Hãng tin Bloomberg nhận định làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục diễn ra dưới chính quyền người kế nhiệm.
Apple là tập đoàn lớn nhất trong số những đại gia công nghệ phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, hãng đang lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất iPad và MacBook đến Việt Nam. Đối tác lắp ráp chính của Apple, Hon Hai Precision Industry (hay còn gọi là Foxconn), cũng đã phân bổ khoản đầu tư mới 270 triệu USD tới đây.
Những động thái trên báo hiệu một đợt chuyển dịch lớn và lâu dài hơn, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất iPhone và vai trò của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo yêu cầu của Apple, Foxconn sẽ chuyển công đoạn lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh. |
Tháo chạy khỏi Trung Quốc
Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou đã sử dụng thuật ngữ "G2" để mô tả xu hướng chuỗi cung ứng thống nhất bị phân nhánh thành hai, ba chuỗi khác. Hồi tháng 8, ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn, nhận định những quốc gia như Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và châu Mỹ có thể có một hệ sinh thái sản xuất riêng trong tương lai.
Ông nhận định rất khó để đảo ngược xu hướng hiện tại. Nguyên nhân là các nước như Ấn Độ và Việt Nam đang tăng cường cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút nhà sản xuất nước ngoài nhờ chi phí rẻ và sự ổn định chính trị.
"Khi Trung Quốc trở nên đắt đỏ, chính trị Mỹ khó đoán hơn, các công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất của một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục nếu chi phí tại Trung Quốc ngày càng cao, Việt Nam và Ấn Độ gia tăng năng lực cạnh tranh", Bloomberg dẫn lời ông Dan Wang, một chuyên gia phân tích tại hãng Gavekal Dragonomics, nhận định.
Các nhân viên kiểm tra sản phẩm được sản xuất tại Rising Stars Mobile - một đơn vị của Foxconn Tech ở Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
Xung đột thương mại Mỹ - Trung do Tổng thống Trump khởi xướng khiến nhiều nhà sản xuất chuyển dây chuyền sản xuất đến các quốc gia như Việt Nam, hoặc xa hơn, tới Mexico và Ấn Độ. Mục đích là tránh đòn thuế và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Dưới thời CEO Tim Cook, hoạt động sản xuất của Apple phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, gã khổng lồ công nghệ đã tìm ra những giải pháp thay thế. Công ty có trụ sở Cupertino (bang California) đang tăng cường công suất sản xuất iPhone ở Ấn Độ thông qua các đối tác lắp ráp.
Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi cũng đưa ra các chính sách nhằm thu hút những công ty điện thoại hàng đầu chuyển sản xuất đến đất nước 1,4 tỷ dân để xuất khẩu.
Hồi đầu tháng 11, công ty lắp ráp iPhone Pegatron Corp tuyên bố đang bơm 11 tỷ rupee (150 triệu USD) vào một đơn vị ở Ấn Độ và sẽ bắt đầu sản xuất tại đây sớm nhất vào cuối năm 2021.
Tại Mỹ, nhà sản xuất iPhone cũng kêu gọi chính quyền Washington giảm thuế để hỗ trợ sản xuất chip trong nước. Nhà cung cấp chính của hãng, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Arizona. Tuy nhiên, do công nghệ và quy mô khá khiêm tốn, nhà máy sẽ bắt đầu với các khách hàng nhỏ.
Ngoài Apple, theo Bloomberg, Google của Alphabet cũng đặt hàng Foxconn để lắp ráp các bộ phận quan trọng cho máy chủ ở Wisconsin. Quá trình sản xuất hàng loạt dự kiến được tiến hành vào quý đầu tiên năm sau. Trong khi đó, Pegatron tiết lộ đã lên kế hoạch tăng cường sản xuất ở Mỹ để phục vụ những khách hàng khác.
Xu hướng lâu dài
Hồi đầu tháng này, nhà sản xuất Wistron Corp. (Đài Loan) cũng công bố kế hoạch tăng cường công suất ở Mexico và Đài Loan. Hãng chuyên xử lý các đơn đặt hàng iPhone, sản xuất máy tính xách tay và máy chủ cho nhiều khách hàng Mỹ.
Công ty cũng mua lại một nhà máy của Western Digital Corp. ở Malaysia. Hồi tháng 3, Chủ tịch Simon Lin khẳng định đến năm 2021, 50% công suất của Wistron có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, các hoạt động tại Việt Nam đang tăng lên. Công ty cũng gọi Ấn Độ là điểm đến chiến lược quan trọng trong vòng 10 năm tới do quy mô thị trường và nguồn lực.
Đòn thuế của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc cũng buộc các nhà sản xuất quốc tế khác phải cân nhắc lại kế hoạch sản xuất. Hiện, một số hoạt động sản xuất bảng điều khiển Switch của Nintendo được công ty Sharp ở Malaysia đảm nhiệm, sau khi Nintendo yêu cầu Foxconn - đối tác lắp ráp chính - đưa ra những giải pháp thay thế cho chuỗi sản xuất ở Trung Quốc.
Foxconn Tech thuộc Foxconn Technology đã kết nối hai công ty. Foxconn Tech cũng là cổ đông của Sharp.
Khách hàng trong sự kiện ra mắt iPhone 12 ở Sydney (Australia) vào tháng này. Ảnh: Bloomberg |
Ngoài đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, Apple cũng tăng cường liên kết với các nhà sản xuất địa phương của Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa. Đầu năm nay, công ty Luxshare Precision Industry của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận mua lại cơ sở sản xuất iPhone của Wistron tại nước này. Như vậy, công ty sẽ trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc đại lục lắp ráp điện thoại của Apple.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Compatriot BYD Electronic International Co. hiện phân chia các đơn đặt hàng iPad cho Foxconn và Compal Electronics Inc. Trong khi đó, những đơn đặt hàng AirPods do Luxshare và GoerTek Inc. đảm nhận.
Foxconn đã mất hơn 30 năm để xây dựng dây chuyền sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác. Tuy nhiên, ông Liu của Foxconn khẳng định việc đảo ngược chuỗi cung ứng không thể diễn ra một sớm một chiều.
"Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian. Và Trung Quốc sẽ vẫn là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn trong tối thiểu 5 năm tới", ông Wang của Gavekal nói thêm.