Công tố viên đặc biệt Jack Smith tung ra bản cáo trạng mới đã điều chỉnh, nêu bật tư cách công dân bình thường của ông Trump khi có hành vi bị nghi phạm tội. Ảnh: New York Times. |
Với việc tung ra bản cáo trạng mới để cứu vãn vụ án của mình, công tố viên đặc biệt Jack Smith ngầm thể hiện quyết tâm đưa cựu tổng thống ra trước công lý, kể cả khi tòa án gần như chắc chắn sẽ không thể đưa vụ việc ra xét xử trước ngày bỏ phiếu bầu cử Mỹ trong tháng 11.
"Về cơ bản, đây là cách ông Jack Smith nói rằng 'Tôi vẫn nắm chắc việc này trong tay", cựu Phó giám đốc FBI Andrew McCabe, nhà bình luận pháp lý và an ninh quốc gia của CNN, đưa ra nhận định sau khi ông Smith đệ trình bản cáo trạng đã sửa đổi vào ngày 27/8.
Diễn biến mới cũng tiếp tục nêu bật khoản lợi ích to lớn mà ông Trump sẽ nhận được nếu đắc cử tổng thống: Không những ông được trở lại chức vụ cao nhất của nước Mỹ mà còn có thẩm quyền vô hiệu hóa vụ án của ông Smith và các vụ án khác.
"Cuộc bầu cử năm nay rất quan trọng", cựu công tố viên liên bang Ankush Khardori nói với CNN. “Vụ án này đang lâm nguy vì nếu ông Trump thắng, nó sẽ tan biến. Nếu ông Trump thua bà Harris, vụ án này sẽ đi tới một kết luận nào đó".
Cáo trạng mới có nội dung gì?
Các dữ kiện và bằng chứng mà ông Smith nêu ra trong bản cáo trạng không thay đổi, vẫn cáo buộc ông Trump có âm mưu lừa đảo cơ quan kiểm phiếu, phá hoại, cản trở quá trình chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Cáo trạng còn cho rằng ông Trump đã lập mưu xâm phạm quyền cơ bản của công dân Mỹ là bỏ phiếu.
Nhưng để tuân thủ phán quyết của Tòa Tối cao, ông Smith đã loại bỏ những câu chữ quy kết ông Trump có hành vi sử dụng Bộ Tư pháp để tuyên truyền cáo buộc gian lận bầu cử sai sự thật của mình. Thay vào đó, ông Smith đổi cách diễn đạt để thể hiện hành vi của ông Trump là của một "ứng viên đang tranh cử" chứ không phải của một vị tổng thống đang thi hành công vụ.
Dù vậy, ông Smith vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Thẩm phán thụ lý vụ việc, bà Tanya Chutkan, hiện sẽ phải diễn giải phán quyết của Tòa Tối cao để xác định xem những bằng chứng nào được phép đưa vào hồ sơ. Trong quá trình ấy, đội ngũ luật sư của cựu Tổng thống chắc chắn sẽ tận dụng triệt để quyền kháng cáo nhằm trì hoãn tối đa tiến trình vụ án.
Công tố viên đặc biệt Jack Smith. Nếu đắc cử, ông Trump có quyền bãi nhiệm ông Smith và khép lại 2 vụ án liên bang do đối phương quản lý. Ảnh: New York Times. |
Tác động tức thời tới chiến dịch Trump
Động thái mới nhất của ông Smith ngay lập tức đã mở ra một khía cạnh khác trong cuộc đối đầu giữa vị cựu tổng thống với ứng viên đảng Dân chủ, bà Kamala Harris. Một lần nữa, vấn đề trách nhiệm hình sự của ông Trump tiếp tục chiếm trọn tâm trí cử tri, sau khi hàng loạt rắc rối pháp lý của cựu tổng thống tưởng chừng đã phai nhạt.
Dù vụ án không có khả năng được đưa ra xét xử trước ngày bỏ phiếu, chỉ cần ông Smith có động thái cố gắng tổ chức lấy lời khai thì đều có thể tạo ra làn sóng truyền thông xoáy sâu vào các tội danh mà ông Trump bị cáo buộc thực hiện.
Với hầu hết ứng viên khác, việc bị truy tố giữa đường tranh cử tổng thống sẽ là vết nhơ không thể gột sạch. Nhưng ông Trump đã tận dụng chính chuyện đó để nạp thêm năng lượng cho chiến dịch tranh cử của mình, đặc biệt là trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã phải chật vật tìm cách thúc đẩy chiến dịch tranh cử của mình trước ứng viên mới của đảng Dân chủ. Những rắc rối pháp lý của cựu Tổng thống vốn cũng không phải là trọng tâm của đường đua vào Nhà Trắng trong thời gian qua. Nhưng ngay sau khi ông Smith tung ra các cáo buộc mới, phản xạ có điều kiện của ông Trump dường như lập tức được kích hoạt.
Ông Trump tiếp tục nói về chuyện mình là nạn nhân của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời ông Biden. Cựu tổng thống cáo buộc ông Smith vì tuyệt vọng nên đã cố gắng "hồi sinh cuộc săn phù thủy ‘đã chết’”. Ông cũng cho rằng bản cáo trạng được điều chỉnh là hành động can thiệp bầu cử để đánh lạc hướng người dân Mỹ khỏi "những thảm họa mà Kamala Harris đã gây ra cho Đất nước ta".
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ gặp phải những thách thức mới khi tâm điểm chú ý đổ dồn vào những rắc rối pháp lý của ông Trump. Ảnh: New York Times. |
Thách thức mới cho bà Harris
Bà Harris cũng sẽ gặp phải những thách thức mới khi tâm điểm chú ý đổ dồn vào những rắc rối pháp lý của ông Trump.
Trước đó, trong những tuần tranh cử đầu tiên, phó tổng thống thường chỉ tập trung nói về nỗi đau của người Mỹ trước tình cảnh vật giá tăng cao để vô hiệu hóa một điểm yếu của mình, đồng thời tìm cách thể hiện mình là ứng viên đại diện cho thế hệ mới.
Khác với ông Biden, phó tổng thống Mỹ không “lên gân” khẳng định chiến dịch tranh cử của bà là trận chiến giành lại linh hồn quốc gia. Nhưng hồi tuần trước, bà cũng đã đề cập đến rắc rối pháp lý của ông Trump, chỉ trích ông là "người thiếu nghiêm túc” sẽ gây ra hậu quả "cực kỳ nghiêm trọng" nếu trở lại Nhà Trắng.
Bản cáo trạng mới nhất nhắm vào ông Trump sẽ giúp bà Harris càng có thêm cơ sở để lập luận rằng người Mỹ đang có "cơ hội quý giá nhưng ngắn ngủi" nếu họ muốn bỏ lại sau lưng những năm tháng hỗn loạn của ông Trump và hướng tới một tương lai lạc quan hơn.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng cần cẩn thận trong lúc phát đi thông điệp gửi tới một bộ phận cử tri ôn hòa còn đắn đo chưa quyết, vì nhóm này có thể cho rằng bản cáo trạng mới là bước đi quá đáng.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Tri Thức - Znews giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.