Theo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý I do Vietnam Airlines công bố, hãng đã thực hiện gần 33.500 chuyến bay, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và chuyên chở 5,4 triệu lượt hành khách.
Vietnam Airlines còn hơn 52% thị phần nội địa
Trong khi đó, Vietjet Air cho biết 3 tháng đầu năm, hãng đã thực hiện tổng cộng 33.646 chuyến bay, tăng 14,6% so với quý I/2018. Số lượt khách Vietjet vận chuyển trong thời gian này là hơn 5,8 triệu.
Như vậy, hãng hàng không bikini của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã vượt Vietnam Airlines về cả số lượng chuyến bay lẫn hành khách.
Tính chung cả năm 2019, Vietjet cũng đặt mục tiêu tham vọng hơn hãng hàng không quốc gia về số lượt hành khách chuyên chở: 27,7 triệu so với 25 triệu.
Trong thực tế, năm 2018, Vietjet đã vươn lên dẫn đầu thị trường về số lượt hành khách chuyên chở với con số 23 triệu so với 22 triệu của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, số lượng chuyến bay của Vietnam Airlines lúc này vẫn cao hơn đối thủ. Tính cả năm 2018, Vietnam Airlines thực hiện hơn 141.000 chuyến bay còn Vietjet là gần 119.000 chuyến.
Về thị phần, Vietnam Airlines cho biết thị phần của hãng hàng không quốc gia và các hãng thành viên (bao gồm Jetstar Pacific) "duy trì ổn định", chiếm trên 52% thị phần nội địa.
Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2018 của mình, Vietnam Airlines cho biết thị phần nội địa của mình và các hãng thành viên lên tới 55,3%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm 2019, thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar đã giảm. Đây cũng là thời điểm tân binh Bamboo Airways của tập đoàn FLC cất cánh lần đầu.
Nếu theo dữ liệu này của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đang chia sẻ miếng bánh 48% thị phần còn lại của thị trường hàng không trong nước.
Với việc Vietjet khẳng định mình là hãng hàng không nội địa dẫn đầu thị trường với tỷ lệ thị phần nội địa lên tới 46% trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng, Bamboo Airways nhiều khả năng mới chỉ chiếm một lượng thị phần rất nhỏ.
Tuy nhiên, các chỉ số thị phần do Vietnam Airlines và Vietjet tự công bố nói trên có thể có dung sai khi các doanh nghiệp không chia sẻ chi tiết về công thức tính. Tổng thị phần năm 2018 do Vietnam Airlines và Vietjet tuyên bố vượt mức 100%.
Thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar giảm sau quý đầu tiên, thời điểm Bamboo Airways cất cánh. Ảnh: VNA. |
Doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines tăng trưởng chậm lại
Dù các chỉ số về lượng chuyến bay và lượt hành khách tụt lại so với Vietjet, doanh thu của Vietnam Airlines vẫn bỏ xa đối thủ.
Doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines trong quý I là 25.536 tỷ đồng, . Trong khi đó, doanh thu của Vietjet là 13.637 tỷ. Cả hai hãng đều tăng thu hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, doanh thu vận tải hàng không hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm công ty con Jetstar Pacific) đang tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu vận tải hàng không hợp nhất của cả quý I là 20.748 tỷ đồng, tăng chưa đến 700 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mức tăng trưởng của chỉ tiêu này trong quý I/2018 lại cao hơn 2017 đến gần 2.600 tỷ đồng.
Đối thủ Viejet cũng ghi nhận doanh thu vận tải hàng không của 3 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 2.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dù lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines cao gần gấp đôi Vietjet (4.015 tỷ đồng và 2.246 tỷ đồng), chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại lớn hơn đối thủ nhiều lần.
Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines là 1.473 tỷ đồng lại thấp hơn so với Vietjet là 1.647 tỷ đồng. Lãi trước thuế của Vietnam Airlines (1.579 tỷ đồng) cũng thấp hơn đối thủ Vietjet (1.647 tỷ đồng).