Airways, Cục Hàng không cũng cho hay với nguồn lực hiện tại, đơn vị chỉ đảm bảo quản lý được đến 256 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các máy bay trực thăng và máy bay hàng không chung).
Trong khi đó, với đề xuất 40 tàu bay của Bamboo Airways vào năm 2019 và kế hoạch nhận máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, tổng máy bay thời điểm 31/12/2019 sẽ là 277 chiếc. Con số này tăng 61 chiếc so với hiện tại và vượt quá 21 máy bay so với năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam.
Vậy 61 chiếc máy bay mới tới từ đâu?
Cuộc đua của các đại gia
Theo báo cáo thường niên 2018 của Vietjet Air, trong giai đoạn 2019-2023, hãng sẽ nhận bàn giao 100 tàu bay mới từ các hãng Boeing và Airbus. Số tàu bay này bao gồm cả dòng A320 và dòng 737 Max.
Cục Hàng không cho hay lượng máy bay đăng ký tại Việt Nam đến cuối năm 2019 sẽ tăng 61 chiếc và vượt khả năng quản lý của cơ quan này. Ảnh: Lê Quân. |
Trung bình trong giai đoạn 2019-2024, mỗi năm Vietjet Air sẽ nhận bàn giao khoảng 20 máy bay, chưa kể biến động trong việc thuê thêm và trả bớt máy bay hãng đang thuê. Theo kế hoạch, số lượng đội tàu khai thác của Vietjet Air năm 2016 sẽ là 76 chiếc, thay vì 64 chiếc như hiện nay.
Trong khi đó, tại đại hội cổ đông, Vietnam Airlines cũng cho hay trong năm 2019 hãng sẽ đưa vào khai thác 20 máy bay A321neo, bên cạnh việc bán 5 máy bay A321ceo sản xuất năm 2004-2005 để đẩy mạnh việc đổi mới đội tàu.
20 máy bay mới này sẽ bao gồm cả máy bay thuê mua và máy bay thuê khô. Hãng cũng chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025. Các phương án đang được cân nhắc là Boeing 737 Max và A321neo.
Ngoài máy bay thân hẹp, Vietnam Airlines cũng ghi nhận biến động số lượng nhiều loại máy bay khác. Hãng vừa tiếp nhận chiếc Airbus A350-900 thứ 14, chiếc cuối cùng trong đơn hàng, từ nhà sản xuất máy bay Pháp vào đầu tháng 4/2019.
Giữa tháng 4, Vietnam Airlines còn phát đi thông báo về kế hoạch thuê khô 5 máy bay phản lực cỡ nhỏ để thay thế dàn máy bay 2 cánh quạt ATR 72 đã có phần lỗi thời. Tới giữa năm 2018, đội bay của Vietnam Airlines vẫn có khoảng 7 chiếc ATR 72.
Hãng nhỏ cũng muốn thêm máy bay
Bên cạnh 2 ông lớn, Bamboo Airways cũng muốn biên chế thêm máy bay trong năm 2019. Giấy phép kinh doanh hàng không của Bamboo Airways hiện chỉ cho phép hãng khai thác 10 máy bay.
Tuy nhiên theo Planespotter, Bamboo Airways hiện đã biên chế 9 máy bay cùng 1 chiếc chuẩn bị nhận bàn giao từ đơn vị cho thuê. Đây là lý do hãng muốn xin cấp mới giấy phép bay với số vốn đăng ký mới là 1.300 tỷ đồng, đủ để hãng vận hành trên 30 máy bay.
Bamboo Airways muốn tăng gấp 4 lần số máy bay trong tương lai gần nhưng cơ quan quản lý chưa đồng thuận. Ảnh: BA. |
Nếu được cấp mới giấy phép, Bamboo Airways khẳng định sẽ tiếp tục biên chế thêm máy bay để phục vụ tăng trưởng. Ông Trịnh Văn Quyết, CEO của hãng, chia sẻ hãng đang muốn nâng số lượng máy bay lên 40 chiếc, tuy nhiên con số này đang vượt quá năng lực giám sát của Cục Hàng không.
"Thực tế, các tàu bay của chúng tôi sắp được giao. Giờ Cục Hàng không yêu cầu chúng tôi phải chỉnh lại đề án, nếu 40 chiếc không được thì bao nhiêu chiếc, lộ trình thế nào", ông Quyết nói với Zing.vn.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng chia sẻ trong hợp đồng mua 50 máy bay thân hẹp của hãng sẽ có điều khoản được mua thêm 50 chiếc nữa. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để hãng mua thêm máy bay cho Jetstar Pacific với giá hợp lý nhằm tăng cường đội bay cho dải sản phẩm giá rẻ.
Một hãng hàng không khác cũng đang muốn cất cánh là Vietravel Airlines, hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê nguyên chuyến).
Khi được hỏi về số lượng tàu bay dự định đầu tư, CEO Vietravel không tiết lộ con số cụ thể mà chỉ đề cập sẽ xúc tiến các nội dung triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược theo quy định.