Dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, Mỹ cũng không miễn nhiễm. Chỉ cần nhìn vào sức khỏe của các biểu tượng kinh tế Mỹ như Google, Facebook, Boeing, người ta có thể biết được tình hình của nền kinh tế lớn nhất thế giới ra sao.
"Cần bảo vệ Boeing"
Theo New York Times, Boeing là nhà sản xuất lớn nhất nước Mỹ. Công ty sử dụng hơn 100.000 người lao động trong nước, sử dụng chuỗi cung ứng với hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ cùng hàng triệu công nhân. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Boeing lao dốc hơn 40% trong vòng 5 ngày tính đến ngày 17/3.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bảo vệ Boeing. Rõ ràng, khi các hãng hàng không kinh doanh không tốt thì Boeing sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì vậy chúng ta sẽ giúp đỡ Boeing”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh.
Boeing vừa trải qua một năm tồi tệ nhất lịch sử vì dòng 737 Max bị cấm bay sau vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng. Giờ, dịch virus corona lại đặt ra những thách thức mới. Số lượng đặt vé máy bay sụt giảm trầm trọng, các hãng bay không đặt mua máy bay mới trong một thời gian dài và từ chối nhận hàng đã mua.
Boeing cũng không thể bán hàng cho châu Âu hay Trung Quốc. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và các biện pháp gia tăng “khoảng cách xã hội” có thể khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.
Tuần này, Boeing lên tiếng ủng hộ gói hỗ trợ của chính phủ Mỹ: “Boeing ủng hộ gói hỗ trợ tối thiểu 60 tỷ USD, bao gồm bảo lãnh cho vay đối với ngành công nghiệp sản xuất hàng không. Đây là một trong những cách quan trọng nhất giúp các hãng hàng không, sân bay, nhà cung cấp và nhà sản xuất phục hồi”.
Cổ phiếu Apple và Microsoft bốc hơi
Apple, Google, Microsoft, Facebook và Amazon là các siêu cường công nghệ dẫn dắt sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế Mỹ. Nhưng những ông trùm công nghệ này cũng bị giáng đòn mạnh vì tác động của dịch Covid-19.
Theo CNN, tính riêng trong vòng 24h ngày 9/3, vốn hóa thị trường của 5 đại gia công nghệ đã bị bốc hơi tổng cộng 225 tỷ USD. Dẫn đầu về thiệt hại là Apple với 62 tỷ USD, rồi đến Microsoft (60 tỷ USD), Amazon và Alphabet - công ty mẹ của Google (40 tỷ USD) và Facebook (25 tỷ USD).
Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ Apple. Trong chưa đầy 4 tuần, giá trị cổ phiếu của tập đoàn đã sụt giảm khoảng 23%, theo Business Insider. Hôm 13/3, Apple thông báo sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng bên ngoài Trung Quốc cho đến ngày 27/3 để giảm nguy cơ lây lan virus corona chủng mới.
Hồi đầu tháng 2, Apple cũng có động thái tương tự tại Trung Quốc khi dịch virus corona bùng phát ở nước này.
Hiện, tập đoàn sản xuất iPhone đã bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất và thương mại tại Trung Quốc, tuy chưa đạt được năng suất như trước khi dịch bệnh bùng phát. “Chúng tôi đang tái khởi động trên khắp đất nước, nhưng mọi thứ tiến triển chậm hơn những gì chúng tôi dự tính”, tập đoàn cho biết.
Theo AppleInsider, hãng dự định hoãn sự kiện giới thiệu sản phẩm diễn ra vào cuối tháng 3 do hoạt động sản xuất thiết bị mới, bao gồm iPhone 9, liên tục bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết Apple đã khôi phục dây chuyền sản xuất và thuê thêm đối tác gia công để sớm đưa iPhone 9 ra thị trường.
Trong khi đó, theo New York Times, mặc dù hoạt động kinh doanh điện toán đám mây không bị ảnh hưởng nhiều, Microsoft cho biết chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động kinh doanh máy tính cá nhân, bao gồm máy tính Window và máy tính bảng Surface, bị sụt giảm doanh thu vì dịch Covid-19.
Bồi thường cho nhân viên
Theo Reuters, ngày 5/3, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon xác nhận ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2 trong đội ngũ nhân viên. Nếu tình trạng lây nhiễm chéo xảy ra tại các văn phòng và kho trung tâm của Amazon, hãng sẽ gặp rắc rối lớn. Vì vậy gã khổng lồ thương mại điện tự khuyến nghị nhân viên làm việc từ xa nếu công việc cho phép.
Theo CNN, công ty vẫn trả lương cho các công nhân làm việc theo giờ, bao gồm 10.000 nhân viên giao đồ ăn, nhân viên bảo vệ và nhân viên văn phòng – những người bị ảnh hưởng bởi chính sách làm việc từ xa.
Amazon cũng cam kết sẽ trả lương cho các nhân viên nghỉ ốm vì nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, hãng cũng đang bận rộn với số lượng đơn đặt hàng tăng cao khi người dân không được ra ngoài. Tuần trước, Amazon thông báo sẽ thuê thêm 100.000 nhân viên bán thời gian và toàn thời gian tại Mỹ và châu Âu để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh đại dịch.
Tương tự gã khổng lồ thương mại Amazon, các dịch vụ của Facebook cũng chứng kiến sự gia tăng lớn về nhu cầu. Dịch virus corona khiến hàng triệu người phải ở nhà và liên lạc với nhau qua WhatsApp và Facebook Messenger.
Áp lực của hãng cũng tăng cao khi phải đối phó với việc lan truyền tin tức giả về dịch virus corona chủng mới. Công ty phải thay đổi cách hoạt động khi nhiều trong số 45.000 nhân viên hoạt động toàn thời gian làm việc từ xa.
Tuy nhiên, việc cho phép các nhân viên hợp đồng làm việc tại nhà là một thách thức lớn đối với Facebook vì những lo ngại về tính chất bảo mật của một số công việc, theo Mark Zuckerberg.
Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng cho phép nhiều trong số 120.000 nhân viên của mình làm việc tại nhà. Đối với các công nhân không thể làm việc từ xa, công ty sẽ bồi thường dựa trên số giờ họ không thể làm việc vì dịch Covid-19.
Google cũng buộc phải hủy bỏ sự kiện lớn nhất trong năm của mình – hội nghị thường niên dành cho các lập trình viên Google I/O.
Bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ: 'Tôi sợ hãi nhìn tờ hóa đơn gần 35.000 USD'
Cảm thấy không khỏe, Danni Askini ở Boston (Mỹ) đi khám và được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Ngày xuất viện, cô tá hỏa khi nhìn tờ hóa đơn gần 35.000 USD.
Siêu thị mở cửa sớm phục vụ riêng người già giữa đại dịch
Người cao tuổi và người có bệnh nền có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao. Nhiều chuỗi cửa hàng trên toàn cầu thay đổi giờ mở cửa để phục vụ các đối tượng khách hàng này.
Nhà vườn hạn chế cọc vì khan hàng, cây cảnh Tết 'xuống phố' sớm
Mặc dù gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dọc các tuyến đường ở TP Thanh Hóa, tiểu thương đã trưng đầy đào, quất cảnh chào mời khách.