Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bunmathan chọn lợi ích cá nhân hơn vinh quang của tuyển Thái Lan

Cơ hội của Thái Lan ở vòng loại World Cup bị giáng đòn mạnh khi Bunmathan từ chối vinh dự được chơi bóng cho đội tuyển quê hương.

Bình luận

Bunmathan tuyen Thai Lan anh 1

Trước thềm 3 trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022, bóng đá Thái Lan chấn động khi hậu vệ trái Theerathon Bunmathan quyết định từ chối về tập trung đội tuyển quốc gia. Báo chí Thái Lan tiết lộ Bunmathan sợ thời gian cách ly y tế quá dài khi trở lại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của anh ở CLB Yokohama F. Marinos.

Vì sao Bunamathan bỏ tuyển Thái?

Theerathon Bunmathan sinh năm 1990, từng khoác áo hai đội bóng hàng đầu Thái Lan Buriram United và Muangthong trước khi chuyển tới Nhật Bản hồi năm 2018. Anh có 2 mùa giải theo dạng cho mượn ở Vissel Kobe và Yokohama F. Marinos trước khi được Yokohama mua đứt hồi 2020. Bunmathan đá chính tại Thai League 1 và U23 Thái từ năm 20 tuổi, tại tuyển Thái từ năm 22 tuổi. Suốt sự nghiệp của mình, ở cả cấp CLB và đội tuyển, Bunmathan luôn là lựa chọn số một.

Có ba điều đáng chú ý liên quan tới cầu thủ này. Thứ nhất, anh là một trong hai cầu thủ Thái Lan được người Nhật Bản mua đứt. Thứ hai, Bunmathan vô địch J1 League 2019 và đã có 7 mùa dự AFC Champions League. Thứ ba, đặc biệt hơn cả, Bunmathan được Liên đoàn Thống kê và Lịch sử Bóng đá Quốc tế (IFFHS) bầu vào đội hình hay nhất châu Á thập kỷ vừa qua. Anh là cái tên duy nhất tới từ Đông Nam Á góp mặt trong danh sách này.

Một cầu thủ đẳng cấp như thế từ chối đội tuyển quốc gia là cú đòn khủng khiếp với tuyển Thái Lan trước thềm vòng loại World Cup. Tuy nhiên, từ điểm nhìn của Bunmathan, anh có những lý do để làm vậy.

Tôi rất buồn bởi Bunmathan là một cầu thủ giỏi, là trụ cột của tuyển Thái Lan.

HLV trưởng tuyển Thái Akira Nishino

Giống như Chanathip, hợp đồng của Bunmathan với Yokohama F. Marinos là chuyển nhượng hoàn toàn. Anh không còn bị ràng buộc bởi các đội bóng Thái. Bunmathan là người của Yokohama và phải phục vụ toàn phần cho CLB này. Khác với Chanathip, người đã chấn thương và vắng mặt từ đầu tháng 5, khác với Văn Lâm, người không có suất thi đấu tại Cerezo Osaka, Bunmathan đang có phong độ cao và là con bài quan trọng tại CLB chủ quản.

Khi nhiều giải quốc nội tạm ngừng trong thời gian vòng loại World Cup, bóng đá Nhật Bản không hề nghỉ ngơi. Cúp Hoàng đế và Cúp Quốc gia Nhật Bản vẫn diễn ra cả trong thời gian tuyển Nhật đá vòng loại World Cup. J1 League cũng trở lại chỉ ít ngày sau vòng loại. Nếu sang UAE cùng tuyển Thái Lan, Bunmathan sẽ bỏ lỡ tối thiểu 4 trận tại cấp CLB.

4 trận vắng mặt có thể gây ảnh hưởng tới vị thế của Bunamathan tại đội cựu vô địch J1 League. Ở tuổi 31, Bunmathan có lẽ đã tính toán kỹ khi nói lời từ chối tuyển Thái.

HLV trưởng tuyển Thái Akira Nishino, một người Nhật Bản, không hề trách cứ quyết định của Bunmathan. Nhưng ông thừa nhận: “Tôi rất buồn bởi Bunmathan là một cầu thủ giỏi, trụ cột của tuyển Thái Lan. Nhưng chuyện đã rồi, những cầu thủ khác sẽ phải cố gắng hơn trước đây để khỏa lấp khoảng trống của Theerathon”.

Bunmathan tuyen Thai Lan anh 2

Bunmathan trong một trận đấu với tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Bài học từ vụ Bunmathan

Khi nói lời từ chối tuyển Thái, Bunmathan có lẽ đã quên thành tựu của bóng đá Thái ở cấp đội tuyển và CLB đã giúp những người như anh, Chanathip, Thitipan Puangchan hay Teerasil Dangda tới những chân trời xa hơn. Bốn năm thăng hoa của U23 và tuyển Thái Lan dưới thời Kiatisuk Senamuang, thành tựu của Muangthong và Buriram United ở AFC Champions League đã giúp những cầu thủ Thái Lan được châu lục chú ý, mở đường cho họ tới Nhật Bản.

Nhờ những thành tựu của bóng đá Thái, Bunmathan có cơ hội đến Nhật Bản. Nhưng khi tuyển Thái cần anh nhất, trong chiến dịch quan trọng nhất kể từ vòng loại World Cup hồi 2017, Bunmathan đã từ chối. Tuyển thủ này chắc chắn hiểu được tầm quan trọng của 3 trận sắp tới. Anh cũng biết sự vắng mặt của mình sẽ khiến Thái Lan gặp khó khăn thế nào. Đội tuyển này hiện đứng thứ 3 trong bảng, đối diện viễn cảnh dừng bước tại vòng loại World Cup.

Dù vậy, Bunmathan vẫn quay lưng với đội tuyển.

Sự cố Bunmathan một lần nữa phản ánh mâu thuẫn không thể hòa giải giữa cấp CLB và đội tuyển quốc gia. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và các nền bóng đá hàng đầu từng rất căng thẳng vì chủ đề này. Trong hợp đồng của các tuyển thủ hàng đầu, thường có điều khoản quy định rạch ròi trách nhiệm ở cấp CLB và đội tuyển, cụ thể tới số trận, số lượng phút được phép của cầu thủ ở cấp đội tuyển; các khoản chi, phí tổn mà đôi bên phải san sẻ. FIFA thậm chí có những quy định về bồi thường cho trường hợp cầu thủ chấn thương hoặc suy giảm phong độ vì phục vụ đội tuyển. Trong thời điểm dịch bệnh, mâu thuẫn này càng lớn hơn.

Bunmathan tuyen Thai Lan anh 3

Son Heung-min (giữa) từng căng thẳng với CLB Tottenham vì chuyện thi đấu cho tuyển Hàn Quốc. Ảnh: Minh Chiến.

Son Heung-min từng phải xin lỗi đồng đội ở Tottenham khi về tham dự Asian Cup 2019 cùng tuyển Hàn Quốc, một giải đấu ở cấp độ A FIFA. Tuyển Philippines cũng nhiều lần không thể có Neil Etheridge vì cầu thủ này bận thi đấu tại Ngoại hạng Anh.

Một bên là tổ quốc, là vinh quang của dân tộc, bên kia là đội bóng chủ quản, nơi trả lương cầu thủ. Một bên chỉ đá vài trận mỗi năm, bên kia là nơi sinh hoạt, thi đấu hàng ngày, nơi bảo vệ sự nghiệp dài hạn. Lựa chọn giữa hai cấp độ ấy luôn vô cùng khó khăn. Lịch sử bóng đá đã chứng kiến nhiều cầu thủ chia tay đội tuyển để tập trung cho cấp CLB như Paul Scholes, ngược lại có những người kiên quyết về với quê hương bất chấp sự ngăn cản từ đội chủ quản.

Sự cố Bunmathan cũng là tham khảo đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam trong tương lai. Khoảng 5 năm trở lại đây, tuyển Việt Nam đã nhiều lần thuyết phục CLB chủ quản nước ngoài cho những Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu... về nước. Các cuộc đàm phán này đều thành công do tuyển thủ Việt Nam chỉ là dự bị, không tác động nhiều tới thành tích của đội chủ quản. Nhưng khi chúng ta hội nhập càng sâu, khi càng nhiều cầu thủ Việt khẳng định được tài năng ở nước ngoài, việc tương tự có diễn ra?

Khi Cerezo Osaka đồng ý cho Văn Lâm sang UAE sớm, điều kiện của họ là hai thủ môn còn lại của CLB không chấn thương. Gài thêm điều khoản ấy nghĩa là Osaka thực sự đánh giá cao Lâm, coi anh là một phương án nghiêm túc tại CLB. Vậy trong 1 tới 2 năm nữa, nếu Văn Lâm có suất bắt chính chính, mọi thứ còn dễ dàng cho anh và tuyển Việt Nam?

Chuyện của Bunmathan là việc riêng của bóng đá Thái Lan, nhưng cũng là vấn đề chung của các nền bóng đá trên hành trình khẳng định mình với thế giới.

Bunmathan tuyen Thai Lan anh 4
Chanathip chọc khe kiến tạo từ giữa sân Ngôi sao tuyển Thái Lan kiến tạo giúp Tsuyoshi Ogashiwa gỡ hòa cho Consadole Sapporo trong trận thắng ngược Vegalta 2-1 ở vòng 11 J1 League.

HLV Nishino thất vọng với Theerathon

Hậu vệ Theerathon Bunmathan rút lui khiến HLV người Nhật Bản rất buồn trước ngày Thái Lan lên đường dự vòng loại World Cup 2022.

Tuyển Thái khó khăn khi vắng Dangda, Bunmathan

Việc không có sự phục vụ của hai cầu thủ đẳng cấp thách thức tham vọng vào vòng loại cuối World Cup 2022 của tuyển Thái Lan.

Bao giờ có lần đầu tiên cho Minh Vương ở tuyển Việt Nam?

Ghi bàn vào lưới Olympic Hàn Quốc, góp mặt tại Asian Cup, thật khó tin khi Minh Vương chưa từng đá chính cho tuyển Việt Nam ở giải chính thức.

Minh Chiến

Bạn có thể quan tâm