Mười năm trước, tôi là trưởng văn phòng thường trú của báo Washington Post tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm tôi đi du lịch khắp miền Tây của Nhật Bản với bạn bè.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một điều khủng khiếp đang xảy ra là thông báo từ nhà ga: Chuyến tàu của tôi sẽ đến muộn. Đó là chuyến tàu cao tốc từ thành phố Hiroshima đến Kyoto.
Sau thời gian dài sống ở Nhật, tôi hiểu việc tàu cao tốc đến muộn luôn có lý do chính đáng. Tôi quyết định đi thang cuốn và rời ga tàu.
Công tác phục hồi hậu quả sau thảm họa ở Natori, Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Lúc này, tivi của ga tàu đang dừng ở kênh truyền hình quốc gia NHK. Trên màn hình đang trình chiếu bản đồ vùng bờ biển của Nhật Bản, kèm theo nhiều cảnh báo khẩn cấp màu đỏ, thể hiện nguy cơ sóng thần.
Nối tiếp là một cảnh quay từ máy bay trực thăng, ghi lại khoảnh khắc một con sóng lớn tràn vào bờ biển phía đông bắc, cuốn theo nhà cửa và xe cộ trong chốc lát. Tôi lo sợ và tự hỏi: “Có bao nhiêu người trong những chiếc xe đó, trong những ngôi nhà ấy?”.
Đó là những gì đã xảy ra trong ngày 11/3/2011, ghi dấu một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.
Mối nguy vô hình
Suốt 6 phút đồng hồ, mặt đất liên tục rung chuyển. Trận động đất 9,0 độ thực sự đã đẩy Nhật Bản dịch chuyển nhiều mét về phía đông. Trận sóng thần, đạt độ cao hơn 12 m ở một số khu vực, đã gây ra các vụ rò rỉ hạt nhân và cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người. Đến nay, thi thể nhiều nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Thật đáng sợ khi chứng kiến thiên nhiên chỉ mất vài phút đồng hồ để phá hủy một vùng đất hiện đại và đầy ắp niềm vui. Ngay sau thảm họa, các tuyến đường cao tốc đều bị kẹt cứng. Mạng di dộng không sử dụng được trong khi nhiều cửa hàng tiện lợi và trạm xăng đều cạn kiệt hàng hóa.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nhiều lò phản ứng liên tục phát nổ, gây ra thảm họa vô hình vốn chỉ từng thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Xung quanh khu nhà máy, người dân vội vã bỏ chạy và bỏ lại hết nhà cửa, đồ đạc. Nông dân cũng bỏ lại đàn gia súc. Những con vật này sau đó đã chết khi vẫn bị nhốt trong chuồng.
Chính phủ Nhật bối rối trong khi người dân lo lắng về nguy cơ nhiễm phóng xạ hạt nhân từ không khí. Nhiều máy bay trực thăng được điều động đến hiện trường để làm mát các lò phản ứng.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nhiều lò phản ứng liên tục phát nổ. Ảnh: Getty. |
Trên truyền hình, các chuyên gia phân tích nguy cơ vô hình từ phóng xạ hạt nhân. Họ cảnh báo tai ương sẽ xảy đến dù con người không thể nhận ra.
Khi Nhật Bản đóng các lò phản ứng hạt nhân, nguồn cung cấp điện cũng không còn. Khu phố Shibuya ở thủ đô Tokyo bỗng trở nên tối tăm, khác hẳn sự náo nhiệt trong ngày thường. Cả thành phố dường như chững lại với sự im lặng chết chóc.
Lúc này, mọi người đều lo rằng phóng xạ hạt nhân sẽ lan rộng, biến thủ đô Tokyo thành nơi chết chóc. Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà ngay cả thủ tướng Nhật Bản lúc đó cũng phải thừa nhận.
Vài tuần sau ngày 11/3/2011, hàng trăm cơn dư chấn vẫn tiếp diễn. Sau khi trở về Tokyo từ Hiroshima, tôi thường xuyên cảm nhận được căn hộ ở tầng 30 của mình bị rung chuyển mạnh. Đến giữa mùa hè, tôi buộc phải chuyển đi nơi khác. Căn hộ mới của tôi nằm ở tầng hai.
Thành phố Ishinomaki
Tuần đầu tiên sau thảm họa, công việc của tôi là tường thuật lại những câu chuyện hàng ngày tại Tokyo. Tôi vừa phải cập nhật tin tức, vừa trao đổi với các quan chức Nhật Bản và Mỹ, đồng thời nỗ lực tìm hiểu thảm họa thiên nhiên này.
Cuối cùng, tôi cũng có cơ hội đi đến vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thành phố Ishinomaki. Tại đây, không còn khách sạn nào đang hoạt động nên tôi đến ở cùng một giáo sư đại học trong vùng.
Nhà của vị giáo sư nằm trên đỉnh đồi, vốn là mảnh đất hiếm hoi chưa bị phá hủy. Vị giáo sư, ông Koichi Ohtsu, cũng giúp tôi liên hệ với các cơ quan địa phương để đưa tin và viết bài. Khi phiên dịch trong các cuộc phỏng vấn, ông Ohtsu thường không cầm được nước mắt.
Sự hồi sinh kỳ diệu của thành phố Ishinomaki, Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Ông Ohtsu, khi ấy hơn 60 tuổi, sống cùng người mẹ mắc bệnh Alzheimer. Hàng ngày, ông chỉ vào tivi và nói với mẹ về tình hình nguy cấp của đất nước. Một đêm nọ, bản tin địa phương chiếu hình ảnh một ngôi trường đã biến thành đống đổ nát. Đây là trường học mà mẹ của ông Ohtsu từng giảng dạy.
“Nhìn kìa mẹ”, ông Ohtsu nói. "Đó là trường học của mẹ”.
Bà cụ sửng sốt: “Đó là một thảm họa khủng khiếp”.
Điều tôi cảm kích nhất là ông Ohtsu đã nhường cho tôi tấm chăn và chiếu để ngủ đêm. Trong khi đó, ông thường xuyên qua đêm trong văn phòng làm việc. Chúng tôi thường ăn thịt cá voi đóng hộp, cùng uống bia và chia sẻ những câu chuyện khi tôi tác nghiệp.
Lúc này, thành phố Ishinomaki chỉ còn lại bùn đất và sự chết chóc. Tôi liên tục hỏi ông Ohtsu: “Ông sẽ làm gì tiếp theo? Ông có định ở lại đây không?”. Vị giáo sư kiên quyết sẽ ở lại và tôi cũng không hiểu nổi quyết định này.
Trên thực tế, trường đại học của ông Ohtsu đối mắt với tương lai bất định và cả thành phố như biến thành nghĩa địa. Song ông Ohtsu liên tục nói rằng mình đã gặp may mắn khi sống sót.
Trong tuần qua, tôi đã liên hệ và trò chuyện với ông Ohtsu qua ứng dụng Zoom. Ông giờ đã 73 tuổi và đang sống một mình. Người mẹ của ông qua đời cách đây 7 năm. Hàng ngày, ông Ohtsu cố làm mình bận rộn bằng việc viết lách và tập thái cực quyền. Song đôi khi ông vẫn thấy cô đơn.
Trong lần trò chuyện thứ hai, ông Ohtsu chuẩn bị một bản thuyết trình PowerPoint dài 36 trang, gồm những bức ảnh chụp thành phố Ishinomaki sau 10 năm “hồi sinh”.
Tài liệu có các bản đồ, nhiều quang cảnh chụp từ trên cao. Tôi còn thấy một khu tưởng niệm và một nhà hàng Italy mới mở, có tên Trattoria del Centro. Sự hồi sinh của thành phố Ishinomaki thật kỳ diệu và hầu như khác biệt với phiên bản trước khi xảy ra thảm họa.
Giờ đây, Ishinomaki có vỉa hè rộng rãi, cây cối được cắt tỉa cẩn thận. Nhiều tòa nhà cao tầng màu xám được xây dựng để làm nơi cư trú cho hàng nghìn người mất nhà cửa.
Sau đó, ông Ohtsu kể với tôi về “bức tường”, một công trình khổng lồ nằm dọc theo bờ biển. Bức tường được thiết kế để ngăn chặn những cơn sóng thần trong tương lai. Song ông Ohtsu cho biết dự án này đang gây trang cãi. “Chúng tôi không thể nhìn thấy biển, trừ khi đứng ở trên đồi”, ông nói.
Sau thảm họa, dân số ở Ishinomaki cũng giảm đi đáng kể. Trong số 160.000 người dân, khoảng 3.200 người đã chết trong trận sóng thần, khoảng 10.000 người khác rời bỏ thành phố và không bao giờ trở lại.
Bên cạnh đó, có 418 người vẫn được xác định mất tích. 10 năm sau thảm họa, các nhân viên cứu hộ và cảnh sát vẫn dành một ngày trong tháng để rà soát các khu vực và tìm kiếm thi thể người mất tích.