Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bước chuyển mình của Saudi Arabia

Từ việc là một quốc gia gây nhiều vấn đề cho khu vực, Saudi Arabia lại đang gây chú ý khi trở thành bên hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề khu vực.

Saudi Arabia anh 1

Khi Sudan rơi vào vòng xoáy xung đột, Saudi Arabia đã cử tàu hải quân đến sơ tán hàng nghìn người khỏi cuộc giao tranh. Vào thời điểm một trong những con tàu trở về nước, một nữ quân nhân Saudi Arabia được quay cảnh bế một em bé được giải cứu lên bờ.

Những hình ảnh này đã đưa cô thành một người nổi tiếng ở vương quốc này, khi Mỹ và các quốc gia khác dành nhiều lời khen ngợi cho nỗ lực giải cứu của Riyadh.

Ngoại trưởng Saudi Arabia cũng đã dẫn dắt các nỗ lực nhằm đảm bảo một lệnh ngừng bắn ở Sudan. Đây là lần gần nhất Saudi Arabia thực hiện nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình, khi đất nước này trong những năm gần đây được nhận định đã gây nhiều rắc rối cho khu vực.

Bước ngoặt

Saudi Arabia đã áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn từ năm 2015 dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ và sau đó là Thái tử Mohammed bin Salman.

Điều đó đã dẫn đến một loạt động thái gây hấn bao gồm can thiệp quân sự vào Yemen chống lại phiến quân Houthi, lệnh cấm vận khu vực đối với Qatar,...

Tuy nhiên, Riyadh đã buộc phải hướng sự tập trung vào trong nước sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018. Vụ việc đó đã khiến Thái tử Mohammed trở thành “nhân vật không được chào đón” (persona non-grata) đối với nhiều nước phương Tây.

Một năm sau đó, cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ được cho là do Iran - vốn hậu thuẫn cho lực lượng Houthis ở Yemen - thực hiện đã nêu bật rủi ro của chiến lược cứng rắn đó.

Giờ đây, vương quốc này đang thay đổi chiến thuật một lần nữa, do được thúc đẩy bởi thặng dư petrodollar (số đôla thu được từ dầu mỏ), một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và niềm tin ngày càng tăng.

Saudi Arabia anh 2

Lực lượng Saudi Arabia đã giúp dân thường nhiều nước sơ tán khỏi xung đột Sudan. Ảnh: Reuters.

Đất nước này lại một lần nữa thể hiện mình là một thành viên tích cực trên sân khấu nước ngoài, lần này làm giảm căng thẳng với kẻ thù, trong khi thúc đẩy siêu dự án xa hoa ở quê nhà.

Hồi tháng 3, Saudi Arabia đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố họ đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao với đối thủ truyền kiếp Iran. Các quan chức sau đó đã đến thăm Yemen như một phần trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến chống lại phiến quân do Iran hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, theo CNN, nước này đã đi đầu trong các nỗ lực nhằm đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở lại với cộng đồng Arab sau hơn một thập kỷ cắt đứt quan hệ với họ.

Sau khi nối lại quan hệ với Iran - đồng minh khu vực quan trọng của Syria, nước này tuyên bố cần có một cách tiếp cận mới với Damascus, Reuters đưa tin.

Emile Hokayem, Giám đốc an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định Thái tử Mohammed "đang tận hưởng khoảnh khắc của mình".

“Nền kinh tế đã hồi phục, các cường quốc đang quan tâm, thái tử đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình để ưu tiên các chương trình nghị sự về địa kinh tế, chuyển đổi và thịnh vượng của mình”, vị chuyên gia nói.

Giới phân tích nhận định Saudi Arabia đã có động thái xoay trục khỏi chính sách đối ngoại mang tính đối đầu và can thiệp được áp dụng hơn một thập kỷ.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Saudi Arabia đã gắn loạt hoạt động ngoại giao gần đây với chương trình phát triển đầy tham vọng của Riyadh.

“Khu vực trở nên tồi tệ hơn và có nhiều điều phức tạp hơn xung quanh chúng tôi. Và thành công trong nước của chúng tôi gắn liền với sự ổn định trong khu vực”, vị này nói.

Financial Times nhận định một bước ngoặt khiến Saudi Arabia chuyển hướng khỏi chính sách đối ngoại cứng rắn xảy ra vào ngày 14/9/2019, khi một loạt tên lửa và máy bay không người lái vượt qua hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất của nước này để tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng.

Sức mạnh của Saudi Arabia

Ali Shihabi, một nhà bình luận Saudi Arabia nhận định “giá trị của chiếc ô an ninh của Mỹ đã bị phá vỡ” bởi vụ tấn công đó.

“Sau đó, Saudi nhận ra rằng mặc dù không thể thay thế Mỹ, họ có thể bổ sung cho mối quan hệ với Mỹ bằng mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ với một Trung Quốc có đòn bẩy to lớn đối với Iran”, ông nhận định.

Một năm sau vụ tấn công đó, Thái tử Mohammed đã mất đi một đồng minh vững chắc trong Nhà Trắng là ông Donald Trump. Khi nhậm chức, người kế nhiệm ông Trump là ông Joe Biden đã thề sẽ biến vương quốc thành “pariah” - quốc gia bất trị, bị bài xích vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Vào năm ngoái, Tổng thống Biden đến thăm Saudi Arabia để thúc đẩy nước này tăng sản lượng dầu, đồng thời cam kết rằng Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực này cho Nga, Trung Quốc và Iran.

Saudi Arabia anh 3

Cái cụng tay gây nhiều tranh cãi giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trong vài tháng, ông lại đe dọa đánh giá lại mối quan hệ của Washington với Saudi Arabia sau khi vương quốc này dẫn đầu việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Căng thẳng giữa Riyadh và Washington kể từ đó đã giảm bớt, và Mỹ tiếp tục bảo đảm an ninh cho vương quốc này và tìm kiếm sự hợp tác của nước này trong một loạt vấn đề, gần đây nhất là cuộc xung đột ở Sudan.

Tuy nhiên, Riyadh đã chú trọng nhiều hơn đến việc cân bằng các mối quan hệ đối ngoại của mình, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga. Nước này đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh Arab vào tháng 12/2022.

Vài tháng sau chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc, nước mua dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia, đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán dẫn đến quyết định hòa giải với Iran.

Bất chấp việc ông Biden từng tuyên bố sẽ duy trì vị thế của Washington trong khu vực, nhiều quốc gia vùng Vịnh từ lâu nhận định Mỹ đã chuyển hướng khỏi khu vực.

Trong khi đó, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Thái tử Mohammed có tiếp tục quay trở lại chính sách đối ngoại mạnh mẽ đặc trưng cho những năm đầu tiên ông nắm quyền hay không và liệu cách tiếp cận mới với Iran có hiệu quả hay không.

Một quan chức cấp cao của Saudi Arabia nhấn mạnh rằng mặc dù vương quốc sẽ “tham gia” nhiều hơn vào khu vực, họ sẽ không phải là “nhà hoạt động”.

“Sức mạnh to lớn của Saudi Arabia là sức mạnh chính trị, kinh tế và tập hợp các bên. Đó là nơi chứa những công cụ tuyệt vời nhất của chúng tôi và đó là những công cụ chúng tôi sẽ sử dụng”, ông nói.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Toan tính của Saudi Arabia

Thông qua việc hỗ trợ sơ tán người dân của nhiều quốc gia khỏi Sudan và những nỗ lực ngoại giao khác, Saudi Arabia muốn tăng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Liên đoàn Arab tái tiếp nhận Syria

Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab ngày 7/5 thông qua quyết định tái tiếp nhận Syria sau hơn một thập kỷ đình chỉ nước này tham gia tổ chức.

Lao xe gây chết người hàng loạt ở khu dân nhập cư Texas

Ít nhất 7 người chết và 10 người bị thương sau khi một ôtô đâm vào đám đông bên ngoài khu cho người nhập cư ở Texas, Mỹ ngày 7/5.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm