"Đối với tất cả doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, năm 2020 là một năm ngỡ ngàng. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn sâu sắc cách Việt Nam mang lại sự an toàn, giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp sống sót", ông William P. Badger, Giám đốc đối ngoại trường quốc tế Concordia International School, nói với Zing.
Doanh nghiệp của ông Badger là một trong những doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam chứng kiến tăng trưởng bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu vì dịch Covid-19. Hồi giữa tháng 11, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,4% trong năm nay - thuộc nhóm cao nhất thế giới - nhờ triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế dịch Covid-19.
Hai tuần sau dự báo mới nhất của IMF, Zing trao đổi với bà Era Dabla-Norris, Trưởng phái đoàn IMF tại Việt Nam, và ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú IMF Việt Nam. Các chuyên gia nhận định những chính sách kinh tế và y tế quyết liệt đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý một số vấn đề để "đi đường dài".
Bà Era Dabla-Norris - Trưởng phái đoàn IMF tại Việt Nam. |
Vượt qua khủng hoảng Covid-19
Theo bà Dabla-Norris, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trung bình 7%, một trong những mức cao nhất thế giới. Kết quả đáng chú ý này có được nhờ Việt Nam đã cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thương mại và tăng trưởng dựa vào khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn cố gắng củng cố vùng đệm chống lại những cú sốc bằng cách tăng dự trữ ngoại hối, giảm thâm hụt tài khóa và tỷ lệ nợ công trên GDP. Sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng cũng được cải thiện với khả năng sinh lời cao hơn, thanh khoản tăng và nợ xấu giảm.
"Tuy nhiên, như bạn đã thấy, năm nay, dịch Covid-19 tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Nhờ ngăn chặn thành công dịch bệnh và đưa ra các chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể kiềm chế sự suy thoái kinh tế và y tế của đất nước", bà Dabla-Norris nói với Zing.
Bộ đệm đã được xây dựng trong những năm gần đây cũng góp phần lớn vào thành tích này. Nhờ các chính sách của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi với mức tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2,4% vào năm 2020, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong khi đó, các quốc gia khác, bao gồm Malaysia và Singapore, vẫn chịu tác động nghiêm trọng từ dịch Covid-19.
"Nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia vào năm 2020 dựa trên báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF. Điều này có nghĩa là giá trị của tất cả dịch vụ và hàng hóa cuối cùng được sản xuất tại Việt Nam trong năm 2020 sẽ cao hơn Singapore và Malaysia", Trưởng phái đoàn IMF tại Việt Nam trả lời Zing.
Các chính sách kinh tế và y tế quyết liệt giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Tuy nhiên, trên cơ sở GDP bình quân đầu người, Việt Nam vẫn thua Singapore và Malaysia đáng kể. Để đuổi kịp các quốc gia trong khu vực, đất nước cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô", bà Dabla-Norris lưu ý thêm.
Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021. Tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng lên 6,5% khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, doanh nghiệp phục hồi, tiêu dùng tư nhân và đầu tư kinh doanh tăng. Thêm vào đó, xuất khẩu cũng được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của các đối tác thương mại của Việt Nam.
"Điều đó nói lên rằng, mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam rất tích cực, vẫn còn những bất ổn đáng kể do nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong và ngoài nước, sự phục hồi chậm chạp trên toàn cầu và căng thẳng thương mại", ông Painchaud cảnh báo.
Cùng với đó là tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, có thể dẫn đến đóng cửa công ty và phá sản, gây ra nhiều trở ngại đối với thị trường lao động và hệ thống ngân hàng.
"Trước những mối nguy này, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến y tế, kinh tế, tài chính và điều chỉnh linh hoạt quy mô và cơ cấu hỗ trợ chính sách thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ và tài chính", ông Painchaud nhấn mạnh.
Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện thường trú IMF tại Việt Nam. |
Trong đó, chính sách tài khóa có thể sẽ đóng vai trò lớn trong tổ hợp chính sách này. Đặc biệt, Chính phủ cần ưu tiên cải thiện việc thực thi các chính sách nêu trên. Xa hơn, trọng tâm chính sách sẽ chuyển sang tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cường khả năng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.
"Khi quá trình phục hồi diễn ra ổn định, trọng tâm sẽ chuyển từ hỗ trợ trên diện rộng sang hỗ trợ có mục tiêu hơn, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án đầu tư công chất lượng cao, tạo động lực để phân bổ lại nguồn lực và cải thiện huy động nguồn thu nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu mới", Trưởng đại diện thường trú IMF tại Việt Nam khẳng định.
Quá trình phục hồi cũng mang đến cơ hội để không chỉ khôi phục lại mọi thứ như trước dịch Covid-19 mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, xanh hơn.
Cuộc đua dài hạn
Trong khi đó, bà Dabla-Norris cho rằng các chính sách kinh tế nên tiếp tục hỗ trợ để tránh làm chệch hướng quá trình phục hồi và hạn chế tác động tiêu cực lâu dài của dịch Covid-19.
"Hỗ trợ tài khóa cần được duy trì vào năm 2021, ưu tiên nâng cao hiệu quả thực thi. Chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ trong ngắn hạn. Giám sát chặt chẽ rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là điều quan trọng", bà nhấn mạnh.
Theo thời gian, Chính phủ nên tăng nguồn thu để tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh và sản xuất, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và bảo vệ bền vững nợ. Các chính sách tài chính tiền tệ cần được bình thường hóa.
Việt Nam cần cải cách nhằm giảm thiểu tình trạng "nhị nguyên" giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, nâng cao năng suất để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bao trùm
Bà Era Dabla-Norris
Việt Nam cũng cần tăng cường vị thế vốn của ngân hàng và phát triển thị trường vốn, nhằm cải thiện khả năng phục hồi tài chính và thúc đẩy nguồn tài chính dài hạn.
"Như các bạn đã biết, nền kinh tế Việt Nam nằm trong khu vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam tương đối lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả", bà Dabla-Norris nhận xét.
Vì vậy, theo chuyên gia IMF, Việt Nam cần cải cách nhằm giảm thiểu tình trạng "nhị nguyên" giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, nâng cao năng suất để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bao trùm. Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho mọi đối tượng.
"Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực và cam kết xóa bỏ biến dạng cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong tương lai, cần ưu tiên giảm gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải đối mặt, cải thiện khả năng tiếp cận đất đai và nguồn tài chính, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đồng thời giảm thiểu tình trạng tham nhũng", bà Dabla-Norris nói với Zing.
Cuối cùng, nâng cao kỹ năng của người lao động Việt Nam và khả năng tiếp cận công nghệ cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động.
Phát triển thị trường vốn
Đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, ông Painchaud cho rằng vai trò của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn là rất quan trọng.
"Hệ thống ngân hàng và thị trường vốn là ngã tư cung - cầu tiền. Chẳng hạn, họ là trung gian giữa một người lao động SME ở Hà Nội muốn tiết kiệm để nghỉ hưu và một doanh nghiệp Hải Phòng cần đầu tư vào cơ sở sản xuất mới. Tóm lại, hệ thống ngân hàng và thị trường vốn giúp tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế bằng cách phân bổ những khoản tiết kiệm", ông giải thích.
Vị thế vốn của các ngân hàng cần được tăng cường hơn nữa và phát triển thị trường vốn để cải thiện khả năng phục hồi tài chính và thúc đẩy nguồn tài chính dài hạn. Một khu vực ngân hàng được vốn hóa tốt, có lợi nhuận, thanh khoản, được quản lý và giám sát tốt sẽ giúp người thừa vốn tin tưởng và an tâm gửi tiền.
Hệ thống ngân hàng và thị trường vốn là ngã tư cung - cầu tiền của nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà - Quỳnh Trang. |
"Như đã nói, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trước dịch Covid-19 với khả năng sinh lời cao hơn, thanh khoản tăng và các khoản nợ xấu thấp hơn", Trưởng đại diện thường trú IMF bổ sung.
Tuy nhiên, hệ thống đệm vốn tại các ngân hàng Việt Nam cần được củng cố. Chúng yếu hơn so với những ngân hàng khác trong khu vực. Ngoài ra, vẫn còn một số bất ổn đáng kể liên quan đến triển vọng.
Hơn nữa, theo ông Painchaud, các quy tắc phân loại nợ và ghi nhận nợ xấu hiện hành cần được bình thường hóa dần để hỗ trợ tính minh bạch của bảng cân đối kế toán và niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Vai trò của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn là rất quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam
- Ông Francois Painchaud
Thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Điều này đã cho phép nhiều doanh nghiệp huy động vốn, hỗ trợ hoạt động, đầu tư và tạo việc làm.
Sự đa dạng hơn về sản phẩm, tổ chức phát hành và cơ sở đầu tư cũng đem đến nhiều lợi ích. Việc đào sâu thị trường vốn sẽ đòi hỏi việc đảm bảo tính minh bạch, liêm chính của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng thông qua cơ sở hạ tầng và công bố thông tin kịp thời, chẳng hạn như thành lập cơ quan xếp hạng tín nhiệm.
Cuối cùng, ông Painchaud đề cập đến lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính). Ông khẳng định sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ có thể tăng cường khả năng tiếp cận và hòa nhập vốn. "Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần lưu ý đến một số rủi ro trong lĩnh vực này, điển hình là rủi ro an ninh mạng", ông nhấn mạnh.