Ngày 7/7, thảo luận tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND thành phố khóa IX, bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Pháp chế, cho hay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đời sống của người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng người lao động mất việc làm, bị ngưng việc, nghỉ việc không lương.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn TP là 7,24%, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55% (trong khi cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 2,89%).
59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương
Bà Trân thông tin có khoảng 179.000 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó, có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng lao động, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến ngày 30/6, có hơn 2.900 đối tượng lao động và 90 hộ kinh doanh cá thể được nhận hỗ trợ.
“Thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào trên địa bàn TP tiếp cận được nguồn vốn vay không lãi suất để trả lương ngừng việc cho người lao động”, bà Trân nêu.
Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, cũng cho biết việc rà soát, lập danh sách, chi hỗ trợ cho người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn đang có nhiều vướng mắc cần được giải quyết.
Ảnh hưởng cả đợt dịch Covid-19 nên 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
Cụ thể, theo quy định thì thời gian người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương tính từ 1/4/2020 đến hết ngày 15/6 hoặc 30/6/2020. Trên thực tế, nhiều lao động nghỉ việc trước thời gian đó (từ tháng 2 đến trước ngày 1/4) nên các địa phương lập danh sách để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, hầu hết hộ kinh doanh không kê khai thuế nên không đủ điều kiện làm hồ sơ hỗ trợ. Việc kê khai danh sách người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho người lao động cũng rất khó thực hiện vì điều kiện vay vốn theo Điều 13 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 là doanh nghiệp phải thực sự khó khăn về tài chính, không cân đối đủ và đã sử dụng hết nguồn dự phòng để trả lương ngừng việc cho người lao động.
“Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vay vốn để trả lương cho người lao động”, bà Liên thông tin.
Bà Cao Thị Huyền Trân kiến nghị UBND TP Đà Nẵng tập trung triển khai, giải quyết việc chi hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương và TP đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng.
Sẵn sàng đón cơ hội thu hút đầu tư
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tính sụt giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Nhiều ngành mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động lớn của dịch Covid-19, làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế Đà Nẵng.
Đơn cử như lĩnh vực dịch vụ giảm 4,6%, công nghiệp - xây dựng giảm 1,8%, thuế sản phẩm giảm 2,4%. Quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng đạt hơn 51.000 tỷ đồng, giảm hơn 918 tỷ đồng so cùng kỳ.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung thừa nhận việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư chưa chuyển biến tích cực.
Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng bị ngưng trện sản xuất. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bàn về giải pháp hạn chế suy giảm kinh tế, đại biểu Nguyễn Đức Trị, thẳng thắn nói thành phố lấy chủ đề là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng công tác thu hút đầu tư chưa xứng tầm với kỳ vọng của lãnh đạo thành phố.
Theo đại biểu này, thành phố cần làm tốt hơn công tác quảng bá thương hiệu, chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho các nhà đầu tư toàn cầu biết đến Đà Nẵng là điểm đến đầu tư, có môi trường đầu tư tốt, có nguồn lực chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục xứng tầm, chỉ số cải cách hành chính trong tốp đầu cả nước, cơ sở hạ tầng hiện đại.
Thành phố nên tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó, địa phương phải sớm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, có tinh thần phục vụ tốt.
Ông Trị kiến nghị, trước mắt lãnh đạo thành phố tổ chức đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng bởi Covid-19, có thể ngay trong tháng 7 hoặc tháng 8/2020.
Nhiều đại biểu cũng nêu quan điểm, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy nhanh đầu tư công sẽ khơi nguồn cho phát triển, đóng góp vào tăng trưởng nên cần được chú trọng.