Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

18 cá voi đầu dưa chết ở bờ biển Mauritius

Giới chức Mauritius tuyên bố không có liên hệ nào giữa việc cá voi mắc cạn và sự cố tràn dầu gần đây.

Theo AFP, Bộ Thủy sản Mauritius cho biết đã có 18 con cá voi đầu dưa mắc cạn ở bờ biển nước này hôm 26/8. Một số vẫn còn sống khi được phát hiện mắc cạn ở bãi Grand Sable, phía nam hòn đảo. Tuy nhiên, không có con nào sống sót sau đó.

Một số con có vết thương bên ngoài. Thế nhưng, Bộ trưởng Thủy sản Mauritius, ông Sudheer Maudhoo tuyên bố không có dấu vết của hydrocarbon trên cơ thể hoặc hệ hô hấp của những con cá voi này.

Trước đó, có nghi ngờ rằng việc cá voi mắc cạn có liên quan đến sự cố tràn dầu ngoài khơi Mauritius trong thời gian gần đây.

Preetam Daumoo, một quan chức địa phương, nói với AFP rằng ông cùng nhiều cư dân khác đã nghĩ đến sự cố tràn dầu sau khi phát hiện những con cá voi mắc cạn trên đảo.

Ca voi mac can vi tran dau Mauritius anh 1

Tổng cộng 18 con cá voi đầu dưa đã mắc cạn và chết trên đảo Mauritius. Ảnh: AFP.

Đầu tháng 8, một tàu chở dầu Nhật Bản mắc cạn trên rạn san hô cách Mauritius 10 km, khiến hơn 1.000 tấn dầu bị rò rỉ xuống vùng nước hoang sơ xung quanh hòn đảo.

Thân tàu bị gãy cuối cùng đã chìm xuống biển hôm 24/8.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để xác định nguyên nhân khiến 18 con cá voi mắc cạn.

Ông Owen Griffiths đến từ Hiệp hội Bảo tồn Biển Mauritius cho rằng có lẽ đây là "một sự trùng hợp đáng tiếc" và nhắc lại trường hợp tương tự hồi năm 2005 khi 70 con cá voi đầu dưa cũng mắc cạn ở khu vực này.

"Có thể chúng đã đuổi theo một đàn cá và đi vào eo biển, bị mất phương hướng và cố tìm đường ra biển bằng cách vượt qua rạn san hô thay vì tìm đường vòng. Khi hoảng loạn và căng thẳng, chúng đã va chạm với san hô, kiệt sức và chết", ông Griffiths nhận định.

"Ở giai đoạn này, chúng tôi vẫn chưa thể xác định nguyên nhân sự việc. Cần khám nghiệm xác cá và phân tích mẫu dạ dày hoặc phổi để tìm kiếm dấu vết của dầu", chuyên gia này nói thêm.

Tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace) đã kêu gọi mở "cuộc điều tra khẩn cấp" về nguyên nhân khiến cá voi mắc cạn.

Các nhà chức trách và chuyên gia từ Nhật Bản và Anh vẫn đang đánh giá mức độ tác động của sự cố tràn dầu với hệ sinh thái Mauritius, hòn đảo phụ thuộc chủ yếu vào du lịch.

Cá voi đầu dưa có tên khoa học là Peponocephala electra, thuộc họ cá heo đại dương. Chúng thường sống xa bờ ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt trên khắp thế giới, đặc biệt ở Thái Bình Dương. Chúng không di cư và hiếm khi được nhìn thấy vì thường thích săn mồi ở độ sâu nhất định.

Đang tạo dáng, du khách hoảng hốt thấy cá nhám voi đớp mồi bên cạnh Trong lúc tạo dáng chụp hình, nam du khách hoảng hốt khi thấy cá nhám voi đớp mồi tại tỉnh Berau, Indonesia.

Cá voi mắc cạn hàng loạt có thể vì NATO tập trận

Giới khoa học đặt giả thuyết các cuộc tập trận sử dụng sonar - phương pháp lan truyền âm thanh dưới nước để phát hiện tàu ngầm - có thể làm cá voi mất phương hướng và mắc cạn.

Hai cá voi beluga được thả về biển sau 10 năm ở thủy cung Trung Quốc

Sau hơn một thập kỷ sống tại thủy cung ở Thượng Hải, 2 con cá voi beluga là Tiểu Khôi và Tiểu Bạch đã được trở lại đại dương ở khu bảo tồn biển đặc biệt ngoài khơi Iceland.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm