Theo Australian Financial Review, đại diện Huawei cho biết sẽ cắt giảm khoản đầu tư 100 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển ở Australia. Đồng thời, công ty Trung Quốc cũng sẽ sa thải 1.000 nhân viên tại Australia từ đầu năm 2021.
"Từ 1.200 nhân sự, chúng tôi sẽ chỉ còn lại 200 người. Và nhiều khả năng việc cắt giảm nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra", đại diện Huawei tại Australia nói. Năm 2018, Australia cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G nước này vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.
Bất chấp thiệt hại kinh tế với Australia, chuyên gia Simon Lacey thuộc Viện Thương mại Quốc tế (Đại học Adelaide) nhận định "phân ly" công nghệ giữa phương Tây và Trung Quốc - đặc biệt với chuỗi cung ứng điện tử quốc phòng - sớm muộn cũng phải xảy ra.
Huawei không còn được tham gia các dự án 5G của Australia. Ảnh: CNET. |
"Dịch Covid-19 cho thấy Australia và các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple không thể cứ mãi dựa vào Trung Quốc để thỏa mãn nhu cầu sản xuất", chuyên gia Lacey nhấn mạnh.
"Việc điên cuồng theo đuổi hiệu quả kinh tế dẫn tới những rủi ro về chuỗi cung ứng. Tôi tin rằng sau dịch Covid-19, các công ty và chính phủ cần phải nghĩ đến chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta có thể có một chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, nhưng cũng cần một chuỗi ở nước khác", ông giải thích.
Theo ông, những công ty khổng lồ như Apple có lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm, do đó hoàn toàn có thể chịu đựng được tình trạng lợi nhuận suy giảm trong một thời gian ngắn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Ngay sau đó, Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt bò Australia, áp thuế bán phá giá đối với lúa mạch và mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang có nguồn gốc từ nước này.