Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca trực phòng đẻ của nam sinh viên trường Y

Tôi cứ như trời trồng, cô bạn đứng bên hối thúc tôi khám nhanh lên, còn chị nội trú đang xin phép sản phụ để tôi được học…

Cửa vào toà nhà BC của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nguồn: suckhoedoisong.

Đã qua 2 vòng lâm sàng Nội khoa và Ngoại khoa, đa phần chúng tôi vẫn chưa định hình được bản thân sẽ gắn cả đời với chuyên khoa nào. Còn quá sớm để tính chuyện đó, chúng tôi vẫn phải đi một lượt cho tới đầu năm 6, có lẽ khi đó ai nấy mới hối hả tự vấn bản thân.

Kiến thức mênh mông trời biển ở một khoa lắm lúc chỉ gói gọn trong một tuần, rồi sinh viên lại bước sang một chân trời mới đầy lý thú. Mùa hè năm đó trời nóng bức, bên kia đường là tiếng còi xe cấp cứu vào cổng chính bệnh viện Việt Đức, bên này là tiếng hét vang trời của các sản phụ đang trên bàn đẻ.

- Tối nay tao và mày sẽ trực ở phòng đẻ. Mày đọc bài khám chuyển dạ chưa? - Linh Lâm hỏi.

- Tao đọc nhưng việc tao có nhớ không lại là chuyện khác. Mình cứ tự tin mà bước vào phòng đẻ thôi, chỉ cần không bị đuổi thẳng cổ, tao nghĩ đó cũng xem như một khởi đầu thuận lợi.

Thật chẳng giống trong phim mô tả chút nào, chúng tôi không thấy nụ cười tươi rói hay lớp phấn son thoa vội, chúng tôi chỉ thấy mồ hôi nhễ nhại, tóc tai bù xù và tiếng hét muốn thấu tận trời xanh. Tất nhiên, khi đẻ xong, mẹ tròn con vuông, nụ cười ấy tự khắc mở ra và các bác sĩ lại hì hục công cuộc may vá, làm đẹp.

- Bác may đẹp giúp em nhé ạ.

- Ở đây toàn bộ chị em đều được may thẩm mĩ. Nó có nghĩa là, vốn việc sinh nở của em đã rất thiêng liêng và chẳng điều gì đẹp hơn điều đó. Sinh viên đâu, sinh viên!!!

- Dạ có em…

- Chị nói có đúng không? Tụi mày sau này có vợ thì cũng đừng vô tâm mà đi so sánh “đẹp, xấu”, “to, nhỏ” đấy nhé. Thấy đẻ một ca mà la cho tỉnh người chưa?

- Dạ em thấy rồi…

Hai đứa sinh viên đứng nhìn quá trình khâu lại tầng sinh môn, ở phòng bên kia, chị nội trú năm 3 gọi:

- Sinh viên đâu!

Sinh viên đâu - ba tiếng đó có sức nặng ngang ngửa một ca ngưng tim. Nó có thể là màn điểm danh chớp nhoáng, cũng có thể là một ca bệnh hay mà chúng tôi cần được chứng kiến để học hỏi. Bất luận âm thanh ấy phát ra từ ai, chúng tôi sẽ phải ngay lập tức đổ về. Một cảnh tượng như mệnh lệnh trong quân đội.

- Em trai, khám xóa mở cổ tử cung ca này cho chị.

Biết tôi chuẩn bị đi trực ở phòng Đẻ, Đạt Béo đã khuyên tôi rằng:

- Nếu mày không muốn theo Sản, hãy bảo vệ trinh tiết của hai ngón tay. Tao sẽ cố thủ cho đến lúc ra trường, có thể ai đó chê tao nhưng tao muốn vậy.

Tôi cứ như trời trồng, cô bạn đứng bên hối thúc tôi khám nhanh lên, còn chị nội trú đang xin phép sản phụ để tôi được học…

- Em định chờ người ta đẻ xong rồi mới khám hả?

Rồi tôi cũng làm được, nó không háo hức như khi bạn tôi lấy được máu tĩnh mạch, cũng chẳng thần thánh như khi nghe thấy tiếng tim bệnh lý lúc học Y3. Một cảm giác khó tả và chính xác là tôi phải dùng đầu óc để tưởng tượng.

- Mở mấy phân rồi em? Hay chỉ thấy ấm ấm và không rõ đang sờ thấy gì hả?

Cô bạn đứng sau cười to, còn tôi như muốn tống cổ nó ra khỏi không gian đầy sự lúng túng. Tôi thú thật với chị rằng tôi chẳng biết cổ tử cung mở mấy phân cả, tôi chỉ sờ được đầu em bé và nhận định ối đã vỡ. Sau đó, chị nội trú kéo chúng tôi ra hành lang và giảng một vài kiến thức cơ bản để học tốt nơi phòng đẻ.

Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ tập trung ở phòng “ưu đãi” dành cho sinh viên. Nó là cái nền nhà lát gạch được trải bởi 2 tấm chiếu cói, 1 chiếc quạt thổi mạnh hết công suất. Giữa đêm tối, các ông bố, bà mẹ tương lai kể về những ước mơ cuộc đời như nhà lầu, xe hơi, du lịch năm châu bốn bể. Trong các điều ước xuất phát từ tâm, cánh con gái khao khát rằng:

- Giá như con trai bọn mày có thể đẻ thay chúng tao. Thật mong mỏi tiến hoá có thể làm nên điều đó.

BS Thái Doãn Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY