Đợt bùng phát dịch ở Indonesia leo thang nhanh chóng trong 6 tuần qua do biến thể Delta. Indonesia hôm 15/7 ghi nhận 56.757 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó vượt Brazil và trở thành quốc gia có số bệnh nhân Covid-19 mới nhiều nhất thế giới, theo Reuters.
Trên khắp đảo Java, các bệnh viện quá tải đến nỗi phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Công nhân mai táng làm việc đến tận tối mịt để kịp xử lý thi thể.
Theo hồ sơ chính thức, gần 70.000 người đã chết kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy vậy, con số thực sự có thể còn cao hơn.
Khi cuộc khủng hoảng mỗi lúc thêm tồi tệ, ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện viên tập hợp để hỗ trợ chính quyền.
Họ giúp tìm hoặc cung cấp phòng cho người không có chỗ cách ly, tìm nguồn oxy, phụ đóng quan tài và thậm chí xử lý thi thể người chết, theo Guardian.
Những tình nguyện viên nhập liệu sau khi tiếp nhận thi thể bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Học cách trở thành thợ đóng quan tài
Trước 7h mỗi ngày, các tình nguyện viên tập trung trước một ngôi nhà ở thành phố Yogyakarta, Indonesia. Đeo mặt nạ và duy trì khoảng cách, họ đo và cắt các tấm gỗ, làm nhẵn các cạnh bằng giấy nhám.
11 ngày qua, sân trước ngôi nhà trở thành xưởng đóng quan tài khẩn cấp. Những chiếc quan tài được sơn màu trắng, bên trong lót ni lông.
Các tình nguyện viên là giảng viên, nhân viên bảo vệ, nghệ sĩ và cảnh sát. Họ dành thời gian để giúp đỡ cộng đồng, nơi đang bị tàn phá bởi Covid-19. Họ không nghỉ ngơi cho đến khi màn đêm buông xuống.
Người thân mang thiết bị bảo hộ cá nhân khiêng thi thể của bà Yoyoh Sa’diah, 64 tuổi, qua đời vì Covid khi đang cách ly tại nhà riêng, đến địa điểm ướp xác. Ảnh: Reuters. |
Ông Herlambang Yudho Darmo, một nhiếp ảnh gia và họa sĩ, chưa bao giờ nghĩ rằng ở tuổi 57, ông sẽ học cách đóng quan tài.
Thế mà giờ đây, ông thuộc lòng chiều dài và chiều rộng của các tấm gỗ. Ông biết tấm gỗ phải dày bao nhiêu mm để làm nên những chiếc tráp chắc chắn nhưng vẫn có giá cả phải chăng.
Sáng kiến bắt đầu khi các tình nguyện viên nghe nói Bệnh viện Sardjito, bệnh viện lớn nhất ở Yogyakarta, đang đối mặt với tình trạng thiếu quan tài.
Ông Capung Indrawan, bạn của ông Herlambang quyết định biến sân nhà mình thành xưởng làm quan tài miễn phí.
Giờ đây, mỗi ngày, các tình nguyện viên làm tới 30 chiếc quan tài với sự quyên góp kinh phí từ cộng đồng.
Ngoài việc chuyển quan tài đến Bệnh viện Sardjito, họ còn liên hệ với các cơ sở khác, bao gồm một bệnh viện ở Klaten, Tây Java.
“Ngày 11/7, chúng tôi mang 5 chiếc quan tài đến một bệnh viện ở Klaten. Họ cần nhiều hơn thế. Bác sĩ ở đó cho biết họ thường nhìn thấy 70 thi thể một tháng”, ông Herlambang nói.
“Thi thể của các nạn nhân Covid-19 nằm đó suốt 4 tiếng đồng hồ chờ quan tài đến. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là tỏ lòng thành kính khi họ qua đời”, ông nói.
Đối với ông Herlambang, cái chết luôn rình rập kể từ khi tham gia nhóm tình nguyện.
“Nhìn vào những chiếc quan tài khiến tôi tưởng tượng đó có thể là tôi nằm bên trong một ngày nào đó”, ông nói. “Nhưng tôi cũng cảm thấy bình tĩnh hơn, bởi cái gì đến thì sẽ phải đến, thế thôi”.
Tinh thần cộng đồng ăn sâu vào máu
Khi các cơ sở y tế sụp đổ và bệnh nhân phải vật lộn để tìm kiếm phương pháp chữa trị, nhiều nhóm ở Indonesia tình nguyện chung tay cùng nhà chức trách, và để giúp gánh vác công việc cho nhân viên y tế.
Một phong trào có tên “Đoàn kết vì Một triệu xét nghiệm kháng nguyên cho Indonesia” được thành lập từ năm ngoái. Họ đang duy trì một kho chứa oxy để dùng cho những bệnh nhân có nhu cầu khẩn cấp trên khắp Jakarta.
Người dân xếp hàng dài để nạp bình oxy tại một trạm cung cấp ở thành phố Surabaya. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi muốn tập trung giúp đỡ những người không tiếp cận được với các cơ sở y tế và nguồn oxy”, anh Alif Iman Nurlambang, điều phối viên của phong trào cho biết.
Nhóm có 17 tình nguyện viên quản lý mạng xã hội, cung cấp bình oxy và giúp bệnh nhân sử dụng chúng.
“Lúc đầu, chúng tôi không biết gì về oxy, phải hỏi các nhân viên tại kho chứa về cách sử dụng chúng. Chúng tôi quay lại quá trình hướng dẫn rồi chia sẻ đoạn video lên mạng xã hội để giúp mọi người hiểu hơn”, anh Alif kể lại.
Khi bắt đầu vào ngày 1/7, họ chỉ có 12 bình oxy. Con số này tăng dần lên 280. Cho đến nay, ít nhất 514 người đã được giúp đỡ.
Nhưng vẫn còn 3.200 người nằm trong danh sách chờ. Nhu cầu quá cao khiến nhóm không thể hỗ trợ tất cả người bệnh.
Anh Alif nhớ từng có một người phụ nữ ở Tây Java kêu gọi giúp đỡ cho cha cô, người có nồng độ oxy đã giảm hơn 70%. Phải mất hơn một giờ lái xe mới đến được nhà cô, nhưng họ vẫn quyết định đi vì biết rất khó để kiếm được chỗ trong bệnh viện.
Tuy nhiên, trên đường đi, người phụ nữ nhắn tin rằng oxy không còn cần thiết nữa, mọi thứ đã quá muộn.
Các tình nguyện viên nghe những tin như vậy mỗi ngày, và phải tổ chức một cuộc họp trực tuyến hàng đêm để chia sẻ và giải tỏa cảm xúc.
Bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy các thành viên trong gia đình đến thăm mộ người thân tại nghĩa trang cộng đồng dành cho nạn nhân Covid-19 ở Bekasi, Tây Java. Ảnh: AFP. |
Trong số các tình nguyện viên có những sinh viên mới tốt nghiệp, chủ văn phòng, nhân viên tổ chức phi chính phủ và nhiều người khác.
Anh Alif, vốn là một nhà văn tự do, đã từ chối một số lời mời làm việc để có thể tập trung điều phối phong trào. “Tinh thần giúp đỡ lẫn nhau đã ăn sâu vào máu của người Indonesia chúng tôi”, anh nói.
"Quá nhiều người đã chết"
Các đội tình nguyện đặc biệt lo ngại về tác động của đại dịch đối những người nghèo và ít được chính phủ hỗ trợ. Họ không thể mua bình oxy đắt tiền với giá tăng vọt và phải nghỉ làm nhiều ngày để tự cách ly.
Một số người nói họ bị tống ra khỏi phòng trọ sau khi chủ nhà phát hiện họ mắc Covid-19.
Ở Yogyakarta, nhà hoạt động Kalis Mardiasih cung cấp phòng ở cho 5 sinh viên đại học và công nhân để tự cách ly. Cùng với chồng, cô cũng quyên góp được hơn 22.000 USD để giúp những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
"Chúng tôi đang làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ những người xung quanh. Các nhân viên y tế đã cố gắng hết mình. Đây là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể làm”, cô nói.
Một nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân Covid-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở Bogor. Ảnh: AFP. |
Nhà hoạt động Sandyawan Sumardi cũng bắt đầu gây quỹ để mua bình oxy.
Anh Sandyawan cho biết những sáng kiến do cộng đồng dẫn dắt đang cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Indonesia. Anh nghĩ ít nhất chính phủ nên chung thay, và thể hiện vai trò quản lý vĩ mô bằng việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ đại dịch, như bình oxy và thuốc men.
“Chính phủ phải công khai và trung thực về tình trạng thực tế của đất nước. Đây là một tình huống khẩn cấp”, anh nói, “không còn thời gian để phủ nhận nữa, có quá nhiều người đã chết rồi”.