Chỉ trong một thời gian ngắn, có tới ba cá thể cá voi lưng gù lạc vào sông East Alligator thuộc Vườn Quốc gia Kakadu, Australia. Hai trong số này đã tìm được đường để quay trở lại biển, một con còn lại mắc kẹt ở vùng nước nội địa.
Đoạn video quay từ trực thăng bay phía trên sông East Alligator hôm 15/9 cho thấy con cá voi lưng gù từng trồi lên trên mặt nước một lần nữa trước khi biến mất vào vùng nước của Công viên Kakadu - nơi sinh sống của khoảng 10.000 con cá sấu.
“Con cá voi (mắc kẹt) có vẻ an toàn và vẫn ổn. Điều này cho chúng tôi thêm thời gian để cân nhắc các phương án khả thi và đánh giá những rủi ro liên quan”, nhà động vật học Feach Moyle tại Công viên Kakadu cho biết vào ngày 15/9.
Ông Moyle chia sẻ thêm rằng đội cứu hộ hy vọng đợt thủy triều cao nhất trong năm - dự kiến đến trong vài tuần tới - sẽ giúp con cá voi có cơ hội quay về đại dương.
Cá voi lưng gù "rẽ nhầm" vào dòng sông tràn ngập cá sấu ở Vườn quốc gia Kakadu, Australia. Ảnh: AP. |
Các nhà chức trách thiết lập khu vực cấm dọc theo dòng East Alligator để giữ con cá không đụng độ với người dân di chuyển trên sông.
Đội cứu hộ của công viên lo ngại rằng thuyền bè có thể khiến con vật sợ hãi và bơi xa hơn về phía thượng nguồn nên đã yêu cầu mọi người tránh xa khu vực này.
Cá sấu nước mặn và nước ngọt trong Vườn quốc gia Kakadu thường ngụy trang trong các con lạch và nằm tắm nắng ở những khu vực tiếp giáp giữa đất liền và biển.
Ban quản lý công viên thường cảnh báo du khách đặc biệt cẩn thận khi cắm trại, bơi lội hay chèo thuyền ở những vùng nước được cho là điểm tập kết của cá sấu, bởi đây là loài hung hăng, có thể tấn công con mồi trong tích tắc và di chuyển với vận tốc lên đến gần 44 km/h.
Lượng cá sấu khổng lồ là mối đe dọa tiềm tàng đối với khách du lịch ở Vườn quốc gia Kakadu. Ảnh: Getty. |
Đội ngũ chuyên gia của vườn quốc gia cho rằng dù lượng cá sấu khổng lồ là một mối đe dọa nhất định, miễn là con cá voi vẫn trong tình trạng ổn định và khỏe mạnh, nó sẽ không trở thành mục tiêu bị tấn công.
“Cá voi không phải là con mồi mà cá sấu có thể nhắm đến”, nhà khoa học sinh thái biển Carol Palmer nhận định.
Nhưng Palmer cho rằng nếu con cá voi mắc cạn trên bờ thì nó sẽ trở thành “một nguồn thức ăn dễ khai thác” đối với những con cá sấu khát mồi.
Giám đốc điều hành Regina Asmutis-Silvia của Khu Bảo tồn Cá voi và Cá heo ở Bắc Mỹ bày tỏ sự quan ngại đối với tình trạng sức khỏe của con cá voi gặp nạn.
Dựa theo một bức ảnh đăng tải trên Instagram, bà nhận xét rằng con vật “khá gầy” khi xương sống và xương bả vai lồi lên khá rõ dưới lớp da. Asmutis-Silvia cũng cho rằng có thể sự suy giảm về mặt thể chất đã khiến con cá voi “đi lạc”.