Máy bay của Qatar Airways chở đội tuyển quốc gia Mỹ tham dự World Cup, hạ cánh tại sân bay quốc tế Hamad ở Doha, Qatar hôm 10/11. Ảnh: AP. |
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hôm 10/11 cho biết người hâm mộ bóng đá Israel và Palestine có thể đến Doha trên những chuyến bay chung, khởi hành từ sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel. Những người Palestine được phép đi trên các chuyến bay này bao gồm các cư dân và nhân viên truyền thông từ Bờ Tây và Dải Gaza do Hamas quản lý, theo AP.
Các quan chức Israel không cung cấp thông tin chi tiết về việc có bao nhiêu chuyến bay sẽ thực hiện hoặc bao nhiêu người Palestine sẽ được phép đi đến Qatar thông qua sân bay Ben Gurion.
Công dân Israel thông thường cũng không thể bay thẳng đến Doha hoặc nhập cảnh Qatar bằng hộ chiếu Israel.
Quan hệ giữa hai nước đã đi xuống kể từ khi Doha đóng cửa một văn phòng thương mại của Israel vào năm 2008. Dù vậy, ngay cả khi không có quan hệ ngoại giao, Qatar vẫn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và các nhà cầm quyền Hamas ở Dải Gaza trong các vòng xung đột.
Washington hoan nghênh bước đi này, cho rằng nó sẽ “mang lại lợi ích cho những người hâm mộ bóng đá Israel và Palestine và là một bước mở rộng quyền tự do đi lại cho mọi người”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Mỹ chúc mừng FIFA, Israel và Qatar về bước đi lịch sử khi mở các chuyến bay thẳng giữa Tel Aviv và Doha trong suốt thời gian diễn ra World Cup. Thông báo này là một bước phát triển lịch sử và là một bước tiến quan trọng, hứa hẹn thúc đẩy giao lưu nhân dân và quan hệ kinh tế các bên”.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên cũng có thể bị dỡ bỏ.
Chính phủ Qatar cho biết đã thông báo với phía Israel rằng "bất kỳ leo thang nào ở Jerusalem, Gaza hoặc Bờ Tây trong thời gian này sẽ có thể dẫn đến hủy bỏ thỏa thuận - bao gồm cả các chuyến bay thẳng”.
Nguồn tin cho biết hơn 8.000 người Palestine và 3.800 người Israel đã mua vé để theo dõi các trận đấu của World Cup, diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 18/12, theo CNN.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...