Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các công ty Internet cắt giảm nhân sự, người trẻ Trung Quốc điêu đứng

Hàng loạt công ty Internet hàng đầu Trung Quốc đang sa thải nhân sự vì hoạt động kinh doanh xấu đi. Đó là tin xấu với hàng triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay.

Theo South China Morning Post, khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Bắc Kinh vào năm ngoái, cô Hermione Zhang, 25 tuổi, hy vọng được làm việc tại một ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán.

Nhưng chương trình thực tập của cô bị hoãn trong 9 tháng vì đại dịch. Điều đó ngăn cô Zhang mở rộng mối quan hệ với các nhà tuyển dụng.

Cuối cùng, sau khi trải qua 89 cuộc phỏng vấn trong vòng 3 tháng, cô Zhang nhận lời mời làm việc tại một nhà băng nhỏ ở tỉnh Sơn Tây - quê nhà của cô.

"Nếu không phải vì đại dịch, tôi đã ở lại Bắc Kinh và đi thực tập", cô Zhang than thở.

Cat giam viec lam anh 1

Trong năm 2022, số lượng kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp, tạo áp lực lớn lên thị trường việc làm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Cạnh tranh gay gắt

"Đại dịch đã làm tôi thay đổi quyết định về nghề nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, ai cũng muốn có một công việc ổn định, né tránh rủi ro, bất trắc", cô thừa nhận.

Khi triển vọng kinh tế của Trung Quốc trở nên u ám vì đại dịch, nhiều người trẻ Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng đã gác lại công việc trong mơ để hướng tới những công việc ổn định hơn.

Họ đang phải cạnh tranh với số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.

Cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Năm nay, với mức lương 6.000 NDT, chúng tôi có thể thuê được một nhân viên tốt hơn những nhân viên mà chúng tôi từng trả 8.000 NDT/tháng

Ông Fred Feng, quản lý tại công ty tuyển dụng Hays

Thêm vào đó, năm nay, các sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc phải đối mặt với một áp lực lớn khác. Đó là hàng loạt tin tức về các đợt sa thải tại những công ty công nghệ, giải trí, giáo dục và bất động sản.

Triển vọng của nền kinh tế đi xuống vì làn sóng Covid-19 mới và các cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với một số ngành công nghiệp.

Các sinh viên buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn, rời khỏi những thành phố lớn, hoặc tìm việc tại các công ty quốc doanh, vốn được coi là an toàn hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều biến động.

Hơn 700 ứng viên có bằng sau đại học từ 5 trường đại học hàng đầu Trung Quốc và những tổ chức danh giá ở nước ngoài đã nộp đơn xin việc tại Heping - một quận nhỏ ở tỉnh Quảng Đông với khoảng 350.000 cư dân.

Trong năm 2022, số lượng kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp, tạo áp lực lớn lên thị trường việc làm.

"Cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Năm nay, với mức lương 6.000 NDT (tương đương 890 USD)/tháng, chúng tôi có thể thuê được một nhân viên tốt hơn những nhân viên mà chúng tôi từng trả 8.000 NDT/tháng", ông Fred Feng - quản lý tại công ty tuyển dụng Hays - chia sẻ.

Cắt giảm nhân sự

Ở Trung Quốc, công việc tại một công ty nước ngoài từng được coi là danh giá và an toàn. Nhưng trong những năm gần đây, các tập đoàn Internet trong nước với mức thu nhập hấp dẫn đã thu hút sự chú ý hơn.

Theo ông Feng, số người nộp đơn xin việc tại công ty của ông đã tăng hơn 50% so với năm ngoái. Nhiều trong số đó có bằng thạc sĩ từ các trường danh tiếng của Mỹ như Đại học Johns Hopkins, hoặc những trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh.

"Các công ty Internet đang cắt giảm nhân sự. Nhiều ứng viên thừa nhận họ thấy tương lai trở nên mờ mịt", ông Feng chia sẻ.

Theo ông Feng, dù mức lương không cạnh tranh, sự ổn định tại công ty ông đã thu hút nhiều tài năng trẻ.

Những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã tiến hành các đợt cắt giảm việc làm trong năm qua. Việc Bắc Kinh chấn chỉnh ngành công nghiệp và những đợt phong tỏa đè nặng lên hoạt động kinh doanh của các công ty này.

Cat giam viec lam anh 2

Những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc Alibaba đã sa thải hàng loạt nhân sự trong năm qua. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu chính thức, hàng trăm công ty bất động sản đã nộp đơn phá sản khi thị trường nhà đất Trung Quốc lao dốc.

Cô Liu, một sinh viên 22 tuổi, không biết mình có thể có được một công việc trong một công ty Internet hay không. Cô e ngại về triển vọng mờ mịt của ngành công nghiệp công nghệ.

"Trong thời gian thực tập tại ByteDance, tôi được biết số nhân sự trong mùa thu năm nay sẽ ít hơn nhiều năm ngoái. Nguyên nhân nằm ở điều kiện kinh tế không thuận lợi", cô Liu chia sẻ. Cô sẽ sớm nhận bằng thạc sĩ kinh doanh tại một trường đại học hàng đầu ở Hong Kong.

Tình trạng bất bênh do làn sóng Covid-19 khiến nhiều cử nhân đại học tại Trung Quốc trở nên e ngại rủi ro hơn. Theo cáo báo của công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com, làm việc tại các công ty quốc doanh đã trở thành lựa chọn phổ biến nhất của lớp sinh viên sắp tốt nghiệp năm nay.

Theo các chuyên gia, triển vọng việc làm ở Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát hồi năm 2020. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đã tăng 0,3 điểm phần trăm lên 6,1% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng, hơn 60% sinh viên tốt nghiệp của Trung Quốc thừa nhận họ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Theo khảo sát của Zhaopin, khoảng 55% giảm kỳ vọng vào việc làm của mình.

So với năm ngoái, mức lương dự kiến của lớp sinh viên tốt nghiệp này đã giảm 6% từ 6.711 NDT xuống còn 6.295 NDT do áp lực từ nền kinh tế đình trệ.

Tuy nhiên, sau mùa tuyển dụng vào mùa xuân, chỉ có 15% sinh viên ký hợp đồng với nhà tuyển dụng, so với tỷ lệ 18% của năm ngoái.

Hàng hóa lại ùn ứ vì Trung Quốc tái phong tỏa nhiều khu vực

Khi vận tải đường bộ của Trung Quốc mới phục hồi khoảng 80%, Thượng Hải lại tái áp dụng các biện pháp chống dịch gắt gao, khiến tình trạng ùn ứ đã bắt đầu xuất hiện ở một số cảng.

Cuộc khủng hoảng việc làm của người trẻ Trung Quốc

Từ các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ vào năm ngoái, đến làn sóng Covid-19 mới trong năm nay, hàng triệu người trẻ Trung Quốc không có việc làm.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm