Thị trường tiền tệ thế giới đang ghi nhận những biến động chưa từng xảy ra trong gần 2 thập niên trở lại đây. Trong đó, tỷ giá quy đổi đồng tiền chung châu Âu - euro - đã đánh dấu lần đầu tiên rơi xuống dưới mức 1 USD kể từ năm 2002. Đến nay, dù đã tăng trở lại nhưng tỷ giá quy đổi hai đồng ngoại tệ này vẫn duy trì quanh mức 1 euro đổi 1,0238 USD, giảm ròng 9,4% từ đầu năm.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh tỷ giá quy đổi EUR/VNĐ đã giảm liên tục một năm rưỡi trở lại đây với mức mất giá xấp xỉ 17%, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ lại ghi nhận diễn biến trái ngược với mức tăng gần 2% giai đoạn này.
Hiện tại, giá bán USD trên kênh ngân hàng phổ biến ở mức 23.500-23.600 đồng/USD, trong khi giá bán trên thị trường tự do dao động quanh mức 24.700 đồng/USD.
DIỄN BIẾN TỶ GIÁ QUY ĐỔI USD/VNĐ GẦN ĐÂY | ||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: Vietcombank; Tổng hợp | ||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 1/6 | 3 | 5 | 7 | 9 | 11 | 13 | 15 | 17 | 19 | 21 | 23 | 25 | 27 | 29 | 1/7 | 3 | 5 | 7 | 9 | 11 | 13 | 15 | 17 | 19 | |
VCB mua | đồng/USD | 23060 | 23060 | 23060 | 23045 | 23030 | 23030 | 23060 | 23080 | 23100 | 23100 | 23100 | 23110 | 23110 | 23110 | 23100 | 23160 | 23210 | 23210 | 23220 | 23210 | 23250 | 23300 | 23300 | 23310 | 23290 |
VCB bán | 23340 | 23340 | 23340 | 23325 | 23310 | 23310 | 23340 | 23360 | 23380 | 23380 | 23380 | 23390 | 23390 | 23390 | 23380 | 23440 | 23440 | 23490 | 23490 | 23500 | 23490 | 23530 | 23580 | 23590 | 23570 | |
Tự do bán | 23920 | 23820 | 23880 | 23880 | 23795 | 23810 | 23830 | 23960 | 23940 | 23950 | 23970 | 23940 | 23970 | 23970 | 23970 | 23970 | 23960 | 23960 | 24060 | 24070 | 24150 | 24250 | 24310 | 24680 | 24530 |
Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi
Giá USD tăng mạnh trong khi các đồng ngoại tệ khác như euro, yen Nhật đồng loạt lao dốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, khi USD tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu thu USD về sẽ hưởng lợi vì cùng một lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ ghi nhận doanh thu VNĐ cao hơn. Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu bằng tiền USD sẽ chịu tác động tiêu cực.
Như với Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC), doanh nghiệp chuyên sản xuất phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân… và dành 2/3 sản lượng để xuất khẩu đã ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục trong quý II và 6 tháng đầu năm nay.
Trong đó, tính riêng quý II, Đức Giang đã thu về hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu và gần 1.900 tỷ đồng lãi ròng. Nếu tính trong 6 tháng, doanh thu tập đoàn hóa chất này ghi nhận được lên tới hơn 7.600 tỷ và lãi ròng đạt trên 3.400 tỷ đồng.
Bên cạnh sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng giúp doanh thu tăng mạnh, Đức Giang còn ghi nhận gần 85 tỷ đồng tiền lãi từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện nửa đầu năm nay. So với cùng kỳ, mức lãi tỷ giá này của doanh nghiệp đã tăng gấp 3,4 lần.
Với đặc thù doanh thu xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng lớn, Hóa chất Đức Giang luôn có lượng tiền USD dồi dào trong tài khoản, qua đó giúp công ty thường xuyên hưởng lợi lớn khi tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh tăng cao.
Tương tự, là ngành có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM (AGTEK), cho biết hiện phần lớn doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu đều giao dịch bằng USD nên ở giai đoạn này chưa ảnh hưởng khi đồng euro giảm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang có thuận lợi khi tỷ giá USD tăng cao so với Đồng Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Có thể một vài doanh nghiệp nhỏ ký hợp đồng với khách hàng giao dịch bằng euro thì bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít. Ngược lại, việc giao dịch bằng USD khi giá đồng này tăng giúp các công ty thuận lợi hơn", ông Hồng đánh giá.
Đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây lớn như Chánh Thu, Vina T&T cũng cho biết ngoài thị trường Mỹ, hầu hết thị trường xuất khẩu khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... doanh nghiệp cũng chủ yếu giao dịch bằng tiền USD nên việc các đồng ngoại tệ khác giảm giá không ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Ngược lại, việc USD tăng giá còn giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu cao hơn.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản cà phê, tiêu, hạt điều, gia vị đi các thị trường lớn, cho biết hiện thị trường châu Âu chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu và cà phê của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp đều bán theo giá USD nên khi đồng euro rớt giá vẫn không ảnh hưởng đến tập đoàn. Ông Thông cũng cho biết đến nay hoạt động xuất khẩu hồ tiêu và cà phê sang thị trường này vẫn ổn định.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi khi đồng USD tăng giá, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dùng USD để nhập khẩu.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, chuyên nhập khẩu cá hồi, cua hoàng đế từ thị trường Na Uy, cua nâu từ thị trường Ireland… cho biết dù hàng hóa nhập từ thị trường châu Âu nhưng giao dịch đều được thực hiện bằng tiền USD.
Hiện tại đồng USD và giá vận chuyển bằng máy bay tăng cao khiến giá hàng hóa nhập về tăng theo. "Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ giá và tăng giá hợp lý để cung cấp cho khách hàng", ông Trường nói.
Khó dài lâu
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết dù được hưởng lợi khi giá USD tăng cao, các doanh nghiệp vẫn đang khá lo lắng về các hợp đồng trong quý IV sắp tới.
"Việc đồng euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, người tiêu dùng cũng sẽ giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu. Do đó, các đơn hàng cũng sẽ ảnh hưởng và đây là thách thức trước mắt đối với ngành dệt may xuất khẩu sang thị trường này", ông Hồng nhận định.
"Khoảng 70-80% hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường EU đều bằng USD. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, kể cả sang thị trường Trung Quốc"
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng đồng USD tăng giá sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, tuy nhiên trong tương lai sẽ gặp khó khăn.
"Bởi đồng USD tăng chủ yếu do tăng lãi suất. Khi lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chững lại, theo đó việc nhập khẩu nguyên, vật liệu, phụ kiện sẽ hạn chế hơn", ông lý giải.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết với các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Australia... người dân chủ yếu sử dụng tài khoản tín dụng để thanh toán và mua bán hàng hóa. Vì thế, khi lãi suất tăng cao, người dân sẽ bớt tiêu dùng và doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này có thể gặp khó khăn vì nhu cầu giảm.
Ở chiều ngược lại, với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa mua bán bằng đồng euro, nhiều ý kiến lo ngại sẽ thiệt hại lớn khi đồng ngoại tệ này lao dốc, ông Thịnh đánh giá biên độ tỷ giá ở Việt Nam chỉ biến động khoảng 1-2%. Do đó, tạm thời chưa ảnh hưởng quá nhiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu bằng euro.
Vị chuyên gia này cho rằng khi đồng tiền chung châu Âu xuống giá, doanh nghiệp giao dịch bằng ngoại tệ này sẽ chịu thiệt, tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu sẽ có lợi.
"Thực tế, hiện nay khoảng 70-80% hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường EU đều bằng USD. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, kể cả sang thị trường Trung Quốc", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chính vì vậy, theo ông Thịnh thời điểm này các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu.