Hình ảnh trong MV Vì mẹ anh bắt chia tay. Ảnh: NVCC. |
Năm 2021, bộ đôi Nguyễn Trần Trung Quân - Denis Đặng từng gây xôn xao khi thông báo đầu tư đến 10 tỷ đồng làm MV Nước chảy hoa trôi.
Để minh họa ca khúc, ê-kíp xây dựng kịch bản thành phim ngắn với bối cảnh cổ trang hoành tráng. Kết quả, MV hút hơn 8 triệu lượt xem sau hơn một năm phát hành.
Năm nay, ca sĩ VP Bá Vương - được biết đến qua chương trình The Heroes - cũng khiến khán giả bất ngờ khi tuyên bố dùng số tiền tương tự để thực hiện dự án Em đang ở đâu?.
Sau hơn 2 tuần ra mắt, MV chật vật vượt mốc 1 triệu lượt xem nhưng ca khúc hoàn toàn mất tích trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Thậm chí, đến nay nhiều người vẫn chưa biết VP Bá Vương ra sản phẩm mới.
Điều đó đặt ra câu hỏi việc bỏ 10 tỷ đồng làm MV liệu có thực sự mang lại hiệu quả tốt?
Số tiền không nói lên kết quả
So với mặt bằng chung, MV Em đang ở đâu? – Khánh Vũ đạo diễn - có ý tưởng khá mới mẻ khi lồng ghép yếu tố khoa học viễn tưởng (sci-fi), gợi nhớ MV Ngày tận thế (Tóc Tiên) hay MV Qua khung cửa sổ (Chillies).
VP Bá Vương là một trong số ít nghệ sĩ tuyên bố bỏ 10 tỷ đồng để thực hiện MV. Ảnh: NVCC. |
Ca khúc do VP Bá Vương sáng tác mô tả tâm sự của chàng trai vừa mất đi tình yêu. Anh chìm trong nỗi cô đơn đến mức tuyệt vọng, không biết tìm kiếm người thương ở đâu.
Minh họa ca khúc, Khánh Vũ đặt bối cảnh câu chuyện ở ngoài hành tinh.
Nhân vật chính (VP Bá Vương) đang ở trong tàu không gian thì phát hiện có phi hành gia gặp nạn. Sau khi mặc đồ vũ trụ (space suit) ra ngoài cứu đồng nghiệp, anh mới nhận ra đó là một chàng trai (Zino).
Khoảnh khắc nạn nhân tỉnh lại cũng là lúc con tàu gặp sự cố khiến chủ nhân bất ngờ ngất xỉu. Lúc này, vai trò của hai người được hoán đổi.
Các cảnh quay sau đó mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật. Họ đang vui vẻ bên nhau thì một cô gái (My Vũ) bỗng xuất hiện, từ đó vẽ nên cuộc tình nhuốm màu sắc bi kịch.
Tạm bỏ qua những điểm phi logic trong phần kịch bản, điểm khiến MV gây chú ý nằm ở phần kỹ xảo. Phần lớn kinh phí đổ dồn vào hiệu ứng CGI. Đồ họa vi tính đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo không gian ngoài hành tinh.
Đáng tiếc, ngoại trừ nội cảnh tàu không gian được dựng khá tốt thì các phân đoạn dùng CGI lại không thật, nhất là ngoại cảnh vũ trụ.
Ở những giây mở màn, ê-kíp đưa người xem ra khỏi Trái Đất, chứng kiến một tàu con thoi đang bay lượn giữa không gian. Nhưng con tàu lại trông khá giả, gợi nhớ các bộ phim hoạt hình thiếu nhi thập niên trước.
Kỷ xảo và các hiệu ứng trong MV được làm không thật, chưa xứng với số tiền 10 tỷ đồng. Ảnh: NVCC. |
Tương tự là các phân đoạn lấy bối cảnh vũ trụ làm nền. Người xem dễ dàng nhận ra các diễn viên đang đứng trước phông xanh.
Một số hiệu ứng được thực hiện sơ sài, làm giảm giá trị MV. Điển hình là cảnh cháy nổ, sấm sét ở cuối chẳng khác gì được cắt ghép từ loạt hiệu ứng có sẵn trong phần mềm vi tính.
Về cơ bản MV không đến nỗi tệ, nhưng khó thể chấp nhận nếu nói đây là sản phẩm ngốn đến 10 tỷ đồng - số tiền đủ để thực hiện một bộ phim điện ảnh.
Ca khúc vẫn là linh hồn
Dù đáng giá một tỷ đồng hay 10 tỷ đồng, MV cũng chưa phải là yếu tố quyết định giúp ca khúc trở thành hit.
Có thể lấy hai sản phẩm cùng ra mắt trong tháng 6 làm minh chứng: Vì mẹ anh bắt chia tay (Miu Lê) và Một ngàn nỗi đau (Văn Mai Hương). Cả hai đều được đầu tư lớn, do ê-kíp tên tuổi thực hiện nhưng kết quả lại khác nhau.
Để đánh dấu sự trở lại, Miu Lê chọn sáng tác của Châu Đăng Khoa và nhờ Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn. Ngay khi ra mắt, MV nhanh chóng được khán giả đón nhận, đứng đầu danh sách thịnh hành, hiện đạt hơn 63 triệu lượt xem sau hơn một tháng.
Trong khi đó, đứng sau Một ngàn nỗi đau là “hit-maker” Hứa Kim Tuyền và đạo diễn “triệu view” Kawaii Tuấn Anh. Dù quảng bá rầm rộ, MV vất vả vượt mốc 3 triệu lượt xem sau 10 ngày, hiện dừng ở mức khiêm tốn với hơn 5 triệu lượt xem.
Vì mẹ anh bắt chia tay là bản hit mới nhất của Miu Lê. Ảnh: NVCC. |
Xét về nội dung, hai ca khúc đều khai thác chọn chủ đề quen thuộc của Vpop, đó là cảm giác thất tình, nỗi đau trong tình yêu.
Tuy nhiên, sáng tác của Châu Đăng Khoa mới mẻ hơn khi đề cập đến chuyện phụ huynh “bắt chia tay”, lại có thêm đoạn rap của Karik hỗ trợ. Ca khúc của Hứa Kim Tuyền về cơ bản vẫn mang màu pop ballad, có phần cũ kỹ.
Trước nay, Đinh Hà Uyên Thư nổi tiếng với các MV có khung hình sặc sỡ, màu sắc sống động. Lần này, cô quyết định đi ngược với phong cách quen thuộc khi thực hiện Vì mẹ anh bắt chia tay.
Đạo diễn chọn hướng đi đơn giản, không xây dựng kịch bản có cốt truyện rõ ràng. Phần lớn các cảnh quay chỉ mang tính minh họa ca khúc.
Tông màu chủ đạo cũng không hề tươi sáng, hút mắt mà có phần hoài cổ. Nhiều phân đoạn tạo cảm giác cũ, gợi nhớ phong cách MV đầu thập niên 2010 như khi Miu Lê đứng hát giữa cầu thang hay ngồi trước gương.
Trái lại, Kawaii Tuấn Anh vẫn trung thành với phong cách quen thuộc khi tạo MV có câu chuyện để dẫn dắt âm nhạc. Đạo diễn tăng kịch tính bằng cách thêm thắt những tình tiết về người thứ ba hay yếu tố LGBT+.
Hướng đi này không mới, gợi nhớ MV Có như không có của Hiền Hồ. Ngay cả Văn Mai Hương cũng từng sử dụng công thức tương tự khi thực hiện MV Nghe nói anh sắp kết hôn (hát chung với Bùi Anh Tuấn).
MV Một ngàn nỗi đau của Văn Mai Hương không được đón nhận nồng nhiệt vì nội dung quen thuộc, ý tưởng thiếu mới lạ. Ảnh: NVCC. |
Khó có thể nói sáng tác của Hứa Kim Tuyền tệ hay MV của Kawaii Tuấn Anh dở. Nhưng xét về độ bắt tai, Vì mẹ anh bắt chia tay hoàn toàn đánh bật Một ngàn nỗi đau. Đến mức, ca khúc dễ dàng bám vào tâm trí người nghe ngay từ những giây đầu.
Thành tích của Miu Lê cho thấy bất kỳ MV nào cũng khó đạt hiệu quả cao nếu thiếu một ca khúc hay. Đôi lúc sáng tác có thể che lấp khuyết điểm trong MV, từ đó chiếm trọn tình cảm khán giả.
Chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố
Đáng chú ý, năm 2009 Miu Lê từng chia sẻ với Zing về số tiền đầu tư MV.
Tổng thiệt hại cô bỏ ra là hơn một tỷ đồng cho hai MV Giá như cô ấy chưa xuất hiện và Còn thương thì không để em khóc, trong đó MV đầu ngốn tầm 800 triệu đồng.
Xét về quy mô, Vì mẹ anh bắt chia tay có chút thua thiệt so với hai sản phẩm tiền nhiệm nhưng kết quả lại vượt trội.
Song, điều này không có nghĩa việc đổ tiền vào MV là vô bổ. Gần đây Vpop xuất hiện nhiều MV được đầu tư hoành tráng, mang lại hiệu quả thị giác cao và được công chúng đón nhận.
Một trong những cái tên chịu chơi, sẵn sàng bỏ tiền tỷ để thực hiện MV là Hoàng Thùy Linh.
Loạt ba MV Gieo quẻ, See tình và Đánh đố của nữ ca sĩ sinh năm 1988 đều ấn tượng về phần nghe lẫn phần nhìn. Phản hồi của khán giả cũng tốt.
Đặc biệt, See tình và Đánh đố được xây dựng theo hình thức MV Visualizer.
Ê-kíp tìm cách kết hợp các góc máy thực tế tại trường quay với phần kỹ xảo dựng bằng đồ họa vi tính. Kết quả, các hiệu ứng chuyển động, bối cảnh đan xen thật - ảo đều hiện lên mượt mà.
Hoàng Thùy Linh là người luôn biết tận dụng MV để làm nổi bật ca khúc. Ảnh: NVCC. |
Một số nghệ sĩ trẻ chưa đủ tiềm lực để đầu tư tiền tỷ lại chọn cách sáng tạo ý tưởng. Đơn cử là Wren Evans, thực hiện MV Cơn đau với cách thức khá truyền thống.
Ê-kíp không xây dựng cốt truyện rõ ràng, chỉ đan xen cảnh thật với bối cảnh dựng tại trường quay. Thế nhưng, MV vẫn cuốn hút và lạ mắt nhờ phần trang phục, ý tưởng sản xuất và đặc biệt là ca khúc do Wren Evans tự sáng tác.
Sau một tuần phát hành, MV đạt hơn một triệu lượt xem. Thành tích không quá nổi trội nhưng là sự khích lệ cần có với một nghệ sĩ Gen Z, chưa kể anh còn phải cạnh tranh với loạt sản phẩm cùng ra mắt là Một cọng tóc mai (Tóc Tiên), Chạy khỏi thế giới này (DALAB, Phương Ly), Bắt cóc con tim (Lou Hoàng).
Để đánh dấu thành tích, Wren Evans tung ra “phiên bản 1 triệu” – ám chỉ MV chỉ được thực hiện với kinh phí chỉ một triệu đồng.
Nước cờ này chắc hẳn không nhằm mục đích “đá đểu” VP Bá Vương, nhưng cho thấy nghệ sĩ không nhất thiết phải bỏ nhiều tiền làm MV. Hay gần đây Linh Cáo - chủ nhân bản hit Đưa nhau đi trốn cũng trở lại sau 4 năm ở ẩn với MV Anh ơi có biết, phần nhạc được sản xuất bởi Hoaprox. MV cũng được thực hiện đơn giản, không tốn kém để khán giả tập trung vào phần âm nhạc, sau vài ngày ra mắt, MV đã đạt 1 triệu lượt xem.
Cuối cùng, số tiền 1 triệu đồng hay 10 tỷ đồng vẫn không phải là thước đo để đánh giá chất lượng sản phẩm.