Theo Fortune, không có tin tức nào trong những năm gần đây giúp đẩy giá Bitcoin như quyết định chấp nhận thanh toán và đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin của hãng xe điện Tesla.
Theo đó, Tesla đã mua 1,5 tỷ USD tiền mã hóa và cho biết sẽ bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán trong tương lai. Như vậy, khách hàng mua xe hoặc các sản phẩm của Tesla có thể trả bằng Bitcoin bên cạnh những loại hình thanh toán truyền thống khác.
"Tuy nhiên, sự táo bạo của Elon Musk - ông chủ Tesla - không truyền cảm hứng cho các CFO (giám đốc tài chính) tại Mỹ", nhà báo Shawn Tully viết trên Fortune.
Quyết định của Tesla giúp giá Bitcoin tăng phi mã trong vòng 1 tuần qua. Ảnh: Coindesk. |
Lo sợ biến động
Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu hàng đầu Gartner, chỉ 5% CFO được thăm dò vào tháng 2/2021 cho biết họ có kế hoạch giữ Bitcoin như một tài sản của doanh nghiệp vào năm 2021.
Gartner đã thăm dò ý kiến của 50 CFO tại 70 công ty có giá trị vốn hóa thị trường từ 250 triệu USD đến 30 tỷ USD.
"Các CFO được giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định về mặt tài chính. Họ không có xu hướng vội vàng đầu cơ vào những tài sản khó dự đoán", ông Alexander Bant, trưởng nhóm nghiên cứu của Gartner Finance, nhận định.
Mặt khác, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ tò mò về Bitcoin. Một nhóm nhỏ cũng đã làm theo tỷ phú Musk. Theo ông Bant tại Gartner Finance, các CFO cũng nhận được câu hỏi về Bitcoin từ hội đồng quản trị và những nhà đầu tư.
"Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp các thuật ngữ liên quan đến Bitcoin và công nghệ blockchain để có thể giải thích rõ hơn về hoạt động của Bitcoin", ông Bant tiết lộ.
Bitcoin tăng gần 450% trong vòng 12 tháng qua, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về bong bóng giống hồi năm 2017. Ảnh: Coindesk. |
Trên thực tế, ông Bant khá ngạc nhiên khi 5% CFO được hỏi cho biết có thể mua Bitcoin trong năm nay. "Tôi đoán rằng con số đó sẽ thấp hơn", ông chia sẻ. Khoảng 1% người được hỏi dự định nắm giữ đồng tiền này vào năm 2022, 9% khác cho biết có thể đầu tư trong năm 2024 hoặc muộn hơn.
Vị trưởng nhóm nghiên cứu tiết lộ rằng hội đồng quản trị của các doanh nghiệp Mỹ cũng không có cái nhìn tiêu cực về tiền mã hóa như ông dự đoán. Chỉ 39% số CFO được hỏi cho biết sự ác cảm của hội đồng quản trị là lý do họ không có ý định nắm giữ Bitcoin.
"Thông thường, các giám đốc tài chính không muốn mang mạo hiểm đến cho hội đồng quản trị công ty", ông bình luận.
Cần bước đột phá
Đối với ông Bant, điểm mấu chốt là giá Bitcon quá dễ bay hơi. Do đó, đồng tiền này khó được chấp nhận rộng rãi như một khoản đầu tư, nằm trên bảng cân đối kế toán của công ty hoặc trở thành tiền tệ để thanh toán.
Để tạo ra một bước đột phá lớn, Bitcoin cần phải trở thành tiền mặt kỹ thuật số cho các giao dịch mua hàng ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao những người tiêu dùng muốn giữ ví kỹ thuật số và thanh toán bằng tiền kỹ thuật số", ông Bant nhận định. "Sau đó, các CFO sẽ phải đưa ra quyết định về những gì họ chấp nhận và không", ông nói thêm.
Các công ty sẽ không nhận thanh toán bằng Bitcoin cho đến khi một khuôn khổ quy định mới, mạnh mẽ hơn giúp giao dịch trở nên an toàn và bảo mật
- Ông Alexander Bant, trưởng nhóm nghiên cứu của Gartner Finance
Ông cho rằng các công ty sẽ không nhận thanh toán bằng Bitcoin cho đến khi một khuôn khổ quy định mới, mạnh mẽ hơn giúp giao dịch trở nên an toàn và bảo mật.
“Sự biến động giá và những vấn đề về quản lý tiền mặt không phù hợp với các CFO. Họ là những người không thích rủi ro", ông Baht giải thích.
Đến nay, Bitcoin vẫn là một công cụ có tính đầu cơ cao. Các chuyên gia nhận định việc ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức chấp nhận và đầu tư vào Bitcoin sẽ không giúp đồng tiền này giảm biến động.
"Elon Musk nói sẽ sớm bắt đầu chấp nhận Bitcoin từ những khách hàng mua Tesla. Chúng ta hãy chờ xem liệu nước cờ táo bạo của ông này có được nhiều người làm theo và đánh cược tiền của doanh nghiệp hay không", nhà báo Shawn Tully viết trên Fortune viết.