Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần. Giới quan sát xôn xao tranh luận về việc liệu chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có đảo ngược cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung hay không. Theo South China Morning Post, câu trả lời ngắn gọn là không.
Trong bốn năm qua, những xung đột giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu xuống mức thấp nhất trong vòng hơn bốn thập kỷ.
Chính quyền ông Trump siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với Huawei Technologies, chặn nguồn cung sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ, cáo buộc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và liệt vào danh sách mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mềm mỏng với Trung Quốc?
Mỹ cũng hạn chế dòng vốn đầu tư của chính phủ vào Trung Quốc, áp đặt lệnh trừng phạt đối với những công ty Al hàng đầu như Megvii và SenseTime, đồng thời tuyên bố ý định chặn các ứng dụng do Trung Quốc phát triển như TikTok và WeChat tại Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump chỉ trích "Trung Quốc sẽ có được Mỹ và tất cả người Mỹ phải học nói tiếng Trung nếu ông Biden đắc cử". Tháng trước, ông William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định Bắc Kinh sẽ thích ông Biden giành chiến thắng hơn vì ứng cử viên của đảng Dân chủ không khó đoán.
Mặc dù đảng Cộng hòa chỉ trích đảng Dân chủ mềm mỏng với Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột hiện tại mang tính chất lâu dài, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ. "Rất khó để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung ngay cả dưới chính quyền ông Biden", ông Agathe Demarais, Giám đốc Dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit (EIU), nhận định.
"Hai nước vẫn mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh chiến lược để giành ưu thế về kinh tế và công nghệ. Quan điểm hai nước là đối thủ chứ không phải đối tác sẽ được giữ vững ở cả Bắc Kinh và Washington", ông Demarais nhấn mạnh.
Không ai biết điểm kết thúc của cuộc xung đột. Một số nhà phân tích nói rằng trên cương vị tổng thống, ông Biden có thể còn khắc nghiệt hơn với Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực như bảo vệ nhân quyền và sở hữu trí tuệ. "Chẳng tổng thống Mỹ nào muốn bị buộc tội là mềm mỏng với Trung Quốc", ông James Andrew Lewis, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn bốn thập kỷ. Ảnh: Reuters. |
"Các chính sách của ông Trump không có tổ chức nhưng luôn hướng đến mục tiêu cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Những chính sách của ông Biden sẽ được sắp xếp tốt hơn, cẩn thận hơn song vẫn theo hướng đi đó", ông nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1. Tuy nhiên, hai bên không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn sự gia tăng căng thẳng trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là chuỗi cung ứng công nghệ cao, đầu tư, an ninh và nhân quyền.
Ông Biden chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng thừa nhận điểm yếu của Mỹ. "Để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc hoặc bất cứ quốc gia nào khác, Mỹ phải đẩy mạnh đổi mới, đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên thế giới để chống lại hành vi lạm dụng kinh tế và giảm bất bình đẳng", ông Biden viết trên trang Foreign Affairs hồi tháng 1.
Vấn đề sở hữu trí tuệ
Nhà hoạch định chính sách người Mỹ Jake Sullivan, cố vấn của ông Biden, cho rằng Mỹ nên giảm tập trung vào việc kìm hãm Trung Quốc và dồn lực để tăng tốc. Như vậy, chính quyền ông Biden có thể ưu tiên tăng cường nền kinh tế trong nước hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đảo ngược cuộc chiến công nghệ vẫn khó có thể xảy ra.
"Chính quyền ông Biden có thể tiếp tục cáo buộc Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ ở Trung Quốc", bà Elizabeth Freund Larus, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Virginia, bình luận. Cựu phó tổng thống Mỹ hứa chống lại các hành vi thương mại không công bằng, nhất là trộm cắp tài sản trí tuệ, theo trang web chiến dịch tranh cử của ông.
Thêm vào đó, theo một số chuyên gia, ông Biden thích chủ nghĩa đa phương hơn chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa cô lập của Tổng thống Trump. Vậy nên, ông có thể nối lại mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu (EU). Điều này sẽ gây thêm rắc rối cho Bắc Kinh về những vấn đề như nhân quyền và mạng 5G.
"Từ lâu chúng tôi đã nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải về vấn đề thương mại mà là công nghệ và tài chính", ông Demarais tại EIU bình luận.
Hồi tháng 8, chính quyền ông Trump công bố Sáng kiến Mạng lưới sạch trong nỗ lực loại bỏ các công ty công nghệ Trung Quốc khỏi hệ thống Internet của Mỹ. Động thái này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ đám mây và nhiều ứng dụng của Trung Quốc tại Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng ông Biden thậm chí còn khắc nghiệt với Trung Quốc hơn nếu ngồi vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Theo bà Larus, ông Biden có khả năng tiếp tục thực hiện giám sát đối với công nghệ, thiết bị và công ty Trung Quốc. Theo Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc năm 2017, các công ty Trung Quốc, dù thuộc sở hữu tư nhân hay nhà nước, có nghĩa vụ hợp tác với quan chức tình báo nếu được yêu cầu.
Nhưng điều gì xảy ra nếu ông Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng? Bà Larus cho rằng chính quyền ông Trump có thể gia tăng hạn chế đối với việc bán công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc vì an ninh quốc gia. Mỹ cũng sẽ siết chặt giám sát những sinh viên Trung Quốc tham gia nghiên cứu công nghệ ở Mỹ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ông Trump có thể giảm leo thang thù địch. "Lập trường cứng rắn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc là trụ cột trong chiến lược tái tranh cử của ông Trump", ông Mark Natkin, Giám đốc điều hành tại Marbridge Consulting (Bắc Kinh), bình luận.
"Ông Trump cố chuyển sự chú ý của cử tri sang mối hiểm họa từ Trung Quốc để che giấu những thiếu sót trong việc xử lý đại dịch. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ mềm mỏng hơn để những công ty công nghệ Mỹ dựa vào doanh thu từ Trung Quốc không bị ảnh hưởng quá lớn", ông nói thêm.