Điều gì đang diễn ra ở Kiev và Crimea?
Phía Nga:
Tổng thống Nga Putin mô tả đất nước Ukraina đang rơi vào hỗn loạn. “Các binh sĩ vẫn đang tuần tra xung quanh thủ đô Kiev để thị uy sức mạnh. Tôi nghĩ điều này thật ngớ ngẩn”.
Phía Mỹ:
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, các đường phố ở thủ đô Kiev vẫn “bình yên và thân thiện”, các binh sĩ Ukraina ở bán đảo Crimea “vẫn đứng chân trên mảnh đất quê hương và không bao giờ nổ súng, không bao giờ gây ra hành động khiêu khích. Quân xâm lược vây quanh họ”.
Chúng ta đã thấy những gì?
CNN cho biết, ở bán đảo Crimea, tình hình vẫn căng thẳng. Các binh sĩ Nga bao vây 10 căn cứ quân sự ở Ukraina. Không cuộc chiến nào xảy ra, không ai thiệt mạng, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đang chuẩn bị (sẵn sàng cho chiến tranh).
Một cuộc “chiến tranh thông tin” diễn ra trong khu vực “giữa những người theo dõi truyền hình nhà nước Nga và những người theo dõi truyền thông phương Tây, không ai lắng nghe lời kêu gọi thống nhất đất nước từ Kiev”, phóng viên Diana Magnay của CNN nói.
Ai là lãnh đạo ở Ukraina?
Phía Nga:
Viktor Yanukovych vẫn là tổng thống dân bầu, và chính phủ mới ở Ukraina nắm quyền lực bằng con đường không hợp pháp.
“Tổng thống hợp pháp duy nhất của Ukraina là ông Yanukovych. Tổng thống không thể cầm quyền trong ba trường hợp: qua đời, tự từ chức và phạm tội phản quốc”. Tuy nhiên, không trường hợp nào như vậy xảy ra ở Ukraina", Putin khẳng định.
Phía Mỹ:
Yanukovych đã rời khỏi vị trí tổng thống từ tháng trước, từ chối ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực, sau đó rời khỏi đất nước, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết.
Chính phủ ở Ukraina hiện nay nắm quyền hợp pháp, và theo đúng tiến trình, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 25/5.
Bao nhiêu binh sĩ Nga hiện diện ở Ukraina?
Phía Nga:
Một phần lực lượng hải quân Nga đồn trú ở Crimea. Tổng thống Putin không thừa nhận Moscow đã phái thêm quân tới Ukraina.
Phía Mỹ:
Các lực lương Nga “kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crimea”, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nới với CNN. Chuyên gia này dự đoán khoảng 6.000 bộ binh và hải quân Nga đồn trú ở khu vực này.
Phía Ukraina:
Nga đã phái các tàu chiến, trực thăng và máy bay vận tải để triển khai 16.000 binh sĩ tới bán đảo Crimea từ ngày 24/2.
Khủng hoảng Ukraina khoét sâu thêm bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP |
Nga có quyền phái thêm quân tới Ukraina?
Phía Nga:
Nga được phép đưa thêm quân tới Ukraina. Một thỏa thuận giữa hai nước cho phép Nga cử tối đa 25.000 binh sĩ tới Crimea, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết. Bên cạnh đó, Đại sứ Nga cũng cho biết, ông Yanukovych yêu cầu Moscow gửi quân tới Ukraina. Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, Nga không có ý định “kiểm soát Crimea”.
“Nếu tôi quyết định sử dụng vũ lực quân sự, nó sẽ hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Putin lập luận.
Phía Mỹ:
Điện Kremlin không có quyền đưa thêm binh sĩ sang Ukraina. Ông Putin đang chơi một trò mạo hiểm. Tổng thống Mỹ tuyên bố Nga không có quyền sử dụng sức mạnh quân sự để gây ảnh hưởng với nước láng giềng.