Câu chuyện của Askini được đăng trên tạp chí Time hôm 19/3. Cuối tháng 2, cô cảm thấy đau tức ngực, khó thở và nhức đầu, do đó đã gọi cho bác sĩ đang điều trị bệnh ung thư hạch bạch huyết để nhờ tư vấn.
Sau đó, cô được chuyển tới tới một phòng cấp cứu ở Boston. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm phổi. Askini được cho về nhà.
Vài ngày sau đó, nhận thấy thân nhiệt thay đổi bất thường và bị ho, Askini quay trở lại phòng khám để xét nghiệm. 10 ngày sau, bác sĩ thông báo cô nhiễm Covid-19.
Sau một thời gian điều trị, đến ngày xuất viện, người phụ nữ này mới tá hỏa khi nhìn vào con số trên tờ hóa đơn điều trị: 34.927,43 USD. "Tôi đã sốc khi nhìn tờ hóa đơn đó. Tôi không quen ai để vay mượn được số tiền lớn như vậy”, cô than thở.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân tại Bệnh viện Newton-Wellesley, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Giống như 27 triệu người Mỹ khác, Askini không có bảo hiểm khi tới bệnh viện. Cô và chồng đã lên kế hoạch chuyển đến Washington DC trong tháng này cho một công việc mới, tuy nhiên kế hoạch bị hoãn bởi sự cố này. Hiện tại, Askini đã nộp đơn xin trợ cấp y tế và hy vọng được thanh toán viện phí. Nếu không, cô sẽ phải ôm số nợ khổng lồ.
Theo Time, các chuyên gia y tế cộng đồng của Mỹ dự đoán sẽ có hàng chục nghìn người Mỹ phải nhập viện do nhiễm Covid-19.
Ngày 18/3, Quốc hội Mỹ thông qua luật hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên không bao gồm phí điều trị. Những bệnh nhân điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU) sẽ phải chi với số tiền “khủng” như Askini kể cả có bảo hiểm y tế.
Theo tổ chức Kaiser Family Foundation, chi phí điều trị trung bình với một người nhiễm Covid-19 ở Mỹ trong trường hợp có bảo hiểm và không có bệnh nền vào khoảng 9.763 USD.
Trường hợp bệnh nhân phải điều trị thêm các biến chứng, số tiền có thể lên tới 20.292 USD.