Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cá voi trơn trước nguy cơ tuyệt chủng

Việc thông qua điều khoản bảo vệ ngư dân đánh bắt tôm hùm tại bang Maine, Mỹ có khả năng khiến một trong những loài cá voi quý hiếm nhất trên thế giới bị tuyệt chủng.

danh bat tom hum anh 1

Curt Brown, một ngư dân đánh bắt tôm hùm, kết thúc ngày làm việc của mình khi đỗ lại tại một cầu cảng cho ngư dân, chỉ cách khu vực trung tâm thành phố Portland của bang Maine một vài dãy nhà.

Theo Maine Public, khối lượng tôm hùm khoảng 110-130 kg mà Brown đánh bắt được có thể ngay lập tức được thưởng thức tại một quán ăn gần đó hoặc được phục vụ tại một nhà hàng cách xa hàng nghìn km. Trong một ngày lạnh giá của tháng 12/2022, ông Brown cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết.

"Tôi nghĩ ngành đánh bắt tôm hùm, sau một thời gian dài, cuối cùng đã tìm thấy tia hy vọng. Chúng tôi cảm thấy lạc quan vì những nỗ lực làm việc của mình cuối cùng đã được công nhận", ông cho biết.

Chỉ một ngày trước đó, ngành đánh bắt tôm hùm đã giành được một chiến thắng quan trọng trước các tổ chức bảo vệ môi trường về vấn đề bảo vệ loài cá voi trơn quý hiếm ở khu vực Bắc Đại Tây Dương.

Các chính trị gia đại diện cho Maine tại Quốc hội Mỹ, phối hợp với ngành công nghiệp đánh bắt tôm hùm trị giá hàng tỷ USD của bang này, đã bổ sung thành công điều khoản cấm áp đặt thêm những hạn chế về đánh bắt thủy sản trong 6 năm tiếp theo vào dự luật chi tiêu ngân sách trị giá 1.700 tỷ USD vừa được thông qua.

Đối với 5.000 người ngư dân đánh bắt tôm hùm có giấy phép tại Maine, đây là một thành công lớn, giúp họ không phải chịu thêm các hạn chế về đánh bắt.

Những người này cho biết các hạn chế về đánh bắt sẽ làm sụp đổ ngành khai thác tôm hùm và hủy hoại các cộng đồng ven biển tại Maine khi buộc các ngư dân đánh phải tránh xa một số khu vực trong vòng nhiều tháng và cấm họ sử dụng các loại bẫy đánh bắt tôm hùm có kết nối bằng dây thừng với phao trên mặt nước.

Trong khi đó, các công cụ đánh bắt tôm hùm không sử dụng dây để kéo lên mặt nước vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa được bán một cách rộng rãi.

danh bat tom hum anh 2

Những người ngư dân đánh bắt tôm hùm như ông Curt Brown đều tỏ ra vui mừng trước thông tin chính quyền liên bang sẽ không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế về đánh bắt trong 6 năm tới. Ảnh: Maine Public.

"Việc cấm người ngư dân đánh bắt tôm hùm ra khơi trong 4 tháng hoặc 5 tháng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ mà còn tác động đến nhiều ngành kinh doanh khác", ông Brown chia sẻ.

Trái ngược với sự vui mừng của những người ngư dân, các tổ chức đấu tranh để bảo vệ loài cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương cho biết việc tạm dừng áp dụng thêm các hạn chế về đánh bắt hải sản sẽ khiến loài động vật này đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong những năm tới.

"Chúng ta có còn cơ hội để cứu loài cá voi trơn vào năm 2028? Tất nhiên là có. Nhưng khả năng thành công sẽ chỉ còn ở mức 5% so với mức 50% trong quá khứ", ông Brett Hartl thuộc Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết.

Cá voi da trơn đang gặp nguy hiểm

Dài hơn 15 m và có tốc độ di chuyển chậm, loài cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương từng đứng trước bờ vực tuyệt chủng do nạn săn bắt tràn lan loài động vật này hơn một thế kỷ trước. Hiện chỉ còn khoảng 340 cá thể của loài này vẫn còn tồn tại trên thế giới.

Các nhà sinh học cho biết mối đe dọa lớn nhất mà loài cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương phải đối mặt ở thời điểm hiện tại chính là nguy cơ va chạm với tàu cá và bị mắc vào các loại dây thừng dùng trong đánh bắt thủy sản.

Loài cá voi này có khu vực sinh sống và di cư trải dọc bờ biển Đại Tây Dương. Theo đó, cá voi da trơn thường di chuyển đến bờ biển ngoài khơi các bang Florida và Georgia để sinh sản, trong khi kiếm ăn tại bờ biển ngoài khơi Canada và khu vực New England của Mỹ.

Các tổ chức như Trung tâm Đa dạng Sinh học và Quỹ Luật Bảo tồn động vật đã sử dụng Đạo luật Bảo tồn Động vật Quý hiếm và Đạo luật Bảo tồn Thú biển để buộc các cơ quan chức năng liên bang áp dụng những quy định chặt hơn đối với ngành khai thác hải sản.

danh bat tom hum anh 3

Các nhà khoa học ước tính chỉ có khoảng 340 cá thể cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương vẫn còn tồn tại trên thế giới. Ảnh: Whale and Dolphin Conservation.

Tuy nhiên, ngành đánh bắt tôm hùm tại Maine chưa từng được ghi nhận đã gây ra cái chết của bất kỳ cá thể cá voi trơn nào trong quá khứ. Vụ tai nạn gần nhất được chứng minh có liên quan đến hoạt động đánh bắt tôm hùm diễn ra vào năm 2004 và khiến một con cá voi bị thương.

Các nhà bảo vệ động vật cho biết hiện tượng này xuất phát từ việc các cơ quan chức năng không thể truy dấu chính xác nguồn gốc các sợi dây thừng bị mắc vào cổ của cá voi. Trong khi đó, các chính trị gia tại Maine đã bảo vệ cộng đồng khai thác tôm hùm của bang khi khẳng định những người ngư dân tại đây đã tuân thủ các quy định về bảo tồn động vật.

"Trong 25 năm làm việc tại Thượng viện Mỹ, tôi chưa từng thấy có trường hợp một ngành bị đổ lỗi một cách vô cớ và bị chèn ép bằng những quy định như hoạt động đánh bắt tôm hùm tại Maine", Thượng nghị sĩ Susan Collins của bang Maine cho biết.

Theo dữ liệu của các cơ quan liên bang, về mặt giá trị kinh tế, ngành đánh bắt tôm hùm là hoạt động khai thác thủy sản lớn thứ 2 tại Mỹ vào năm 2019. Những người ngư dân tại Maine đã đánh bắt hơn 45.000 tấn tôm hùm vào năm 2021 với tổng giá trị đạt 725 triệu USD.

Sự ủng hộ chính trị của ngành đánh bắt tôm hùm

Các nhà lãnh đạo thuộc đảng Dân Chủ, Cộng hòa và độc lập tại Maine đều lên tiếng ủng hộ ngành đánh bắt tôm hùm, ước tính mang về hơn 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế của bang này mỗi năm. Khoản tiền trên bao gồm doanh thu từ ngành công nghiệp chế biến hải sản, lợi nhuận từ các nhà hàng địa phương.

Bên cạnh điều khoản cấm áp dụng thêm các hạn chế trong hoạt động đánh bắt thủy sản, gói ngân sách trị giá 1.700 tỷ USD vừa được thông qua cũng bao gồm khoản kinh phí hàng triệu USD để nghiên cứu tần suất tiến vào khu vực đánh bắt tôm hùm của các cá thểcá voi trơn và phát triển các thiết bị đánh bắt tôm hùm không sử dụng dây thừng.

"Quyết định của Quốc hội sẽ tạm thời giúp ngành đánh bắt tôm hùm tại Maine tránh được án tử hình về kinh tế trong khi chúng ta tiến hành nghiên cứu vấn đề và đưa ra một giải pháp bền vững", Thượng nghị sĩ Angus King, một chính trị gia độc lập cho biết.

danh bat tom hum anh 4

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật cho biết các sợi dây thừng sử dụng trong hoạt động đánh bắt hải sản là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của các cá thể cá voi. Ảnh: International Whaling Commission.

Sau khi lệnh tạm dừng áp đặt thêm hạn chế đánh bắt được thông qua, bà Erica Fuller, luật sư cấp cao của Quỹ Luật Bảo tồn động vật đã chỉ trích các chính trị gia tại Quốc hội Mỹ, nói rằng những người này "có bàn tay dính máu của một loài động vật đang trên bờ vực tuyệt chủng".

"Dữ liệu khoa học rất rõ ràng. Loài người đang giết chết cá voi trơn ở tốc độ nhanh hơn so với khả năng sinh sản của loài này. Trong đó, việc bị mắc vào dụng cụ đánh bắt tôm hùm là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến cái chết của các con cá voi", bà Fuller tuyên bố.

Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), trong số 34 con cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương được ghi nhận đã qua đời từ năm 2017 đến năm 2022, có 9 trường hợp qua đời do bị mắc vào các thiết bị đánh bắt hải sản, 11 trường hợp qua đời sau khi va chạm với tàu thuyền và 14 trường hợp không rõ nguyên nhân.

Theo ông Brown, ngành đánh bắt tôm hùm đã có nhiều hành động bảo vệ loài cá voi trơn, bao gồm chuyển sang sử dụng loại dây thừng có khả năng tách ra khi bị mắc vào cá voi và gắn thêm nhiều bẫy hơn vào mỗi sợi dây nhằm giảm thiểu số dây được dùng. Ông Brown cho biết mình chưa từng nhìn thấy một con cá voi trơn trong 30 năm làm nghề đánh bắt tôm hùm.

"Ngành đánh bắt tôm hùm là hoạt động khai thác hải sản sản sử dụng ngư cụ cố định lớn nhất tại bờ Đông của nước Mỹ. Nếu loài cá voi trơn mắc vào thiết bị đánh bắt, chúng tôi sẽ phát hiện ra và các trường hợp này sẽ được báo cáo lại. Nhưng hiện tại chúng tôi không thấy có tình trạng này", ông Brown chia sẻ.

Cuộc chiến tôm hùm gây dậy sóng tại Điện Capitol

Cuộc tranh cãi về tôm hùm Maine ở Mỹ chưa dừng lại, khi các nhóm môi trường nói dự luật mới bảo vệ nghề đánh bắt loài này có thể đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của cá voi trơn.

Cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương trên bờ vực tuyệt chủng

Dù đã thoát khỏi cảnh bị tận diệt do săn bắt, cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương tiếp tục trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế của con người.

An Bình

Bạn có thể quan tâm