Bình luận
Lên U19 từ năm 2014, lên U23 và tuyển từ 2017, dấu ấn đáng kể nhất của Vương chỉ là một bàn danh dự vào lưới Olympic Hàn Quốc tại ASIAD 2018. Anh luôn là cái bóng mờ so với những đồng đội cùng lứa tại đội tuyển bất chấp nhiều thành tựu đã có tại V.League.
Người đến muộn của lứa Công Phượng
Sự xuất hiện của học viện JMG giúp HAGL có song song 2 lứa trẻ. Lứa đầu tiên đào tạo theo mô hình nước ngoài, huấn luyện bởi Guillaume Graechen, là con cưng của bầu Đức. Lứa thứ hai đào tạo theo kiểu cũ, chủ yếu được dẫn dắt bởi ông Đinh Hồng Vinh. Trong các đợt tuyển chọn, những người tốt nhất được phân vào lứa JMG, phần còn lại chuyển cho đội Năng khiếu. Khác biệt đầu vào cùng chất lượng đào tạo phần nào giải thích sự chênh lệch đẳng cấp giữa hai nhóm cầu thủ.
Trong hai nhóm này, Minh Vương là người “đứng giữa”.
Vương cùng Nguyễn Tuấn Anh có tên trong đội hình U11 Thái Bình giành á quân giải Nhi đồng toàn quốc 2006. Họ đều vượt qua vòng sơ loại của lứa I HAGL JMG. Nhưng trong khi Tuấn Anh thuận lợi vượt qua vòng tuyển cuối, giấy hẹn thi của Minh Vương bị trường Năng khiếu Thái Bình giữ lại. Sự cố khiến Vương lên Gia Lai muộn, không tham gia đủ các bài thi và bị phân về lứa Năng khiếu.
Những người theo dõi bước đường sự nghiệp sau này của Vương tin rằng nếu không có biến cố trên, cầu thủ này chắc chắn có tên trong lứa I HAGL JMG. Gọi anh là người “đứng giữa” cũng vì lẽ đó.
Tại HAGL, Minh Vương (trái) chỉ là vai phụ giữa một tập thể có Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Ảnh: Minh Chiến. |
Dù vậy, xuất phát điểm thấp hơn chẳng ngăn được tài năng người Thái Bình tỏa sáng. Việc gắn bó với lứa Năng khiếu cuối cùng mở ra cho Vương những cánh cổng khác. Do giáo trình của lứa JMG không cho cầu thủ thi đấu quốc nội sớm, lớp Năng khiếu của Minh Vương được đại diện cho HAGL ở các giải trẻ. Việc thi đấu liên tục ở giải trẻ giúp Minh Vương dần tiến bộ và quen với môi trường bóng đá Việt Nam. Giai đoạn 2013-2014, khi nhóm học viện dồn lực cho U19 Việt Nam, Minh Vương trở thành cái tên đầu tiên của lứa cầu thủ này góp mặt tại V.League.
Anh cũng là người duy nhất của lứa trẻ này đã có một huy chương ở V.League (hạng Ba mùa 2013). Sang năm 2014, Minh Vương đá tới 15 trận, lập siêu phẩm vào lưới An Giang. Anh thậm chí giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất V.League năm đó.
Làm được từng ấy, Vương mới mở được cánh cửa lên tuyển U19, đội bóng mà phần lớn lứa JMG đều đã góp mặt. Nếu kỳ thi tuyển năm 2006 là vạch xuất phát, Vương đã phải đi đường vòng, một chặng đường rất dài, phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều so với đồng nghiệp để có mặt tại U19 Việt Nam.
Đến hôm nay, Vương cũng là người duy nhất của lứa Năng khiếu cạnh tranh sòng phẳng được tại HAGL. Bên cạnh anh, toàn bộ đội hình chính HAGL đều là cầu thủ JMG. Đó là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy của khóa I, Văn Thanh, Văn Toàn của khóa II.
Minh Vương (giữa) trong lần đá chính duy nhất cho tuyển Việt Nam ở một trận tính điểm FIFA trước CHDCND Triều Tiền hồi cuối năm 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Người ngoài ở đội tuyển Việt Nam
Triết lý đào tạo của HAGL JMG giúp họ sản sinh hàng loạt tiền vệ trung tâm chất lượng. Tuấn Anh, Xuân Trường là hai người nổi tiếng nhất. Công Phượng, Đông Triều ngày còn ở đội trẻ đều đá tiền vệ. Đó là chưa kể những Châu Ngọc Quang, Triệu Việt Hưng, Lương Hoàng Nam... Tất cả khiến cuộc cạnh tranh tuyến giữa tại HAGL khốc liệt hơn mọi CLB V.League khác.
Bởi cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy, không nhiều người trụ lại được. Đông Triều về đá trung vệ rồi bật bãi tới Bình Dương, Hoàng Nam giờ đang chơi ở hạng Nhất, Thành Long lên tuyển Olympic nhưng còn chưa một lần được đá tại Gia Lai. Minh Vương là cái tên hiếm hoi trụ lại.
Tại cấp đội tuyển, cuộc cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Minh Vương ghi bàn vào lưới Hàn Quốc tại Asian Games, đi UAE cùng tuyển Việt Nam năm 2019, nhưng sau tất cả, anh chưa có nổi một lần ra sân trong các giải chính thức. Sự nghiệp của anh không thiếu những vinh quang tập thể, nhưng chưa có nhiều điều đọng lại cho cá nhân.
Từ năm 2017 tới giờ, Vương chỉ có 55 phút cho tuyển Việt Nam ở các giải. Anh đủ kỹ thuật nhưng thiếu sức mạnh, hay ở V.League nhưng chưa đủ tốt cho tuyển quốc gia. Minh Vương trưởng thành trong thời kỳ đẹp nhất của bóng đá Việt Nam và phải cạnh tranh với rất nhiều đồng đội giỏi. Anh không có đẳng cấp của Xuân Trường, thiếu sự lì lợm như Công Phượng. Xem Vương đá từ U19 tới V.League, chúng ta đều cảm thấy anh thiếu một chút sức bật sau cùng. Vương sẽ chơi hay khi cả tập thể cùng tiến lên. Nhưng khi đội gặp khó khăn, Vương không đủ sức tạo khác biệt.
Trong loạt penalty với Jordan tại Asian Cup 2019, Minh Vương là người đá hỏng duy nhất. Nhưng tuyển Việt Nam vẫn thắng chung cuộc 4-2.
Mọi thứ có lẽ vẫn khó khăn với Minh Vương nếu không có sự xuất hiện của Kiatisuk.
Với HLV người Thái Lan, HAGL không còn đá cho vui còn Minh Vương chẳng dành cả thanh xuân để trụ hạng nữa. Tận dụng sự vắng mặt của Tuấn Anh, Minh Vương lấy suất đá chính bên cạnh Xuân Trường. Ở tuổi 26, anh bùng nổ với 11 lần vào sân, có 4 pha lập công, là tiền vệ trung tâm săn bàn tốt nhất giải đấu.
Sự kết hợp của Vương và Trường mở ra lời gợi ý mới cho tuyển Việt Nam. Chúng ta thường mặc định mẫu tiền vệ mỏng manh, sáng tạo phải có một tiền vệ phòng mạnh mẽ đi kèm. Nhưng Vương và Trường đang cho thấy điều ngược lại. Với hai “nghệ sĩ” làm chốt chặn từ xa, HAGL vẫn sở hữu hàng thủ tốt nhất V.League, sánh ngang với “bức tường thép” của CLB Viettel (9 bàn thua sau 12 trận). Nghĩa là không cần sức mạnh thể chất thuần túy, khả năng giữ vị trí, cự ly đội hình hợp lý vẫn có thể giúp những cầu thủ mỏng manh phòng ngự thành công.
Việc Hùng Dũng chấn thương, Tuấn Anh chưa đạt phong độ cao nhất, còn nhiều tiền vệ tốt như Nguyễn Hải Huy, Mạc Hồng Quân đều vắng mặt giúp Minh Vương có thêm cơ hội. Cộng thêm cường độ 3 trận trong 9 ngày, ông Park có thể phải xoay tua tại hàng tiền vệ.
Vai trò lớn hơn, thậm chí lần đá chính đầu tiên cho tuyển Việt Nam tại một giải chính thức có lẽ không phải là giấc mơ xa vời của Minh Vương.