Tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND thành phố khóa IX diễn ra ngày 6/7, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, đề xuất 3 kịch bản về phục hồi nền kinh tế sau những tác động của tình hình dịch Covid-19.
Trong trường hợp khả quan nhất, theo tính toán của UBND TP Đà Nẵng, kinh tế địa phương này sẽ hồi phục trong quý III, từ đó đạt mức tăng tổng sản phẩm xã hội khoảng 1,3%.
179.000 lao động mất việc
Ông Minh cho biết tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của Đà Nẵng đang giảm 3,61%. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượt khách du lịch giảm 49,1%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,2%.
Con số thống kê đến nay cho thấy tổng mức bán lẻ giảm 2,8%, còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở Đà Nẵng giảm 10,9%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 7,3%...
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết doanh nghiệp bị ngưng sản xuất, thu ngân sách của Đà Nẵng chỉ bằng 36,4% so với dự toán", ông Minh nói và cho biết điều đáng báo động nhất là trong 6 tháng đầu năm có 179.000 lao động ở Đà Nẵng bị mất việc (tỷ lệ thất nghiệp 7,24%).
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cũng thừa nhận kinh tế Đà Nẵng đang đối diện nhiều thách thức, chưa đạt được kế hoạch đặt ra. "Lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế thành phố ở mức tăng trưởng âm 3,61%".
Kinh tế Đà nẵng bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
3 kịch bản hạn chế suy giảm kinh tế
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết sau khi rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu cân đối của Chính phủ về mức tăng trưởng kinh tế năm 2020, thành phố đề xuất xây dựng 3 kịch bản kinh tế - xã hội.
Kịch bản 1 là tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4. Các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng cũng khống chế được dịch trong quý III/2020. Kết quả trong quý III/2020, kinh tế Đà Nẵng trên đà phục hồi.
Tuy nhiên, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50-60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Bước sang quý IV, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Vì vậy, theo kịch bản này, dự kiến GRDP tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.
Đối với kịch bản 2, tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được Covid-19 trong quý III/2020, một số nước chỉ khống chế được Covid-19 trong quý IV/2020.
Kết quả của kịch bản này là trong quý III, kinh tế Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020.
Nhưng bước sang quý IV, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, tác động ở mức khoảng 50%-60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.
Kịch bản 3 là tình huống Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020, hầu hết quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể khống chế được dịch trong quý III/2020 và kéo dài sang quý IV/2020.
Theo đó, kết quả của 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế thành phố vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020; thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 2,83% so với năm 2019.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói 3 kịch bản trên chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Tuy nhiên, xu hướng chung là các quốc gia đều mong muốn có thể sớm gỡ bỏ lệnh cách ly, phong tỏa để cuộc sống và việc làm của người dân quay trở lại bình thường. Do vậy, khả năng kịch bản 1 là lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra vì mỗi ngày vẫn có trên 100.000 người mắc bệnh và trên 5.000 người tử vong (thời điểm đầu tháng 6/2020).
Kịch bản 2 cũng có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.