Trong đội, có 2 tuyển thủ đã lập gia đình là Nguyễn Thị Liễu và Nguyễn Thị Nga. Để có thể hết mình trên sân, họ đã không ít lần nuốt nước mắt vào trong. Cách đây 1 năm, trước khi lên đường làm nhiệm vụ cùng ĐTVN, Nguyễn Thị Liễu nghe tin mẹ cô qua đời vì bị ung thư khi mới 56 tuổi. Chịu tang mẹ xong 3 ngày, tiền vệ này nhanh chóng lên đường cùng các đồng đội tập huấn tại Bahrain chuẩn bị cho Asian Cup 2014.
Nguyễn Thị Nga từng được tín nhiệm đeo băng đội trưởng ĐTVN vào giữa năm 2011 khi tham dự vòng loại Olympic 2012. Nhưng sau đó, cô đột ngột giã từ sự nghiệp để chăm sóc mẹ đẻ đang ốm nặng. Phải mất gần 2 năm, cô mới ổn định cuộc sống và trở lại sân cỏ. |
Với một người mẹ, việc phải xa con hàng tháng trời, không được nhìn thấy, nghe con bi bô nói cười là nỗi giày vò khủng khiếp. Đó là điều đã và đang diễn ra với trung vệ Nguyễn Thị Nga. Nỗi nhớ con đeo đẳng trên những bước chân chị đi cùng đội tuyển, để nhiều đêm chỉ còn biết thổn thức khóc một mình.
Các đồng đội trên tuyển không lạ khi nghe tiếng ru ầu ơ của chị mỗi lần gọi cho con. Vì giấc mơ World Cup, chị phải gửi cậu con trai Đình Tùng mới chỉ gần 2 tuổi vẫn còn “thèm” hơi mẹ cho ông bà nội chăm sóc. Nhớ con da diết nhưng chị biết rằng trước mắt còn có nhiệm vụ quan trọng hơn là phấn đấu giành vị trí thứ 5 để kiếm vé dự World Cup 2015.
Tiền đạo Nguyễn Thị Hòa biết cách vượt qua biến cố của gia đình, để tỏa sáng trên sân cỏ. |
Chịu nhiều nghịch cảnh nhưng các tuyển thủ nữ luôn biết động viên nhau bước qua khó khăn hướng đến mục tiêu chung. “Vì mẹ, mình không thể gục ngã”, đó là tâm sự của tiền đạo Nguyễn Thị Hòa mỗi khi bước ra sân. Năm ngoái, gia đình chị trải qua biến cố lớn khi mẹ bị tai nạn, phải cắt bỏ 2 chân, trong khi bố là thương binh hạng 4/4, phải chiến đấu với căn bệnh teo cơ, đau đầu kinh niên do di chứng của chiến tranh.
Để phụ giúp gia đình, tranh thủ thời gian rỗi, Hòa bán than và trông xe để kiếm thêm thu nhập. Đã có lúc cô gục ngã với tai ương quá lớn mà gia đình phải gánh chịu nhưng được bố mẹ động viên, cô đã suy nghĩ tích cực hơn, kiên định theo con đường bóng đá đã chọn.
Còn nhớ ở chuyến tập huấn tại Trung Quốc vừa qua, trên facebook của đội tuyển nữ xuất hiện tấm hình bữa ăn khiêm tốn của các thành viên trong đội dù mang tiếng ở trung tâm sang trọng kèm theo lời nhận xét: “Tập luyện vất vả mà bữa cơm thì đạm bạc quá! Thôi thì cùng nhau cố gắng nhé các cô gái vàng ơi”.
Một công việc ổn định là mơ ước nhỏ nhoi đối với Lê Thị Thương khi thu nhập từ nghề cầu thủ như cô không nhiều. |
Những “cô gái vàng” của bóng đá Việt Nam là thế. Họ không quen kêu ca hay đòi hòi quyền lợi quá mức cho mình. Và ngay cả trong những giấc mơ, họ cũng chỉ dám ước những điều bình dị, thiết thực nhất. Đội trưởng Lê Thị Thương thiếu thốn tình thương của bố từ nhỏ và cũng chưa bao giờ trò chuyện với ông. Vì thế đối với cô, mẹ là tất cả.
Sau những hy sinh mà mẹ đã dành cho, Lê Thị Thương chỉ muốn sau này giải nghệ sẽ có một công việc ổn định, gần nhà tại Công ty Than khoáng sản Việt Nam (nơi cô đang đầu quân) để tiện bề chăm sóc mẹ. Còn nếu không cô sẽ dùm số tiền tiết kiệm để kinh doanh nhỏ tìm kế sinh nhai.
Nguyễn Thị Tuyết Dung thậm chí còn phải đi cấy lúa phụ mẹ ở dịp Tết vừa qua. Thu nhập và tiền thưởng của cô quá ít nên không dám mớ đến những điều cao xa. |
Cũng như đàn chị, tiền đạo Minh Nguyệt cũng chỉ mong được làm giáo viên thể chất ở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ. Bố của cô mất cách đây vài năm, nên hiện tại chỉ còn mẹ và anh trai là người thân thiết. Tiền vệ Kim Hồng ngoài bóng đá còn học thêm nghề trang điểm. Thế nên, sau khi giải nghệ chỉ mong sẽ kiếm được công việc phù hợp hoặc gắn bó với đội nữ TP.HCM trên cương vị huấn luyện.
Thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh cũng thuộc biên chế TP.HCM, hưởng lương loại 1 (chừng 7 triệu đồng/tháng) nhưng là người gốc Đồng Tháp. Thế nên mơ ước lớn nhất đối với người gác đền này là có được một chỗ ở ổn định. Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu mơ cùng chồng mở 1 hiệu làm tóc khi không còn đá bóng, còn Nguyễn Thị Hòa muốn làm 1 HLV để tiếp tục đeo đuổi giấc mơ bóng đá.
Chương Thị Kiều học làm tóc, trang điểm để có thể có 1 nghề khác kiếm thêm thu nhập ngoài bóng đá. |
Trung vệ Chương Thị Kiều mới 19 tuổi nhưng hàng tháng phải gửi tiền về phụ bố mẹ. Gia đình chị nghèo, có 3 anh chị em, 2 anh chị lớn đã lập gia đình. Ngoài mấy sào ruộng ra, bố mẹ chị vốn lớn tuổi không thể làm gì thêm. “Em chỉ mong giúp đỡ được nhiều hơn cho gia đình, chứ bây giờ chưa có dự định gì lớn lao đâu”, Kiều tâm sự.
Thành công của đội bóng nữ không có sự hào nhoáng mà nó là kết quả của những hy sinh thầm lặng. Dù là tuyển thủ quốc gia nhưng người ta không bao giờ bắt gặp những “cô gái vàng” tung tăng shopping, ăn uống ở những nơi sang trọng hay đổi nhà, mua xe. Lương, thưởng của họ chỉ đủ sống và chắt chiu mới để ra được một ít. Đồng hành với giấc mơ World Cup là những điều giản dị với trà đá, nước mía vỉa hè, những đêm xem phim, thêu thùa, may vá...