Khủng hoảng nhiên liệu, giá phân bón tăng cùng nguồn cung nông sản thiếu hụt do tác động của xung đột Nga - Ukraine đã tạo nên cuộc khủng hoảng đáng lo ngại về nhiều mặt trên toàn cầu.
Nền kinh tế ở nhiều nước đang vật lộn với mức lạm phát chưa từng có. Bên cạnh đó, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đang ở mức cao nhất kể từ năm 1990, theo Deloitte.
Các chỉ số tính toán phức tạp dùng để đánh giá tình trạng lạm phát có thể là cái gì đó xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, giờ đây người dân mỗi nước cũng có thể phần nào cảm nhận được "cơn bão" này thông qua chính giá của các loại thực phẩm thân thuộc hàng ngày.
“Bóng ma” lạm phát thực sự đã tràn vào bàn ăn của các gia đình.
Khắp nơi đều tăng giá
Đại dịch Covid-19 đã vùi dập nền kinh tế nước Anh. Giờ đây, giá cả tăng đang khiến nền kinh tế của vương quốc này đi chệch hướng hơn nữa.
Một phần ba các cửa hàng cá và khoai tây chiên (fish and chips) ở đất nước sương mù có nguy cơ phá sản trong năm nay do giá cả của nhiều loại nguyên liệu tăng cao.
Theo Company Debt, một công ty chuyên phân tích về nợ, chỉ trong một năm, giá các loại cá yêu thích của Anh như cá tuyết và cá tuyết chấm đen đã tăng 75%, dầu hướng dương tăng 60% và bột mì tăng 40%.
Lạm phát ở Anh đạt mốc cao nhất trong 40 năm qua, ở mức 9% vào tháng 4. Chia sẻ với Reuters, anh Bally Singh, một chủ nhà hàng cá và khoai tây chiên ở London cho biết: “Giá cá tăng phi mã, giá dầu ăn tăng phi mã, và mọi thứ mà chúng tôi bán đều tăng phi mã".
Anh Bally Singh tại cửa hàng cá và khoai tây chiên của mình. Ảnh: Reuters. |
Kể từ khi ra đời từ cách đây 160 năm, cá và khoai tây chiên đã trở thành một món ăn làm nức lòng bao thế hệ người Anh. Món ăn là một loại thực phẩm chủ yếu và có mặt ở hầu khắp mọi nơi ở quốc gia này.
Do đó, việc giá của cá và khoai tây chiên bị đội lên do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ làm xáo trộn không nhỏ nếp sống của nhiều người dân xứ sở sương mù.
Tại Pháp, lạm phát tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm mà còn cả kích thước của chúng.
Hôm 20/6, Reuters cho biết tập đoàn cung cấp thực phẩm Danone của Pháp sẽ giảm việc đa dạng hoá sản phẩm mà họ bán ra. Điều này có nghĩa là những tín đồ sữa chua của thương hiệu này sẽ có ít sự lựa chọn về mặt hương vị và khối lượng hơn trước kia.
Giá xăng dầu và chi phí bao bì tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp và siêu thị ở Pháp phải tìm đủ cách xoay xở. Trước đó, hồi đầu năm, nhiều cửa hàng thực phẩm đã phải bỏ trống các kệ hàng do không đủ khả năng lên hàng.
Bà Ayla Ziz, trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Danone cho biết: “Lạm phát tăng nhanh, đặc biệt là ở châu Âu. Chúng ta cần bắt đầu làm quen với nó”.
Giá thực phẩm tăng cao do lạm phát cũng đang diễn ra ở bên kia bờ Đại Tây Dương khi người dân nhiều nước Mỹ Latin đang phải sắp xếp lại thói quen mua sắm của mình.
Mollejas, một loại bánh thịt bò, được xem là một trong những món ăn truyền thống và có mặt ở nhiều tiệm ăn của Argentina. Tuy nhiên, giá thịt bò tăng cao đã khiến nhiều nhà hàng phải tìm cách thay thế món ăn này.
Anh Julián Díaz, chủ một nhà hàng ở Buenos Aires, đã bắt đầu đưa các món khác vào thực đơn. “Chúng tôi đã chuyển sang món thịt cừu và các món cá khác”, anh cho biết.
Không chỉ mollejas, khắp khu vực Mỹ Latin, nhiều món ăn được người dân ưa chuộng đang đắt đỏ hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, giá rau củ và các nguyên liệu chuẩn bị cho bữa ăn hàng ngày cũng tăng chóng mặt, theo Finacial Times.
Chị Angelica Neira, chủ một quầy rau củ ở Colombia, cho biết một loại khoai tây có tên criollas đã tăng gấp đôi lên 6.000 peso (1,60 USD)/kg. “Cà chua cũng đã tăng giá gấp đôi”, chị cho biết thêm. “Hầu hết mọi thứ đã tăng 100% kể từ đầu năm và nếu không tăng gấp đôi thì chúng có thể tăng 40% hoặc 50%”.
Giá thực phẩm ở khu vực châu Á cũng không có vẻ khả quan hơn. Tại Indonesia, mọi sự chú ý đang đổ dồn về giá của mì ăn liền Idomie, một loại thực phẩm phổ biến ở quốc gia này.
Mì ăn liền được xem là một "món ăn quốc dân" ở Indonesia. Trong đó, thương hiệu mì Indomie của Indofood với nhiều hương vị và giá cả phải chăng đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nhiều năm qua.
Indomie - Loại mì ăn liền được nhiều người Indonesia ưa chuộng. Ảnh: Nikkei Asia. |
Hồi cuối tháng 5, tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Các vấn đề Kinh tế của Indonesia dự báo giá mì ăn liền sẽ tăng trong bối cảnh mất an ninh lúa mì toàn cầu.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của Indonesia đạt 13,27 tỷ phần ăn vào năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ phần ăn của Trung Quốc. Do vậy, người Indonesia hoàn toàn có quyền lo ngại về việc giá mì tăng.
Khi được hỏi về khả năng tăng giá, một nhân viên cấp cao của Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu và thành phần, nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
Cùng với giá dầu ăn tăng mạnh, lúa mì được mì Indomie sử dụng đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 11.600 rupiah (khoảng 0,78 USD)/kg vào đầu tháng 6.
Nikkei Asia dẫn lời một nhân viên văn phòng ở Jakarta cho biết: “Ngay cả khi giá chỉ tăng lên 500 rupiah, nhưng nếu bạn cộng chúng trong một tháng, nó sẽ có tác động lớn". "Bây giờ tôi ăn mì Indomie 3 hoặc 4 lần một tuần, nhưng tôi sẽ phải thay đổi thói quen này thành 1 hoặc 2 lần một tuần".
Ngoại lệ
Giữa lúc bão giá đang quét qua hầu hết mặt hàng thì giá gạo của Ấn Độ vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, các nhà phân tích còn lo ngại khả năng người tiêu dùng chuyển sang dùng gạo để thay cho lúa mì với giá đang tăng cao có thể khiến giá gạo tăng lên trong thời gian tới, theo Economic Times.
Giá gạo Ấn Độ vẫn tương đối thấp là do lượng hàng tồn kho nhiều và hoạt động sản xuất mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện trạng này có thể thay đổi nếu khách hàng chuyển sang dùng gạo thay cho các loại lương thực đang tăng giá.
Gạo vẫn là lương thực chính của hơn một nửa dân số thế giới và khoảng 90% sản lượng gạo được trồng ở châu Á.
Hồi cuối tháng 5, giá gạo Ấn Độ đã đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua do chính phủ nước này giải phóng nhiều gạo hơn cho người nghèo và do đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Hoạt động xuất khẩu gạo tại bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Viện nghiên cứu Nomura nhận định: “Khi giá một mặt hàng thực phẩm cao hơn giá một mặt hàng khác thì có thể dẫn đến hiệu ứng thay thế. Chúng tôi đang theo dõi sát sao giá gạo. Ở giai đoạn hiện tại, rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ đối với gạo là thấp vì giá gạo tương đối ổn định”.
Tuy nhiên, viện này cũng nhấn mạnh dù giá gạo không bị cuốn theo cơn bão lạm phát trên toàn cầu nhưng nếu gạo được chọn thay thế lúa mì càng nhiều thì giá hiện tại có thể thay đổi. Các nhà sản xuất tại Ấn Độ có thể cân nhắc đến lý do an ninh lương thực và dẫn đến giá gạo cao dần theo thời gian.
Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chính phủ nước này đã cam kết không hạn chế xuất khẩu gạo như đã làm với lúa mì và đường. Tuy nhiên, nếu cam kết trên thay đổi, tình hình lạm phát lương thực có thể sẽ thêm trầm trọng.
Đề cập đến lạm phát lương thực ở Ấn Độ, Viện Nghiên cứu Nomura dự đoán chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Cơ quan này cũng cho biết thiếu hụt nguyên liệu, giá phân bón tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ khi kết hợp với các yếu tố đặc thù của từng nơi sẽ khiến lạm phát giá lương thực ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Theo đó, mức tăng mạnh nhất là ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong, Philippines và Singapore.