Khi qua đời năm 2016, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej - người được biết đến với tên Rama IX - là vị vua tại vị lâu thứ hai trong lịch sử thế giới với tổng thời gian trị vì 70 năm 126 ngày.
Dù vậy, tháng 6 vừa qua, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã "chiếm" cột mốc này của ông Bhumibol. Khi qua đời, bà tại vị nhiều hơn cố quốc vương Thái Lan 88 ngày. Dù vậy, cả hai đều chưa thể vượt qua kỷ lục của Vua Pháp Louis XIV: 72 năm 110 ngày, AFP cho biết.
Không chỉ có số ngày cầm quyền gần như tương đồng, Nữ hoàng Elizabeth II và Vua Bhumibol Adulyadej - và rộng hơn là hai hoàng gia Anh và Thái Lan - còn có nhiều điểm chung khác. Cả hai hoàng gia cũng đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại mới.
Tình bạn hoàng gia
Nữ hoàng Elizabeth II và Vua Bhumibol Adulyadej xây dựng và duy trì mối quan hệ bạn bè trong hàng thập kỷ. Các đoạn phim trong kho lưu trữ cho thấy họ thường cười với nhau ấm cúng, nói chuyện vui vẻ và chào đón lẫn nhau trong các chuyến thăm cấp nhà nước.
Năm 1960, nước Anh là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm châu Âu 6 tháng của vua Rama IX. Tại đây, ông và vợ - Hoàng hậu Sirikit - được Nữ hoàng Elizabeth II cùng Hoàng thân Phillip đón tiếp tại nhà ga Victoria, London.
Vua Bhumibol Adulyadej tiếp đón Nữ hoàng Elizabeth II tại Bangkok, tháng 10/1996. Ảnh: Reuters. |
Nhà ga khi đó được trang hoàng lộng lẫy. Các lẵng hoa cỡ lớn được để ở hai bên, bao gồm hoa lily và hoa cẩm chướng. Dù vậy, một phóng viên của BBC vẫn cho rằng nước Anh lẽ ra nên có màn đón tiếp “hấp dẫn” hơn.
Sau khi duyệt đội nghi lễ, hai vị quân vương đi xe ngựa đến cung điện Buckingham giữa dòng người vẫy quốc kỳ chào đón hai bên đường.
Tới tháng 2/1972, Nữ hoàng Elizabeth II lần đầu tới thăm Thái Lan. Hoàng thân Philip và Công chúa Anne, con gái của cặp đôi, cũng có mặt. Khi đó, bà mặc một chiếc váy chấm bi màu xanh da trời. Chiếc xe Daimler màu vàng chở bà và Vua Bhumibol chất đầy hoa và quà tặng của người dân.
Tại Bangkok, bà tham dự một buổi tiệc chiêu đãi tại cung điện và đi lễ ở một nhà thờ Anh giáo. Sau đó, bà cùng chồng con đến Ayuthaya - cố đô của Thái Lan - và Chiang Mai - để ngắm hoa lan và các sản phẩm thủ công địa phương giữa tiếng nhạc truyền thống.
24 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Vua Bhumibol Adulyadej đăng quang, Nữ hoàng Elizabeth II lần thứ hai đến thăm Thái Lan.
Trong chuyến thăm 5 ngày vào tháng 10/1996, bà được đón tiếp bằng một đoàn thuyền diễu hành trên sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok, với đội ngũ chèo thuyền mặc trang phục dân tộc. Trong buổi tiệc chiêu đãi sau đó, bà ca ngợi tình bạn giữa hai hoàng gia trong nhiều thế hệ.
Bà chỉ ra Nữ hoàng Anh Victoria từng là bạn qua thư với vua Rama IV của Thái Lan. Mối quan hệ này “đã được truyền lại đến thế hệ chúng ta”, bà nói.
“Trong một phần tư thế kỷ qua, đất nước của các bạn đã trở thành một quốc gia hiện đại”, Nữ hoàng Elizabeth ca ngợi. “Năng lực đón khách một cách thân thiện nhất của nhân dân nước ngài là điều không thể bác bỏ”.
Khi tới thăm Đại học Chulalongkorn, Nữ hoàng Elizabeth II được các sinh viên tặng nhiều vòng hoa. Ở đây, bà khai trương một văn phòng mới của Hội đồng Anh - tổ chức phụ trách quan hệ giáo dục và văn hóa quốc tế do London lập nên.
Những điểm tương đồng
Dù cách xa nhau hàng nghìn cây số, hoàng gia Anh và hoàng gia Thái Lan có khá nhiều điểm chung.
Cả Vua Bhumibol Adulyadej và Nữ hoàng Elizabeth II đều lên ngôi từ khi còn trẻ. Hình ảnh của cả hai vị nguyên thủ của gia được xây dựng qua nhiều thập kỷ, biến họ trở thành biểu tượng của sự phục vụ với đất nước.
Giữa hai vị quân chủ - và nói rộng hơn, giữa hai hoàng gia Anh và Thái Lan - có nhiều điểm chung. Ảnh: AFP. |
Cả Bangkok và London đều áp dụng các biện pháp tuyên truyền mang tính bảo hoàng. Vua Bhumibol Adulyadej xuất bản một cuốn sách về chú chó Tongdaeng yêu quý của mình - đây được xem như “sách hướng dẫn” về cách người Thái ứng xử.
Trong khi đó, chính phủ Anh phát hàng triệu cuốn sách tới các trường học, trong đó kể lại các hoạt động từ thiện của Nữ hoàng Elizabeth II, cũng như “phẩm cách và cam kết” của bà với công chúng.
Người kế nhiệm của hai vị nguyên thủ - Vua Vajiralongkorn tại Thái Lan và Vua Charles III tại Anh - đang trên hành trình khẳng định sự uy tín tương xứng với tầm vóc của cha mẹ mình.
Điểm mới chung mà hoàng gia hai nước đang đối mặt là việc một bộ phận dư luận quan tâm về khối tài sản kếch xù mà hoàng gia đang nắm giữ, cũng như tính phi chính trị của hoàng gia.