Ban đầu, chỉ một số ít người biểu tình xuống đường phản đối các lệnh hạn chế khó khăn với đời sống của họ. Nhưng những tuần gần đây, các cuộc biểu tình đã thu hút hàng nghìn người tham gia ở các thành phố lớn của Đức.
Ngày 16/5, hơn 5.000 đã xuống đường ở Stuttgart, ít nhất 1.500 người ở Frankfurt và khoảng 1.000 ở Munich, theo South China Morning Post. Cảnh sát đã được huy động sau khi một số người biểu tình trở nên bạo động.
Các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch gia tăng được liên tưởng tới các cuộc biểu tình chống người Hồi giáo Pegida trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015. Người biểu tình đặt ra câu hỏi về hiệu quả của cách xử lý mà bà Merkel đang ủng hộ.
Các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa đã bùng nổ trong những tuần gần đây ở Đức. Ảnh: Reuters. |
Như cách mà đảng dân túy cánh hữu AfD đòi hồi hương người tị nạn cách đây vài năm, giờ đây họ công khai ủng hộ người biểu tình.
Một cuộc thăm dò gần đây do tạp chí tin tức Spiegel thực hiện cho thấy gần 1/4 người dân Đức đã bày tỏ sự đồng cảm với những người biểu tình.
Các cuộc biểu tình đã gây sốc cho tầng lớp lãnh đạo. Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) theo đường lối trung hữu của bà Merkel cũng tỏ ra lo ngại.
Đến ngày 17/5, Đức đứng thứ 8 về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với 175.752 ca nhiễm và 7.938 ca tử vong.