Chín ngày sau khi Just Stop Oil đổ súp cà chua lên bức họa hoa hướng dương của Vincent van Gogh, hai nhà hoạt động từ Letzte Generation (thế hệ cuối cùng) đã bước vào bảo tàng Barberini và đổ khoai tây nghiền vào bức họa Les Meules của Monet. Sau đó, họ đã bám chặt tay vào bức tường, Guardian đưa tin.
Hai người biểu tình cho biết hành động này được coi một lời cảnh tỉnh trước thảm họa khí hậu. "Mọi người đang chết đói, mọi người đang chết cóng, mọi người đang chết dần", người biểu tình Mirjam Herrmann hét lên, theo Der Tagesspiegel.
“Khoa học nói rằng chúng ta sẽ không thể nuôi sống gia đình vào năm 2050. Bức tranh này sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng ta phải vật lộn vì thức ăn”, bà Herrmann khẳng định.
Họ cho biết đã quyết định biến "bức tranh này của Monet trở thành sân khấu và công chúng là khán giả" để cố gắng truyền tải thông điệp của mình. Bức họa này được bán với giá 111 triệu USD cho người bảo trợ Hasso Plattner của bảo tàng Barberini vào năm 2019.
Người phát ngôn của bảo tàng cho biết bức tranh được bảo vệ bằng kính và dường như không bị hư hại.
“Trong khi tôi hiểu mối quan tâm khẩn cấp của các nhà hoạt động khi đối mặt với thảm họa khí hậu, tôi bị sốc bởi cách họ làm để cố gắng tạo sức nặng cho những yêu cầu của mình”, Ortrud Westheider, Giám đốc bảo tàng, cho biết, New York Post đưa tin.
Cảnh sát đã nhanh chóng đến bảo tàng này sau vụ việc, người phát ngôn bảo tàng cho biết.
Năm ngoái, các thành viên của Letzte Generation đã tuyệt thực bên ngoài tòa nhà Reichstag ở Berlin để phản đối về việc thiếu các hành động chính trị đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Nhóm cáo buộc chính phủ Đức phớt lờ mọi cảnh báo và đưa đất nước đến "bờ vực thẳm". Họ khẳng định họ là một phần của thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn xã hội sụp đổ.
Các phòng trưng bày nghệ thuật đã trở thành địa điểm nổi tiếng cho các cuộc biểu tình gây chú ý trong thời gian gần đây.
Vào tháng 7, hai thành viên của nhóm hoạt động khí hậu Italy Ultima Generazione (thế hệ cuối cùng) đã dán lòng bàn tay vào tấm kính bảo vệ bức tranh Primavera của Sandro Botticelli.