Trong gần 5 tháng qua, kể từ khi bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối tháng 12/2019, dịch virus corona đã lan đến 185 quốc gia và vùng lãnh thổ với 2.019.320 ca nhiễm được ghi nhận, theo thống kê ngày 14/4 của Đại học Johns Hopkins.
Tổng số ca tử vong trên toàn thế giới đã lên đến 119.483 trường hợp. Mỹ là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới với hơn 680.000 bệnh nhân và số ca tử vong đã vượt mốc 23.000 người, theo Reuters.
Bệnh nhân nghi nhiễm virus corona được chuyển đến bệnh viện Mount Sinai tại Manhattan, New York, ngày 13/4. Ảnh: Reuters. |
Trước những tín hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua, nhiều bang tại Mỹ và một số nước châu Âu đang lên kế hoạch mở cửa trở lại, khôi phục các hoạt động kinh tế và nới lỏng những biện pháp giãn cách xã hội.
Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp phong tỏa ứng phó Covid-19 đến ngày 11/5. Ông nhấn mạnh tình hình dịch bệnh có tiến triển khả quan nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.
Dịch bệnh tại Nga đang diễn biến ngày một phức tạp với số ca nhiễm đã vượt mốc 18.000 trường hợp và 148 ca tử vong. Tổng thống Vladimir Putin đang cân nhắc huy động quân đội hỗ trợ ứng phó Covid-19. Ông cảnh báo tình hình lây nhiễm sẽ tiếp tục xấu đi. Moscow và một số địa phương khác tại Nga đã ban bố lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trừ những nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm, y tế hoặc có việc làm công thể nghỉ.
Trong cuộc họp báo ngày 13/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Covid-19 gây tử vong gấp 10 lần bệnh do chủng cúm lợn (H1N1) gây ra vào năm 2009.
Cách duy nhất để thực sự chặn đứng dịch bệnh lây lan là phát triển vắc-xin. Một số nghiên cứu thời gian qua cho thấy sớm nhất là đầu năm 2021 các nhà khoa học mới phát triển thành công những vắc-xin đầu tiên chống virus corona.