Một loạt quốc gia phương Tây, đặc biệt là đồng minh của Mỹ, đang ngày càng cứng rắn hơn trong các thông điệp nhắm tới Trung Quốc và đang có xu thế các nước này hợp sức lại để đối đầu Bắc Kinh, theo CNN.
Sự phối hợp này nhìn thấy rõ ràng nhất trong phản ứng của các quốc gia trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong, như phản ứng của Five Eyes (Ngũ Nhãn), liên minh tình báo giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand.
Người biểu tình phản đối Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong vào ngày 1/7. Ảnh: AFP/Getty. |
Ngũ Nhãn đang đồng tâm hơn
Bốn thành viên của liên minh nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, hành động thống nhất hiếm hoi giữa các thành viên. Chỉ có New Zealand không tham gia tuyên bố này.
Anh xác nhận kế hoạch cấp hộ chiếu Anh cho khoảng 3 triệu người Hong Kong. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết ông cũng nêu ra vấn đề "chia sẻ gánh nặng" với Five Eyes nếu có cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.
Australia thì gia hạn thị thực cho người Hong Kong ở nước này, đồng thời mở lộ trình thành công dân Australia cho họ.
Trong khi đó, Canada đang tìm cách để "thúc đẩy" di cư khỏi Hong Kong. Australia đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong còn Canada, Mỹ, Anh và New Zealand cũng đều đang xem xét lại các hiệp ước của họ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 13/7 cũng cảnh báo khối này đang chuẩn bị phản ứng dù ông chưa nói biện pháp cụ thể.
Điều này khiến các quan chức ở Bắc Kinh khó chịu và tuyên bố sẽ đáp trả. Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên không đến Australia vì các cuộc tấn công phân biệt đối xử với người châu Á. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói Anh "lùi lại khỏi bờ vực" và "chấp nhận thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả lại cho Trung Quốc”.
Đầu tháng này, các nhà lập pháp từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu đã thành lập một liên minh mới được gọi là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này đưa ra phản ứng chung về Trung Quốc để các thành viên thực hiện ở nước mình. Thành viên liên minh này gồm hai Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cùng các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Uganda và những người khác.
"Các nghị sĩ đang vượt ra khỏi rào cản biên giới để tạo ra một mặt trận chung chống lại Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy. Điều này rất đáng chú ý", Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học SOAS London, người cố vấn cho các chính phủ và tổ chức về Trung Quốc, nói.
Bà Kobayashi chỉ ra rằng một số quốc gia đã loại Huawei ra khỏi việc xây dựng cơ sở hạ tầng Internet tốc độ cao là ví dụ khác về sự thống nhất trong phản ứng đối với Trung Quốc. "Nếu những các quốc gia phản ứng cùng nhau, Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng", bà nhận định.
Hôm 14/7, Anh đã cấm sử dụng thiết bị của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei trong mạng 5G của nước này. Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng cấm hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi cơ sở hạ tầng không dây tốc độ cao vì lo ngại rằng dữ liệu cá nhân có thể bị chính phủ Trung Quốc truy cập.
Ấn Độ cũng nêu những lo ngại về an ninh khi cấm ứng dụng TikTok và hàng chục ứng dụng khác thuộc sở hữu của Trung Quốc. Mỹ cũng đang cân nhắc cấm TikTok vì những vấn đề an ninh.
Thay đổi lập trường của Australia
Tuy nhiên, Trung Quốc có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và đây là một vấn đề với nhiều quốc gia. Trung Quốc có đòn bẩy tuyệt vời trong các tranh chấp, cho dù đó là tranh chấp về thương mại, lãnh thổ, chủ quyền hay ý thức hệ.
Chưa bao giờ điều này trở nên quá rõ ràng như thời điểm hiện tại. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy thế giới phụ thuộc nhiều như thế nào vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Chúng ta cũng thấy được các quốc gia phải dựa vào thị trường Trung Quốc để tiêu thụ hàng xuất khẩu.
Australia là ví dụ rõ ràng về điều này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trong năm 2018-2019, thương mại hai chiều của Australia và Trung Quốc trị giá 235 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần so với Nhật Bản, đối tác lớn tiếp theo của Australia. Trung Quốc cũng chi 153,2 tỷ USD để mua hàng xuất khẩu của Australia.
Nhưng sau khi Australia khởi xướng các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona, Bắc Kinh đã áp mức thuế 80,5% lên lúa mạch nhập khẩu từ Australia.
Một công nhân làm việc với các thanh thép tại một nhà máy ở Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hồi tháng 5. Ảnh: AFP/Getty. |
Đây là cú tát mạnh. Trung Quốc là quốc gia mua khoảng 1/2 lượng lúa mạch xuất khẩu của Australia. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng áp thuế lên thịt bò Australia và Đại sứ của Trung Quốc tại Australia, ông Cheng Jingye, nói người dân Trung Quốc có thể tẩy chay rượu vang Australia, không đi du lịch và du học Australia.
Lời kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 của Thủ tướng Scott Morrison là lần hiếm hoi Australia thể hiện sự lãnh đạo về vấn đề toàn cầu. Điều này cũng gây ngạc nhiên vì vị trí địa lý của Australia và Trung Quốc khá gần nhau. Do đó, nguy cơ xung đột quân sự trở nên rất thực tế .
Và để chứng minh cho điều này, gần đây, ông Morrison đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng của Australia.
"Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, không bị áp bức và bá quyền. Chúng tôi muốn một khu vực mà mọi nước, dù lớn hay nhỏ, có thể tự do hưởng quyền của mình theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế", ông Morrison nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nói rằng nước này công khai và minh bạch trong việc đối phó với đại dịch.
Không phải nước nào cũng táo bạo trong việc phản ứng với Trung Quốc như Australia. EU có thể đang tìm cách phản ứng với luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, nhưng khối này hành động khá chậm chạp.
Với Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như không thể làm vừa lòng mọi người. Bà được một số lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi vì cách tiếp cận thực tế và vì khuyến khích phát triển thương mại với Trung Quốc. Nhưng bà cũng nhận những lời chỉ trích vì quá mềm mỏng với Trung Quốc và quá gần gũi với Bắc Kinh.
Trong khi bà Merkel ủng hộ lời kêu gọi của EU về phản ứng thống nhất với luật an ninh Hong Kong hôm 13/7, bà cũng nói rằng "không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc", theo Reuters.
Tình thế khó xử của bà Merkel là điều dễ hiểu. Bên cạnh lý do thương mại, có những lý do thuyết phục khác cho việc không xa lánh Trung Quốc. Thế giới cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết vấn đề môi trường.
Trung Quốc là nguồn thải carbon lớn nhất thế giới và quốc gia này sẵn sàng tham gia vào nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu. Chỉ có Trung Quốc mới có thể trả lời một số câu hỏi về nguồn gốc của Covid-19, vấn đề các chuyên gia y tế cho rằng có thể giúp ngăn chặn đại dịch khác.
Và nếu Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát triển vaccine Covid-19, các nước còn lại chắc chắn sẽ muốn tiếp cận nó.