Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

'Kinh tế Việt - Mỹ có nhiều cơ hội mới dưới thời Tổng thống Biden'

Giám đốc điều hành Amcham khẳng định ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam. Hai nước cũng có những cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế dưới thời Tổng thống Biden.

Giám đốc điều hành Amcham khẳng định ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam. Hai nước cũng có những cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế dưới thời Tổng thống Biden.

Cuộc phỏng vấn của Zing với bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành của AmCham Vietnam (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), Nguyên Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM, diễn ra chỉ vài tiếng trước khi bà có chuyến bay đến Đà Nẵng. Bà Tarnowka chia sẻ ngoài Hà Nội và TP.HCM, Amcham còn đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Đà Nẵng và trên khắp Việt Nam.

Trao đổi với Zing, bà Mary Tarnowka bày tỏ sự hào hứng về tương lai của mối quan hệ kinh tế Việt - Mỹ dưới chính quyền mới của Mỹ. Bà tin rằng việc hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng tái tạo và LNG sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và giúp cải thiện cán cân thương mại song phương.

'Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam' Giám đốc điều hành Amcham lạc quan về tương lai kinh tế Việt - Mỹ. Theo bà, Mỹ và Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

- Từ góc nhìn của Giám đốc điều hành Amcham, bà đánh giá thế nào về sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các công ty Mỹ?

- Theo tôi, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Một phần nguyên nhân là vị trí địa lý đắc địa và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và gần đây là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu).

Các bạn có một lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ với chi phí lao động phải chăng. Chính phủ Việt Nam cũng rất hoan nghênh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Một lý do khác không thể không kể đến là Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt một cách đáng kinh ngạc.

Viet Nam - My anh 1

Nhờ đó, đất nước các bạn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2020. Đó là một thành tích mà không phải quốc gia nào trong khu vực cũng đạt được. Trên toàn thế giới, chỉ có một vài nước duy trì tăng trưởng dương. Tôi cho rằng đó là lợi thế của các bạn. Việt Nam đang đứng ở vị thế rất tốt trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc, khi chi phí lao động tại quốc gia này tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Nhờ đó, những quốc gia khác trong khu vực trở nên hấp dẫn FDI hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi chính. Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều công ty quốc tế chuyển dây chuyền sản xuất và mở rộng ở Việt Nam.

Hôm 27/1, Tập đoàn Intel đã được nhận giấy chứng nhận bổ sung vốn đầu tư để mở rộng tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Tôi cũng biết một công ty năng lượng khác đang xem xét việc mở rộng với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Còn có những công ty mới khác, chẳng hạn nhà cung cấp của Apple, đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đến Việt Nam.

Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự quan tâm hơn nữa. Những nhà đầu tư tiềm năng cũng có thể tới Việt Nam để xem xét. Bởi họ muốn "mắt thấy tai nghe" chứ không chỉ dựa vào các đối tác để đánh giá cơ hội.

- Bà nhận thấy các doanh nghiệp FDI Mỹ tại Việt Nam đang gặp những khó khăn gì? Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm FDI chất lượng cao, thưa bà?

- Có một số hạn chế đối với các công ty đa quốc gia, bao gồm doanh nghiệp Mỹ, khi tìm cách đầu tư vào Việt Nam. Điều đầu tiên là những hạn chế về cơ sở hạ tầng như cơ sở hạ tầng hàng không, giao thông vận tải, kỹ thuật số và năng lượng.

Từ khía cạnh cơ sở hạ tầng, tôi cho rằng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Điều tích cực là Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, trong đó có các chính sách cho phép tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng muốn đóng góp mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Tôi còn vừa tham dự lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành cách đây vài tuần. Các công ty cơ sở hạ tầng hàng không Mỹ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công nghệ hiện đại khi Chính phủ Việt Nam tìm cách hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Viet Nam - My anh 2

Về cơ sở hạ tầng đường bộ, tôi rất vui mừng khi chứng kiến có thêm những đường cao tốc phía Nam nối TP.HCM với một số khu công nghiệp và các tỉnh quan trọng khác.

Nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy rằng các cơ sở hạ tầng tốt nhất nằm ở phía Bắc, xung quanh Hà Nội. Tuy nhiên, có hơn 80% doanh nghiệp thành viên của AmCham Vietnam tập trung tại TP.HCM và những vùng lân cận. Tôi tin rằng các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cũng vậy.

Do đó, việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển trên khắp đất nước. Chúng tôi cũng có chi hội Amcham ở Đà Nẵng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư tại đây.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế kỹ thuật số cũng rất quan trọng. Điều đó sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế. Chính phủ cần đưa ra các chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho sự đổi mới trong nền kinh tế số. Tôi cho rằng an minh mạng vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

Cơ sở hạ tầng xã hội cũng là vấn đề được các doanh nghiệp Mỹ quan tâm. Amcham đang nỗ lực giải quyết thông qua việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng, làm việc với những trường cao đẳng và địa phương để phát triển lực lượng lao động toàn cầu trong tương lai. Các thành viên của Amcham như Đại học Arizona State, Đại học Fulbright đều muốn đóng góp vào mối quan hệ hợp tác này.

Một lần nữa, Amcham, cũng như các doanh nghiệp thành viên, luôn coi sự bền vững là ưu tiên hàng đầu và cố gắng tạo ra những giá trị tốt đẹp với xã hội và môi trường.

Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, đóng vai trò là tiếng nói của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của Amcham là trở thành một hiệp hội doanh nghiệp năng động, có tầm ảnh hưởng chiến lược nhất ở Việt Nam. Điều đó sẽ thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng bền vững và giúp các doanh nghiệp thành viên thành công.

Chúng tôi thực sự mong muốn trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp thành viên, chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh, nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác kinh tế và đưa nó lên tầm cao mới.

- Bà dự đoán mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam sẽ thay đổi ra sao dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, thưa bà?

- Tôi vô cùng háo hức về tương lai của mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ.

Cụ thể, dưới chính quyền Tổng thống Biden, Amcham và nhiều người Việt Nam đều muốn biết liệu chính quyền ông Biden có sẵn sàng tái gia nhập CPTPP hay không. Cá nhân tôi cho rằng việc gia nhập CPTPP rất có lợi, vừa gia tăng lợi ích của người lao động và tầng lớp trung lưu Mỹ, vừa thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế tăng cường giữa Mỹ và Việt Nam.

Việc này cũng sẽ có lợi từ góc nhìn địa chính trị, giúp Mỹ tham gia tích cực với các quốc gia châu Á và thúc đẩy hội nhập kinh tế tại đây. Trước mắt, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tập trung vào phát triển nền kinh tế nội địa và đối phó với cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi hy vọng chính quyền Mỹ sẽ xem xét và tham gia trong trung hạn.

Viet Nam - My anh 3

Và dù chính quyền Mỹ xem xét gia nhập và cải thiện CPTPP hay tiến hành đàm phán song phương, vẫn sẽ có những cơ hội tuyệt vời để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế của chúng ta, có lợi cho cả người dân Mỹ và Việt Nam.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ ưu tiên các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Điều đó có thể mang tới cơ hội cho Việt Nam. Đất nước các bạn có tiềm năng đáng kinh ngạc để phát triển lĩnh vực du lịch. Dịch Covid-19 cũng đem đến cơ hội giúp Việt Nam thực hiện chiến lược đó một cách bền vững. Đó là phát triển không quá mức và vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có, khiến đất nước trở nên hấp dẫn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng một số vấn đề dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn sẽ tiếp tục ở nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, trong đó có cuộc điều tra theo Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 liên quan đến chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã gán mác Việt Nam thao túng tiền tệ, yêu cầu Mỹ và Việt Nam tham gia tăng cường cam kết song phương. Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thảo luận tích cực về vấn đề này.

Trong một cuộc điều tra khác, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng kết luận Việt Nam đã tham gia thao túng giá đồng tiền. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đưa ra bất cứ hành động trừng phạt nào. Có một số lo ngại rằng một phần hoặc toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra dưới chính quyền ông Trump.

Chính quyền ông Biden vẫn sẽ quan tâm đến vấn đề này, song có thể có cái nhìn tổng thể hơn về mối quan hệ.

Ngoài ra, cũng có một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có tham gia nhập khẩu, sử dụng gỗ bất hợp pháp và xuất khẩu sang Mỹ hay không. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc nhằm ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp, đồng thời loại bỏ các rào cản để tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa hoặc vật phẩm có giá trị lớn từ Mỹ.

- Vậy theo bà, hai bên cần làm gì để cải thiện cán cân thương mại và tăng cường mối quan hệ kinh tế trong tương lai?

Viet Nam - My anh 4

- Theo tôi, nông nghiệp và hàng không là hai lĩnh vực mang đến cơ hội lớn trong việc cải thiện cán cân thương mại. Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ sáu của Mỹ. Tôi cũng hy vọng các giao dịch mua bán máy bay sẽ trở lại sau khi dịch Covid-19 qua đi. Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm hiện tại, cơ hội còn nằm ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không.

Năng lượng tái tạo và LNG cũng là những lĩnh vực đầy hứa hẹn. Việt Nam đã thúc đẩy các dự án LNG với Tập đoàn ASE và điều này có ý nghĩa rất lớn. Theo tôi được biết, có một số công ty lớn khác của Mỹ mong muốn đầu tư vào Việt Nam và trở thành đối tác thúc đẩy an ninh năng lượng theo hướng sạch và bền vững.

Những dự án này không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế, mà còn có ích đối với cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Amcham đang xem xét rất nghiêm túc, cố gắng và hợp tác để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của lực lượng lao động Việt Nam. Đây sẽ là một trong những ưu tiên chính của chúng tôi trong năm tới.

Chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tăng cường hội nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó sẽ có lợi cho cả các nhà đầu tư từ Mỹ và công ty tại Việt Nam. Và Amcham luôn hướng đến cái nhìn dài hạn để Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác bền vững.

Chúng tôi vô cùng hào hứng về tương lai và mong muốn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trên khắp Việt Nam. Chẳng hạn hôm qua, Amcham đã tổ chức một sự kiện với 40-50 người tham gia. Đó là những doanh nhân từ Singapore, Hong Kong và một số bang khác nhau ở Mỹ. Họ đều đầu tư vào Việt Nam và rất muốn thúc đẩy mối quan hệ.

Amcham có hơn 600 doanh nghiệp thành viên đặt trụ sở tại TP.HCM và Đà Nẵng, với hơn 1.900 thành viên cá nhân. Cộng với các thành viên ở Hà Nội, sau khi loại bỏ những cái tên trùng lặp, chúng tôi có khoảng 700 doanh nghiệp thành viên và khoảng 2.500 đại diện cá nhân.

Tôi tin rằng Mỹ có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, tiếng nói của doanh nghiệp Mỹ là rất quan trọng. Và Amcham thực sự muốn trở thành đối tác quan trọng giúp tăng cường mối quan hệ này, nhất là mối quan hệ kinh tế.

Trước khi làm việc cho AmCham Vietnam, bà Mary Tarnowka là Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2019. Trong 3 năm đảm nhận cương vị này, bà đã có nhiều đóng góp cho một giai đoạn phát triển vượt bậc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, bao gồm hai chuyến thăm chưa từng có của tổng thống Mỹ đến Việt Nam trong vòng 18 tháng.

Bà Tarnowka có nhiều năm làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ với các vị trí tại Seoul, Delhi, Thượng Hải và Đài Bắc. Trước khi tham gia vào lĩnh vực ngoại giao, bà đảm nhận vai trò phụ trách vấn đề thuế tại văn phòng KPMG ở San Francisco.

AmCham Vietnam là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1994 ở TP.HCM. Amcham hiện có hơn 700 doanh nghiệp thành viên và hơn 2.500 thành viên cá nhân cho các đại diện doanh nghiệp.

Thảo Cao

Đồ họa: Hà My - Ảnh: Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm