Theo Foxnews, nguyên nhân của động thái này là vì Qatar không cho phép Budweiser bán bia tại World Cup.
Quyết định cấm bán bia tại sân vận động của nước chủ nhà chỉ được công bố vào vài tiếng trước khi khai mạc giải đấu. Mặc dù nhiều người cho rằng lệnh cấm này được ban hành dưới áp lực của Hoàng gia Qatar, vẫn rất nhiều cổ động viên cuồng nhiệt bức xúc và thậm chí muốn hoàn lại tiền do không thể uống bia trong sân vận động.
Hơn hết, quyết định này còn khiến Budweiser rơi vào thế bị động và phải đối mặt với viễn cảnh hàng nghìn thùng bia sẽ bị tồn kho và rơi vào quên lãng. Trước đó, các tàu chở hàng của hãng đã phải thực hiện hành trình gần 13.000 km từ London, Lancashire và Wales tới Qatar để phục vụ người hâm mộ. Ngoài ra, Budweiser cũng đã phải chi thêm một khoản lớn để thuê kho lạnh và bảo quản bia tại đất nước có thời tiết khắc nghiệt này.
Bia chất đống trong nhà kho tại Qatar vì không được bán ở World Cup. Ảnh: Budweiser. |
Mặc dù Bud Zero - loại bia không cồn của hãng vẫn được phép bán trong sân - sản phẩm này vẫn không thể bù đắp được phần lỗ trong tổng doanh thu của Budweiser. Theo thống kê của hãng, tại World Cup 2018 ở Nga, người hâm mộ đã tiêu thụ tổng cộng 3,2 triệu ly bia nhưng chỉ 2% trong số đó là loại không cồn.
Các gian hàng của Budweiser, thay vì nườm nượp người ra vào như những mùa trước đó, giờ đây lại vắng hoe vì chẳng mấy người muốn sử dụng bia không cồn.
Ngoài ra, cũng có thêm một cách để người hâm mộ có thể thoải mái thưởng thức đồ uống có cồn tại các sân vận động là bỏ ra 3.000 USD để mua vé VIP. Tuy nhiên, họ chỉ được phục vụ trong các khu vực chuyên biệt và cách xa các trận cầu đỉnh cao đang diễn ra trên mặt sân cỏ, nên cũng không mấy người mặn mà.
Trước đó vào năm 2010, khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022, các quan chức cấp cao của nước này được cho là đã trấn an Budweiser bằng tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định nghiêm ngặt với việc bán đồ uống có cồn. Nhờ vậy, Anheuser-Busch InBev (công ty mẹ của Budweiser) đã đồng ý gia hạn tài trợ cho FIFA vào tháng 10/2011.
Tuy nhiên, quyết định cấm bán bia được Doha đưa ra vào "phút 89" này có thể khiến AB InBev phải cân nhắc lại về việc tiếp tục gia hạn hợp đồng sau World Cup 2022. Được biết, thỏa thuận từ năm 2011 giữa AB và FIFA sẽ hết hạn sau giải đấu.
Ở Qatar, khách hàng chỉ có thể mua bia, rượu tại các khách sạn và quán bar có giấy phép. Nước này coi say xỉn ở nơi công cộng là bất hợp pháp và có thể phạt tù tới nửa năm.
Trước đó, các chính sách nới lỏng với bia rượu dường như đã được Qatar duyệt vào tháng 9. Tuy nhiên, nước chủ nhà có lẽ đã thay đổi ý định vào tuần trước, khi di chuyển các gian hàng của Budweiser đến khu vực xa hơn.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế