Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đừng lơ là với giá cả leo thang'

Chuyên gia Axel A. Weber cảnh báo các cơ quan trên toàn cầu đang lơ là rủi ro lạm phát. Những chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ khiến bom hẹn giờ lạm phát ngày một phình to.

Theo dự báo của nhiều ngân hàng, ngân hàng trung ương và các tổ chức khác, lạm phát không phải vấn đề trong tương lai gần. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2025.

Tuy nhiên, theo ông Axel A. Weber - Chủ tịch Hội đồng quản trị của UBS Group, các mô hình kinh tế từ lâu đã nổi tiếng không chính xác trong việc dự đoán lạm phát. Và dịch Covid-19 khiến thách thức càng lớn hơn. Ông Weber là cựu Chủ tịch Deutsche Bundesbank, cựu thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Các nhà kinh tế thường hiệu chỉnh mô hình bằng cách sử dụng dữ liệu trong vòng 50 năm qua để giải thích và dự đoán xu hướng kinh tế. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế hiện tại là chưa có tiền lệ. "Do đó, dự báo lạm phát thấp của ngày hôm nay không thể đảm bảo rằng lạm phát sẽ thực sự duy trì ở mức thấp", ông Weber nhận định.

Lam phat tang anh 1

Nhiều ngân hàng, ngân hàng trung ương và các tổ chức tin rằng lạm phát không phải vấn đề trong tương lai gần. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ giá cả leo thang

Ngay cả khi không có thêm áp lực lạm phát, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2021. Đến tháng 5, một số dự báo cho rằng lạm phát cả năm sẽ tăng trên 2% ở Mỹ và hướng tới 2% tại khu vực đồng euro. Phần lớn nguyên nhân là tỷ lệ cơ sở thấp trong nửa đầu năm ngoái.

Do đó, tỷ giá cao hơn không có nghĩa là áp lực lạm phát gia tăng.

Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 là giảm phát. Bởi đại dịch gây ảnh hưởng đến tổng cầu hơn tổng cung. Chẳng hạn, vào tháng 4/2020, giá dầu đã giảm xuống dưới mức 0.

"Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào bức tranh cung cầu, chúng ta sẽ thấy nhiều sắc thái hơn", ông Weber viết. Đại dịch đã chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa. Một số mặt hàng trở nên đắt đỏ hơn do tắc nghẽn sản xuất và vận chuyển.

Giá hàng hóa tăng được bù đắp bằng giá dịch vụ giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, những hạn chế liên quan đến đại dịch khiến mức tiêu thụ của nhiều dịch vụ giảm mạnh, chẳng hạn ngành hàng không.

Do đó, giỏ tiêu dùng thực tế của nhiều người đắt đỏ hơn con số mà cơ quan thống kê sử dụng để tính toán lạm phát. Vì vậy, tỷ lệ lạm phát thực sẽ cao hơn số liệu chính thức.

Lam phat tang anh 2

Sau khi các ngành dịch vụ phục hồi, giỏ tiêu dùng thực tế của người tiêu dùng sẽ đắt đỏ hơn nhiều. Ảnh: Reuters.

Một khi các chính phủ dỡ bỏ hạn chế di chuyển, lạm phát dịch vụ cũng có thể tăng lên nếu công suất giảm. Nguyên nhân là nhiều nhà hàng và khách sạn đã đóng cửa vĩnh viễn. Nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.

Việc nới lỏng tài khóa và tiền tệ để giúp nền kinh tế chống đỡ tác động từ dịch Covid-19 thậm chí còn tạo ra nguy cơ lạm phát lớn hơn. Theo ước tính của UBS, tổng nợ công trên toàn cầu năm 2020 đã lên đến 11% GDP, gấp ba lần 10 năm trước đó.

Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương thậm chí còn tăng nhiều hơn vào năm ngoái, với 13% GDP toàn cầu. Do đó, thâm hụt của chính phủ năm 2020 được tài trợ gián tiếp bằng việc phát hành tiền mới.

Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi người tiết kiệm và nhà đầu tư giữ tiền, trái phiếu chính phủ với lãi suất 0 hoặc âm. Nếu nhà đầu tư chuyển sang các tài sản khác, đồng tiền pháp định sẽ bị suy yếu, dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn.

Lơ là rủi ro

Các quả bom nợ của chính phủ trước đây hầu hết kết thúc với lạm phát cao. Chính sách nới lỏng tiền tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 không làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, điều này không thể đảm bảo rằng giá cả leo thang sẽ không diễn ra trong cuộc khủng hoảng lần này.

Sau năm 2008, tiền được bơm ra chủ yếu chảy đến thị trường tài chính. Nhưng hiện tại, việc mở rộng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương đang kích hoạt dòng tiền lớn vào nền kinh tế thực, thông qua thâm hụt tài khóa kỷ lục và tăng trưởng tín dụng nhanh ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, phản ứng chính sách tiền tệ đối với đại dịch nhanh và đáng kể hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng vừa qua.

Ngoài ra, thay đổi nhân khẩu học, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mục tiêu lạm phát 2% cũng là các yếu tố có thể dẫn đến lạm phát tăng cao trong dài hạn.

Theo ông Weber, lạm phát tăng mạnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để kiềm chế, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đang gánh nợ.

Lam phat tang anh 3

Nguy cơ lạm phát đang bị nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư đánh giá thấp. Ảnh: Reuters.

Trong những tháng qua, giá hàng hóa, chi phí vận tải quốc tế, chứng khoán và Bitcoin đều tăng mạnh. Đồng USD mất giá đáng kể. Đó đều có thể là những dấu hiệu báo trước về nguy cơ giá cả leo thang.

"Quá nhiều người đang đánh giá thấp nguy cơ lạm phát gia tăng. Những dự báo dựa trên mô hình lạc quan không thể trấn an tôi. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa, cũng như người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư, không nên bị cuốn vào sự lạc quan thái quá đó", ông Axel A. Weber cảnh báo.

"Vào năm 2014, cựu chủ tịch FED Alan Greenspan dự đoán rằng lạm phát cuối cùng sẽ phải tăng lên, và gọi bảng cân đối kế toán của FED là 'một đống rác'. Đại dịch có thể là tia sét hủy hoại nó", ông viết thêm.

'Kinh tế Việt - Mỹ có nhiều cơ hội mới dưới thời Tổng thống Biden'

Giám đốc điều hành Amcham khẳng định ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam. Hai nước cũng có những cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế dưới thời Tổng thống Biden.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm