Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Các anh về với mẹ

“Chiều trong nghĩa trang” là bài thơ xúc động của Nguyễn Quang Thiều. Bài thơ gợi lên tình cảm thiêng liêng, suy tư về cuộc sống khi chiến tranh đi qua.

Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi

Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng

Ai gọi đò bơ phờ bến vắng

Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương.

***

Mẹ run run đốt những nén hương

Cắm lên từng bia mộ

Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ

Những con đường cát trắng của làng quê.

***

Hồn những chàng trai giờ nơi đâu

Nhìn thấy khói mà về với mẹ

Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối

Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi.

***

Các anh về với mẹ một đêm thôi

Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình phụt tắt

Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn

Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm.

***

Các anh về không hóa được thành người

Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp

Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ

Hóa thạch sùng đáp lời mẹ trong mơ.

***

Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh từng cơn

Những mắt hương, mắt người hoe đỏ

Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ

Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người…

Lời bình

Bài thơ gợi tứ từ một buổi chiều mùa đông khi nhà thơ nhìn thấy bóng mẹ thắp hương lên từng bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ. Dường như, trong cảm nhận của nhà thơ, những ngôi mộ cũng đang dâng hương trước mẹ.

Khói hương nối vào hư vô, làm gần lại những khoảng cách muôn trùng của âm dương, sinh tử. Hai tuyến hình tượng trong bài thơ đều ẩn chứa những tình cảm thiêng liêng, vĩ đại. Sự vĩ đại của những người con đã ngã xuống cho quê hương. Sự vĩ đại của người mẹ vẫn đợi chờ, ôm ấp hình ảnh những đứa con đi xa chưa trở về.

Khói hương vỗ về an ủi cả người sống và người đã khuất. Lặng lẽ, khói hương mở lối về đoàn tụ. Ngọn đèn dầu mong manh bền bỉ, bữa cơm sum vầy, lửa trong bếp ấm, khoảng ao chú cá con đợi mẹ, tiếng thạch sùng đáp vào những chờ mong. Mắt hương, mắt người, nhòe đi trong chiều siêu thực. Tất cả hiện về như chưa từng ra đi, chưa từng cách biệt.

Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều giản dị mà sâu lắng bởi những cảm xúc chân thành và hình tượng thiêng liêng. Góc nhìn nhân văn về đời sống, chiến tranh, người lính, người mẹ… đem đến những rung động mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Nghe trong cỏ đời hiến dâng cao cả

“Với cỏ” của Võ Kim Phượng là bài thơ xúc động. Đó là một mạch nguồn mới trong cách cảm nhận về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.


Thư gửi mẹ

“Thư gửi mẹ” là bài thơ hay của Nguyễn Quang Thiều. Viết về người lính, sự hi sinh, nhưng bài thơ không bi lụy mà ấm áp trìu mến. Ở đó, ta nhận ra giá trị của tình yêu thương.

Nguyễn Quang Thiều

Bạn có thể quan tâm