Theo CNN, các nhà phân tích cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục băng giá kể cả nếu ứng viên Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ đối mặt nhiều sức ép.
"Chính quyền Tổng thống Donald Trump rất cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề thương mại và công nghệ. Nhưng đây cũng là sự thay đổi về tư tưởng của các nhà hoạch định chính sách Mỹ", CNN dẫn lời nhà phân tích Mark Mahaney thuộc hãng RBC Capital Markets bình luận.
"Do đó, nếu ông Biden đắc cử, chính quyền mới của đảng Dân chủ cũng sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc", ông Mahaney dự báo. Ông Biden có thể thể hiện thái độ "ngoại giao" hơn với Bắc Kinh, nhưng sẽ mạnh tay trong các vấn đề như thương mại và kinh tế.
Giới quan sát cho rằng kể cả nếu Tổng thống Donald Trump thất cử, chính phủ mới của Mỹ cũng sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tháo chạy khỏi sàn Mỹ
Đó là lý do các nhà đầu tư và chuyên gia tài chính dự báo hàng loạt công ty Trung Quốc sẽ hủy niêm yết tại Mỹ và về Hong Kong hoặc Thượng Hải. Xu hướng "tháo chạy" sẽ không giới hạn ở những doanh nghiệp bị phát hiện gian lận tài chính như Luckin Coffee, chuỗi quán cà phê được mệnh danh là "Starbucks Trung Quốc".
"Chiến thương mại leo thang và mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi khiến các công ty Trung Quốc kém hứng thú hơn trong việc niêm yết trên sàn Mỹ", ông Brian Bandsma, Giám đốc Đầu tư của quỹ Vontobel Quality Growth, nhận định.
Ông Bandsma cho rằng không phải tất cả công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ rời sàn Nasdaq hoặc New York Stock Exchange (NYSE). Tuy nhiên, thị trường Mỹ sẽ không còn là điểm đến mặc định của doanh nghiệp Trung Quốc muốn huy động vốn quốc tế nữa.
"Chính phủ Trung Quốc hứa mở cửa thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Hong Kong và Thượng Hải cũng đang cố gắng lôi kéo doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp công nghệ cao", ông Bandsma nói thêm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty Trung Quốc do dự trong việc niêm yết trên sàn Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ant Financial - công ty con của Alibaba - lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hong Kong và Thượng Hải. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng khiến hãng dịch vụ tài chính này không niêm yết tại Mỹ dù Alibaba từng IPO rất thành công ở New York hồi năm 2014.
Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc có thể sẽ bị đuổi khỏi Phố Wall. Mới đây, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật yêu cầu hủy niêm yết đối với doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Chưa rõ bao giờ Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Nỗi sợ bị thổi phồng?
Một số chuyên gia cũng lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sẽ khiến các tập đoàn lớn của Trung Quốc - ví dụ như Alibaba - chủ động tháo chạy khỏi Phố Wall. Điều đó có thể đe dọa vị thế thống trị ngành tài chính toàn cầu của Mỹ.
"Nếu được thông qua, dự luật trên có thể gây bất lợi cho Mỹ. Nhiều công ty Trung Quốc sẽ hủy niêm yết trên sàn Mỹ để chuyển sang các sàn giao dịch khác như Hong Kong và London (Anh)", bà Agathe Demarais, Giám đốc Dự báo toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit, bình luận.
"Điều này sẽ giáng một cú đòn vào sự thống trị của Mỹ đối với thị trường tài chính toàn cầu", bà nói thêm. Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc chỉ là lời đe dọa của các chính trị gia Mỹ trong mùa bầu cử. Trên thực tế, các chính sách có thể sẽ không quá khắc nghiệt sau bầu cử.
Các nhà phân tích tại KraneShares CSI China Internet ETF đánh giá lo ngại về sự chèn ép đối với doanh nghiệp Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức. Một số người tin nếu ngồi vào Nhà Trắng, ông Biden thậm chí có thể rút lại một số biện pháp trừng phạt thương mại Trung Quốc.
Việc các tập đoàn lớn tháo chạy khỏi Phố Wall sẽ đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden có thể duy trì lập trường cứng rắn đối với các công ty Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và những mối quan ngại khác trong lĩnh vực công nghệ, nhất là vấn đề quyền riêng tư. Tuy nhiên, thuế trừng phạt không phải cách giải quyết ưa thích của cựu phó tổng thống Mỹ.
"Chính quyền của ông Biden có thể giảm áp lực thuế đối với Trung Quốc, châu Âu và các đối tác thương mại khác. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là điều tích cực cho nền kinh tế toàn cầu", chuyên gia Rebecca Felton tại RiverFront Investment Group bình luận.