Thật vậy, các CLB châu Âu, bao gồm cả Barca, đang tự tìm đến Trung Quốc với hy vọng khai thác thị trường bóng đá hấp dẫn này. Tháng trước, làng túc cầu ở quốc gia tỷ dân vui như trẩy hội khi được Barca chính thức "ghé thăm".
Thời gian tới, một học viện bóng đá thuộc quyền quản lý đội bóng xứ Catalan sẽ xuất hiện ở Trung Quốc. Đây là hợp tác giữa Chủ tịch Josep Bartomeu của Barca và những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Trung Quốc.
Danh sách những CLB có đông đảo fan nhất tại Trung Quốc. |
Mối lương duyên giữa hai bên mang đến lợi ích tương trợ lẫn nhau. Ngân sách Barca cần nhà tài trợ mới, còn Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng "hóa rồng" bóng đá nước nhà.
"Một trong những dự án lớn sẽ là phát triển bóng đá ở Trung Quốc", Chủ tịch Bartomeu nói với Financial Times trong chuyến đi tới Trung Quốc khai trương học viện bóng đá 4 triệu euro, gồm nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm Barca và khu vực cho CĐV trên hòn đảo du lịch Hải Nam.
"Đây là những đóng góp nhỏ của chúng tôi cho dự án lớn này".
Là CĐV cuồng nhiệt của bóng đá, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia mạnh khác, đăng cai World Cup và giành chức vô địch. Các đội bóng châu Âu nhờ đó tự tìm đến phương Đông xa xôi với hy vọng tìm kiếm nguồn tài trợ.
Không chỉ Barca, người Đức đã nhìn thấy thị trường hấp dẫn chờ đợi tại Trung Quốc. Bayern và Wolfsburg mở những văn phòng thương mại ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Trước đó, Real, Man City và MU cũng nhận ra rất nhiều tiềm năng để khai thác kinh tế tại đây.
Tiền lương của nhiều ngôi sao Barca sắp tới sẽ đến từ giới chủ Trung Quốc. |
"Nhiều CLB nhận ra phải tìm đến Trung Quốc, đây không chỉ là bước phát triển thương hiệu, mà còn để tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ", Tom Elsden của tập đoàn tư vấn tiếp thị thể thao Mailman có trụ sở đặt tại Thượng Hải nói.
"Chúng tôi đang ở trung tâm của cuộc cách mạng bóng đá, vì vậy nhiều CLB hàng đầu châu Âu phải hăng hái hơn".
Người Trung Quốc cũng mặn mà trong việc đầu tư vào các CLB châu Âu. Giám đốc Thomas Röttgermann của Wolfsburg nói rằng 16% doanh thu tài trợ CLB đến từ ngoài nước Đức, phần lớn là Trung Quốc. Bắt tay với quốc gia châu Á còn tạo điều kiện cho chủ sở hữu đội bóng hãng xe hơi Volkswagen phát triển thương hiệu.
Wolverhampton, Nice, Sochaux-Montbeliard, Auxerre, Atletico, Man City West Brom, Aston Villa, AC Milan, Inter Milan, Espanyol là những CLB châu Âu có cổ phần hoặc do chủ Trung Quốc điều hành.
Trung Quốc như chiếc bánh ngọt thu hút những con mồi, thế nhưng không phải dễ cho những CLB châu Âu tìm kiếm đối tác phù hợp. "Thị trường này có rất nhiều tiền và kế hoạch, tuy nhiên nhiều thứ không thật và hào nhoáng như người ta nghĩ", ông Röttgermann cho biết.
Bỏ qua cảnh báo đó, số lượng những CLB châu Âu kết giao mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng nhiều. Tuần rồi, Milan về tay chủ Trung Quốc. Trước đó, Atletico, Man City... cũng bán cổ phần đội bóng cho giới chủ phương Đông. Đổi lại, Man City có thể tự do tìm kiếm những nguồn tài trợ mới.
Theo Chủ tịch Bartomeu, ông tin doanh thu đội bóng sau khi hợp tác với Trung Quốc có thể giúp họ đạt tới mốc 1 tỷ USD vào năm 2021. Năm ngoái, doanh thu Barca ở vào khoảng 679 triệu euro. "Châu Á giờ là thị trường rất quan trọng và phát triển rất nhanh trên thế giới", Chủ tịch Bartomeu nói.