- Ca nhiễm trên toàn cầu vượt 800.000
- Tây Ban Nha tăng kỷ lục 849 ca tử vong, tổng số người chết là 8.189
- Nga tăng 500 ca nhiễm mới
- Tokyo tăng 78 ca, mức tăng cao nhất trong một ngày
Ca nhiễm trên toàn cầu vượt 800.000
Theo thống kê của Worldometers, số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt 800.000 tính tới chiều tối ngày 31/3. Số người tử vong vì Covid-19 đã lên tới hơn 38.700 trường hợp.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 với hơn 164.000 trường hợp.
Số người được phát hiện dương tính với virus corona của Mỹ bùng nổ trong những ngày qua, sau khi nhà chức trách tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 3.173 trường hợp.
Châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Italy là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất lục địa già và đứng thứ hai thế giới với hơn 101.000 ca.
Italy cũng là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với 11.591 trường hợp, chiếm hơn 30% số ca tử vong toàn cầu. Ngoài Italy, Tây Ban Nha và Đức là hai quốc gia châu Âu khác có số ca nhiễm Covid-19 trên 50.000.
Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 bùng phát, được cho là đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Số ca nhiễm mới virus corona trong nhiều ngày qua duy trì ở mức hai con số, chủ yếu liên quan tới người nhập cảnh từ nước ngoài.
Tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có 81.518 người nhiễm Covid-19, trong đó 3.305 ca tử vong.
Nga tăng 500 ca nhiễm mới trong một ngày
Nga hôm 31/3 ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới ngày thứ bảy liên tiếp, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên tới 2.337. Số ca nhiễm mới công bố lên tới 500, đánh dấu số ca tăng lên trong ngày lớn chưa từng thấy, theo Reuters.
Nga tới nay ghi nhận 18 ca tử vong vì virus corona, và 121 trường hợp đã hồi phục.
Ngày 31/3, Nga đã mở rộng các lệnh phong tỏa, đồng thời Quốc hội nước này gấp rút thông qua dự luật để nghiêm trị các vi phạm quy định cách ly hay phát tán thông tin sai lệch.
Trong 85 vùng của đất nước có diện tích đất liền lớn nhất thế giới, hơn 40 vùng đã ra lệnh phong tỏa, bao gồm những nơi xa xôi nhất như giáp Trung Quốc ở viễn đông. Trước đó, thủ đô Moscow đã ra lệnh cho người dân ở nhà vào ngày 30/3.
Số ca nhiễm mới tại Nga liên tục tăng kỷ lục trong bảy ngày liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 786.000 người nhiễm bệnh và gần 38.000 người tử vong.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu khi số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng nhanh.
Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 164.000 ca nhiễm, trong khi Italy ghi nhận số ca tử vong lớn nhất với hơn 11.500 trường hợp.
Tàu bệnh viện USNS Comfort vào cảng New York giữa đại dịch Covid-19 hôm 30/3. Ảnh: Reuters. |
Philippines tăng kỷ lục ca tử vong và ca nhiễm mới
Philippines ngày 31/3 ghi nhận số ca nhiễm, ca tử vong mới trong ngày ở mức cao nhất, sau khi đẩy mạnh xét nghiệm bằng hàng nghìn bộ xét nghiệm mới nhập về và mở thêm các phòng lab mới.
Số ca tử vong tăng thêm 10, lên 88, trong khi tổng số ca nhiễm tăng thêm 538 lên 2.084, quan chức Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết.
Bộ này đã mở các phòng lab mới và xét nghiệm hơn 15.000 lượt, tăng 5 lần so với khoảng 3.000 lượt tính đến tuần trước, bà Vergeire nói, và cho biết đang xin chính phủ chấp thuận cho phép bệnh viện làm trung tâm xét nghiệm.
Số ca nhiễm mới phát hiện khiến Philippines trở thành nước đứng thứ hai Đông Nam Á về số ca.
Trong các nước Đông Nam Á, đứng đầu về số ca nhiễm là Malaysia với 2.766 ca. Đứng thứ 2 là Philippines với 2.084 ca, kế đến là Thái Lan với 1.651 ca, Indonesia (1.528), Singapore (879), theo thống kê tính đến cuối giờ chiều 31/3 của trang Worldometers.
Indonesia và Philippines hiện có nhiều ca tử vong hơn hẳn (lần lượt 136 và 88 ca), trong khi Thái Lan có 10 ca tử vong, Singapore có 3. Việt Nam có 207 ca nhiễm, chưa có ca tử vong (tính đến 31/3).
Iran thêm 141 ca tử vong, 3.111 ca nhiễm mới
Số người chết ở Iran vì Covid-19 lên tới 2.898, với 141 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, theo Bộ Y tế nước này.
Số ca nhiễm tăng lên 44.606, với 3.111 ca mới.
“Không may là 3.703 ca trong số những người nhiễm bệnh đang trong tình trạng nguy kịch”, Bộ trưởng Y tế Kianush Jahanpur cho biết hôm 31/3.
Iran đã cấm đi lại giữa các thành phố và cảnh báo khả năng số ca nhiễm tăng mạnh vì nhiều người Iran không tuân thủ lời kêu gọi ở nhà, và vẫn đi lại trong dịp Tết Ba Tư bắt đầu từ ngày 20/3, theo Reuters.
Dù nằm trong số những nước top đầu thế giới về số ca nhiễm, chính phủ vẫn chưa ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn. Tổng thống Hassan Rouhani đã kêu gọi người dân tránh nơi công cộng.
Tokyo tăng kỷ lục ca nhiễm mới
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận 78 ca nhiễm virus corona mới trong ngày 31/3 - mức tăng cao nhất trong một ngày, giữa lúc Thủ tướng Shinzo Abe chịu sức ép ngày càng tăng về việc ra lệnh phong tỏa.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nói Nhật Bản chưa đến mức cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng tình thế đang bấp bênh.
“Chỉ cần lơ là một chút là số ca sẽ tăng vọt”, ông nói với báo giới. Các ca bệnh mới nâng tổng số ca tại thủ đô Tokyo lên trên 500, còn trên toàn quốc là trên 2.000.
Với việc xét nghiệm vẫn ở mức cầm chừng, đang có những hoài nghi ở Tokyo về mức độ lây lan thực sự của virus, theo Reuters.
Một khảo sát qua ứng dụng nhắn tin trên 64.000 người ở Tokyo và vùng lân cận cho thấy 7,1% trong số đó có ít nhất một triệu chứng virus, như sốt cao hoặc ho nặng, giữa các ngày 27-30/3.
Bản thân triệu chứng như vậy không chứng minh được ca nhiễm Covid-19, nhưng con số 4.500 người có triệu chứng cao hơn nhiều so với số ca nhiễm 443 vào ngày 30/3, dẫn đến những ý kiến hoài nghi.
Tây Ban Nha tăng kỷ lục 849 ca tử vong
Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày ở mức kỷ lục vào từ ngày 30/3 sang ngày 31/3, với 849 ca.
Tổng số ca nhiễm ở Tây Ban Nha đang là trên 94.000, tăng mạnh so với trên 85.000 của ngày 30/3, và tổng số người chết là 8.189.
Sau khi lần đầu tiên vượt Trung Quốc về số ca tử vong hôm 25/3, con số này tại Tây Ban Nha không ngừng tăng nhanh, tới nay đã hơn gấp đôi Trung Quốc - hiện ghi nhận 3.304 ca tử vong.
Số ca tử vong công bố hôm 31/3 tăng kỷ lục, diễn ra chỉ một ngày sau khi con số này giảm nhẹ, đem lại chút hy vọng rằng dịch bệnh có thể đang đạt đỉnh ở Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ hai thế giới sau Italy về số thương vong, theo AFP.
Tây Ban Nha hôm 31/3 đã cấm các hoạt động tang lễ, bao gồm tổ chức đọc kinh cầu nguyện tại nhà, yêu cầu không quá 3 người có mặt khi mai táng hoặc hỏa táng.
Theo tuyên bố, "các hoạt động tôn giáo và tang lễ bị hoãn cho đến khi cảnh báo kết thúc", tức ít nhất là đến ngày 11/4, đồng thời người dân được yêu cầu tiếp tục ở trong nhà. Công chúng cũng được yêu cầu thực hiện biện pháp "hạn chế tiếp xúc", giữ khoảng cách từ 1 đến 2 m.
Thêm 114 ca nhiễm ở Indonesia
Indonesia ghi nhận 114 ca nhiễm mới và 14 ca tử vong mới vào ngày 31/3, một quan chức Bộ Y tế nước này cho biết.
Như vậy, Indonesia có tổng cộng 1.528 ca nhiễm và 136 ca tử vong. Nhưng nhiều quan chức và chuyên gia tin rằng sự thiếu hụt trong xét nghiệm có thể khiến số ca nhiễm thấp hơn thực tế.
Indonesia dự kiến thả sớm 30.000 tù nhân để tránh virus corona lây lan trong hệ thống nhà tù quá tải. Tài liệu của chính phủ mà Reuters tiếp cận được cho thấy các tù nhân người lớn sẽ được đặc xá nếu đã hết 2/3 án tù, trong khi tù nhân vị thành niên được đặc xá nếu hoàn thành nửa án tù.
Dữ liệu chính thức cho thấy Indonesia có 270.386 tù nhân, gấp đôi sức chứa của các nhà tù. Cuộc chiến chống ma túy đã khiến số tù nhân tăng cao tại các nhà tù quá tải, thiếu điều kiện vệ sinh, dễ lây bệnh.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 31/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về y tế cộng đồng, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Widodo cũng công bố thêm khoản tiền 24,9 tỷ USD sẽ được chi để giúp giảm nhẹ thiệt hại từ dịch bệnh, cho phép “giới chức tài chính quyền hạn lớn để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cứu trợ nền kinh tế và hệ thống tài chính”.