Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc khuất của World Cup ở Qatar

Một báo cáo cho thấy công nhân nhập cư xây dựng các sân vận động World Cup ở Qatar phải đối mặt với điều kiện lao động tồi tệ, trong đó có việc bị bóc lột và không được trả lương.

Các công nhân nhập cư xây dựng các sân vận động phục vụ World Cup ở Qatar đã phải chịu đựng "các hành vi vi phạm quyền lao động phổ biến và dai dẳng", theo một báo cáo mới của tổ chức nhân quyền Equidem. Điều đó bao gồm sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch và cách thức tuyển dụng bất hợp pháp, Guardian đưa tin.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người lao động còn không được trả lương.

Trong khi báo cáo cũng ghi lại một số mặt tốt, chẳng hạn "các kênh thích hợp để báo cáo những lo ngại về điều kiện làm việc", những biện pháp an toàn thỏa đáng,... phát hiện của Equidem kết luận các công nhân sân vận động đã không có môi trường làm việc tốt ở Qatar.

Điều kiện lao động tồi tệ

Một công ty Qatar cũng bị cáo buộc thực thi một số "điều kiện tồi tệ nhất" đối với công nhân nhập cư xây dựng sân vận động World Cup và che giấu điều đó với các thanh tra của cơ quan quản lý bóng đá, ABC đưa tin.

Bên cạnh đó, họ cho biết nhiều lao động trong báo cáo đã phải đối mặt với sự bóc lột nghiêm trọng và bị buộc phải làm việc trong một nền văn hóa của sự sợ hãi.

Họ phải đối mặt với sự phân biệt dựa trên quốc tịch và bạo lực tại nơi làm việc, bao gồm cả “lạm dụng thể chất, lời nói và tinh thần".

World Cup 2022 anh 1

Các công nhân làm việc tại sân vận động Lusail, nơi tổ chức trận chung kết World Cup 2022. Ảnh: Reuters.

Viện dẫn lời một công nhân người Nepal làm việc tại sân vận động Lusail, Equidem cũng cáo buộc rằng các công ty làm việc trong lĩnh vực xây dựng sân vận động đã “chủ động trốn tránh các cuộc kiểm tra”.

Người này cho biết công nhân đã được đưa trở lại nơi ở trước chuyến thăm của FIFA (Liên đoàn Bóng đá Thế giới).

“Công nhân bắt đầu trốn để có cơ hội khiếu nại với FIFA. Sau đó, công ty này bắt đầu kiểm tra xem có ai còn ở công trường hay không. Nếu ai đó bị phát hiện khi trốn, họ sẽ bị đưa về nhà hoặc bị trừ lương”, công nhân này nói.

Ngoài ra, trong báo cáo, các công nhân cũng có thể không được trả lương, tiền làm thêm giờ hay được trả lương thấp hơn cam kết.

“Tôi không được trả tiền khi làm thêm giờ. Tôi phải làm việc từ 6h sáng đến 18h suốt 7 ngày trong tuần”, một công nhân Bangladesh làm việc tại một số sân vận động ở Qatar cho biết.

"FIFA không thể nhắm mắt làm ngơ"

Năm 2014, ủy ban tổ chức World Cup địa phương đã thiết lập một bộ "tiêu chuẩn phúc lợi cho người lao động" để bảo vệ họ trong các dự án của mình, bao gồm chỗ ở tốt hơn, cơ chế khiếu nại và kế hoạch hoàn trả phí tuyển dụng.

Trong 12 năm kể từ khi Qatar đăng cai World Cup, nhiều tổ chức thế giới đã lên án cách chủ nhà đối xử với người lao động. Những năm gần đây, chính quyền Qatar cũng đã đưa ra một số cải cách lao động, trong đó có việc đưa ra mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, báo cáo của Equidem cho thấy có những thiếu sót đáng kể trong việc thực hiện các biện pháp này.

"Thực tế là tình trạng lạm dụng lao động phổ biến như vậy vẫn tồn tại trên các công trường do Qatar, FIFA và các đối tác của họ quản lý chặt chẽ”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo báo cáo, điều đó cho thấy rằng các cải cách được thực hiện trong 5 năm qua đã đóng vai trò là vỏ bọc cho các doanh nghiệp quyền lực tìm cách bóc lột lao động nhập cư mà không bị trừng phạt.

World Cup 2022 anh 2

Các công nhân làm việc ở sân vận động Lusai. Ảnh: Reuters.

Báo cáo kêu gọi FIFA thành lập quỹ bồi thường cho những người lao động gặp nạn trong quá trình xây dựng các sân vận động. “FIFA không thể nhắm mắt làm ngơ được nữa và nên lập quỹ bồi thường ngay lập tức”, Mustafa Qadri, Giám đốc điều hành của Equidem, nói.

Chính quyền Doha gần đây đã bắt giữ ít nhất 60 công nhân nước ngoài biểu tình vì không được trả lương trong nhiều tháng và trục xuất một số người trong nhóm này, theo AP. Qatar phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của quốc tế về việc sử dụng lao động trước giải đấu.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của FIFA khẳng định các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của người lao động trong World Cup, bao gồm kiểm tra độc lập thường xuyên, các biện pháp an toàn tại công trường,... là ưu tiên quan trọng.

“Chúng tôi đang liên hệ với các đối tác Qatar để đánh giá thông tin trong báo cáo Equidem”, FIFA thông tin.

Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật" của nhóm tác giả Đỗ Đức Định, Thái Văn Long, Trần Thị Lan Hương… được xuất bản năm 2012. Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Câu hỏi nhức nhối trước thềm World Cup ở Qatar

Chỉ ít ngày tới, người hâm mộ bóng đá sẽ tận hưởng không khí tại các sân vận động hay sống trong hàng trăm khách sạn ở Qatar, được xây dựng từ hàng chục nghìn lao động nước ngoài.

Biểu tình tại Bảo tàng FIFA phản đối Qatar

Cuộc biểu tình được tổ chức nhằm gây sức ép buộc nước chủ nhà Qatar tôn trọng và có biện pháp bảo vệ cộng đồng LGBT+ tại World Cup 2022.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm