Theo Washington Post, nhiều năm qua, không ít nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế yên tâm mua trái phiếu của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng nhóm doanh nghiệp này có tiềm lực lớn đến mức không thể sụp đổ kể cả khi gặp khủng hoảng.
Ngay cả khi thị trường toàn cầu đang chứng kiến đợt bán tháo mạnh mẽ vào tháng 3 vừa qua, các ngân hàng tư nhân Trung Quốc vẫn động viên nhiều khách vay giàu có này rằng không cần phải lo lắng quá nhiều, hãy cứ yên tâm giữ trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông tin xấu về sức khỏe tài chính của China Evergrande Group - tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn - là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả.
China Evergrande đang đối mặt với cơn khủng hoảng niềm tin của giới đầu tư. Ảnh: Reuters. |
Cuộc khủng hoảng của Evergrande
Một số nhà phân tích cho rằng những thay đổi về chính sách mới nhất của Trung Quốc vừa qua cho thấy chính quyền nước này sẵn sàng tiêu diệt một vài "con rồng" khổng lồ mà không thiêu rụi toàn bộ thị trường bất động sản.
Evergrande (Hằng Đại), một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc với tổng tài sản lên đến 337 tỷ USD, vừa đối mặt với cơn khủng hoảng lớn vào cuối tuần trước. Hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của công ty này.
Vấn đề bắt nguồn từ tin Evergrande gửi một báo cáo lên chính quyền tỉnh Quảng Đông, cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng tiền mặt dây chuyền cho các ngân hàng nếu công ty này không được chấp thuận để niêm yết cửa sau trên sàn chứng khoán Thâm Quyến vào tháng 1/2021.
Sau khi thị trường nổi sóng vì thông tin này, Evergrande tuyên bố tài liệu này là "hoàn toàn bịa đặt”. Dẫu vậy, đối với phía các nhà đầu tư, dù tài liệu này tồn tại hay không thì nó cũng cho thấy một vấn đề cấp bách của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.
Một dự án bất động sản lớn tại Thâm Quyến. Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra chính sách mới nhằm siết chặt vay vốn bất động sản. Ảnh: EPA. |
Theo tài liệu Bloomberg có được, Evergrande nói có thể gây ra những rủi ro mang tính hệ thống với khoản vay 835,5 tỷ NDT (122,48 tỷ USD), có thể khiến 8.441 công ty đối tác phá sản và làm 3,1 triệu người lao động mất việc. Có nghĩa là việc Evergrande sụp đổ vì nợ sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng với cả nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Tuy nhiên, Washington Post dẫn lời một số chuyên gia tài chính cho rằng Evergrande không thuộc nhóm "quá lớn đến mức không thể sụp đổ", và việc công ty này lao đao không dẫn tới những rủi ro hệ thống.
Một tháng trước, chính quyền Trung Quốc công bố quy định “ba lằn ranh đỏ” dành cho các tập đoàn bất động sản lớn, bao gồm tỷ lệ trần nợ tính trên tài sản, tỷ lệ nợ tính trên vốn chủ sở hữu, và nợ ngắn hạn.
Các công ty khác sẽ thay thế
Theo Gavekal Dragonomic, trong số 334 tập đoàn bất động sản phải thực hiện các quy định mới, chỉ có 50 công ty - chiếm 36% tổng vốn vay của ngành - không đáp ứng được cả ba tiêu chí này. Nhóm công ty chiếm dưới 50% tổng nợ đáp ứng được cả ba tiêu chí.
Tương tự, trong tổng số 18 tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc được Bloomberg Intelligence theo dõi , 11 công ty đang nằm trong vùng xanh và có thể tăng vay nợ 10-15% mỗi năm. Nói cách khác, nếu Evergrande sụp đổ, các công ty khác sẽ mua lại tài sản của hãng này.
Đó là những gì Tập đoàn China Vanke Co. đang làm với Tahoe Group, công ty bất động sản lớn đầu tiên tại Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm. Không giống như các tập đoàn tài chính như Anbang Group Holdings, doanh nghiệp bất động sản có rất nhiều tài sản cứng.
Đất có thể được bán, các chủ nợ lớn sẽ được trả tiền, phần còn lại chịu lỗ. Do đó, các công ty như Evergrande không cần được nhà nước cứu trợ. Theo Chủ tịch Vanke Yu Liang, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể chia thành 3 giai đoạn.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ Evergrande. Ảnh: Bloomberg. |
Trong thập niên 1990, tại Trung Quốc những đại gia bất động sản có mối quan hệ với giới chính trị tốt sẽ tích lũy được quỹ đất lớn với giá rẻ. Hệ thống đấu giá được triển khai vào năm 2002 sau đó đã ngăn chặn được tình trạng này.
Kể từ đó, những công ty có khả năng tiếp cận với các khoản vay ngân hàng và hệ thống ngân hàng bóng tối là bên chiến thắng. Chủ tịch Yu cho rằng bắt đầu từ năm 2021, quản trị tốt mới là vấn đề cốt yếu với các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc.
Những năm qua, Evergrande "như một con mèo có chín mạng", luôn sống trong nguy hiểm với 49% tổng nợ phải trả trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên sự may mắn của Evergrande sẽ không kéo dài và rất có thể công ty này sẽ sụp đổ.