Các quan chức ở Bờ Tây nước Mỹ ghi nhận ba trường hợp nhiễm virus corona chủng mới nhưng không giải thích được nguyên nhân, làm dấy lên mối lo ngại dịch Covid-19 có thể lây lan trong cộng đồng.
Ba bệnh nhân - ở California, Oregon và Tiểu bang Washington - không có mối liên hệ nào với các quốc gia đang bùng phát dịch Covid-19, theo BBC. Tổng cộng 59 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận tại Mỹ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong khi đó, Hàn Quốc, nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc, hôm 29/2 đã phải huy động quân đội hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Các binh sĩ đang tiến hành khử trùng rộng khắp thành phố Daegu, tâm điểm bùng phát dịch Covid-19. Hôm 29/2, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, hiện ở mức hơn 3.150 trường hợp và 17 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang khi đến khu phố người Hoa tại San Francisco, Mỹ, hôm 26/2. Ảnh: Reuters. |
Những ca bệnh bí ẩn tại Mỹ
Hôm 28/2, các quan chức y tế tại hạt Santa Clara của bang California cho biết một phụ nữ lớn tuổi đã được chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Người này được cho chưa từng đến các quốc gia có dịch bệnh thời gian gần đây và cũng không tiếp xúc với bệnh nhân nào.
"Trường hợp mới này chỉ ra rằng có bằng chứng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nhưng mức độ vẫn chưa rõ ràng", tiến sĩ Sara Cody, giám đốc Sở Y tế Công hạt Santa Clara, cho biết. Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng có nghĩa một người có thể bị nhiễm bệnh từ một cá nhân không xác định trong cộng đồng người đó sinh sống.
Các quan chức y tế bang Oregon cho biết một nhân viên tại trường học ở hạt Clackamas có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tại tiểu bang Washington, các nhà chức trách xác nhận một trường hợp nhiễm bệnh là học sinh trung học ở hạt Snohomish.
Không ai trong số hai trường hợp nói trên có bất kỳ liên hệ nào với người nhiễm Covid-19 hoặc từng đi đến các khu vực có dịch.
Những trường hợp này khiến tổng số ca nhiễm Covid-19 một cách bí ẩn lên 4. Trường hợp đầu tiên được xác nhận là ở California hôm 25/2.
Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Đảng Dân chủ đã chỉ trích phản ứng của Tổng thống Donald Trump đối với sự bùng phát dịch bệnh, cho rằng ông đã tranh cãi với các quan chức y tế và cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19.
Hôm 28/2, ông Trump đáp trả đảng Dân chủ, cáo buộc họ chính trị hóa dịch bệnh. "Đây là trò lừa bịp mới của họ", ông nói trong cuộc vận động tranh cử ở South Carolina.
Tổng thống Mỹ cáo buộc đảng Dân chủ ủng hộ chính sách biên giới mở và nói rằng đây là mối đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe và phúc lợi của tất cả người Mỹ.
Trong khi đó, hôm 28/2, WHO đã nâng đánh giá nguy cơ lây lan và hệ quả của Covid-19 lên mức rất cao đối với toàn cầu. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết vẫn có cơ hội ngăn chặn Covid-19 nếu chuỗi lây lan của dịch bệnh này bị phá vỡ.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO cũng nhấn mạnh rằng cần phải vượt qua những thách thức lớn trước mắt là nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch.
Bùng phát tại Hàn Quốc
Dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc có liên quan mật thiết đến giáo phái Tân Thiên Địa.
Các nhà chức trách tin rằng tín đồ của giáo phái này đã lây bệnh cho nhau khi tham gia nhiều nghi lễ ở tâm dịch Daegu và sau đó lan ra khắp đất nước.
Tín đồ đạo Tin Lành đeo khẩu trang cầu nguyện tại nhà thờ hôm 21/2. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức y tế Hàn Quốc tin rằng một tín đồ Tân Thiên Địa 61 tuổi là người đầu tiên bị nhiễm bệnh. Bệnh nhân nữ ban đầu từ chối đến bệnh viện để xét nghiệm. Trước khi có kết quả dương tính với Covid-19, người này đã tham dự nhiều buổi họp mặt tại nhà thờ.
Hôm 28/2, con số 813 ca nhiễm mới được ghi nhận tại Hàn Quốc đã cao gần gấp đôi so với mức tăng 427 ca nhiễm mới được Trung Quốc báo cáo sáng cùng ngày.
Ngày 29/2 tiếp tục đánh dấu số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao kỷ lục kể từ khi Hàn Quốc xác nhận bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên hôm 20/1.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu các quan chức không ngăn chặn được dịch bệnh ở nước này.
Ông Kim Jong Un chỉ huy cuộc tập trận hôm 28/2. Nhiều quan chức Triều Tiên đứng xung quanh đều đeo khẩu trang. Ảnh: KCNA. |
Lan ra khắp các châu lục
Cho tới nay, hơn 50 quốc gia đã xác nhận có trường hợp nhiễm Covid-19, với hơn 83.650 bệnh nhân trên khắp thế giới. Phần lớn trong số đó là tại Trung Quốc. Tính đến hết ngày 28/2, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên tới 79.251, với 2.835 trường hợp tử vong.
Tại khu vực Trung Đông, Iran hôm 29/2 cho biết số ca bệnh tại nước này lên tới 593 và 43 bệnh nhân đã tử vong. Nước Cộng hòa Hồi giáo là nơi có số ca tử vong nhiều nhất ngoài Trung Quốc.
Một số quan chức cấp cao Iran, bao gồm một quận trưởng, thứ trưởng Bộ Y tế và 5 nhà lập pháp, đã có kết quả dương tính với virus corona.
Trong khi đó, cả 38 trường hợp nhiễm bệnh tại Bahrain được cho đều bắt nguồn từ Iran. Sáng 29/2 , Bahrain đe dọa truy tố pháp lý đối với những du khách đến từ Iran nhiễm virus corona chủng mới. Theo quan chức Bahrain, chỉ 310 trong số 2.292 người đến từ Iran đã được xét nghiệm Covid-19.
Dịch Covid-19 đã lan tới châu Âu với Italy là tâm dịch mới. Ảnh: Reuters. |
Tại châu Âu, năm trận bóng đá tại Italy đã bị hoãn tổ chức, bao gồm trận đấu của Juventus với đối thủ AC Milan. Italy hiện trở thành ổ dịch Covid-19 mới tại châu lục này.
Đầu tuần này, Pháp xác nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong mà không có bất kỳ liên hệ nào tới khu vực có dịch bệnh. Hôm 28/2, Anh có ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid-19.
Trước lo ngại của WHO về hệ thống y tế yếu kém của châu Phi, chính quyền Nigeria hôm 28/2 tuyên bố trường hợp nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên tại nước này, cũng là ca bệnh đầu tiên ở vùng hạ Sahara, phía nam châu Phi.
Trước Nigeria, các nước Bắc Phi bao gồm Ai Cập và Algeria đã tuyên bố có ca nhiễm virus corona chủng mới.