Australia
Những tuần gần đây, các bức ảnh về chiếc xà lách iceberg (hay còn gọi là rau diếp) được bán ở các siêu thị với giá 11,99 USD đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội và thu hút sự chú ý khắp toàn cầu.
Đây là một ví dụ tiêu biểu của tình trạng gia tăng chi phí ăn ở và nhiên liệu mà người tiêu dùng tại Australia đang phải chịu đựng.
Những kệ bày rau xà lách trống rỗng tại siêu thị Woolworths tại thành phố Camp Hill, Australia. Ảnh: AP. |
Giá rau củ tại Australia đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Những trận lũ lụt gần đây tàn phá mùa màng tại 2 bang New South Wales và Queensland của Australia trong khi giá phân bón tăng 120% so với 24 tháng trước.
Việc giá năng lượng ngày càng tăng cũng đặt nặng áp lực lên tình trạng lạm phát tại Australia. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và tăng giá điện bán buôn dự kiến ảnh hưởng nặng nề tới người dân đất nước chuột túi, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trong mùa đông tới.
Jeff Laming, 42 tuổi, một người cha đơn thân và bị khuyết tật ở bang Victoria, chỉ có đủ tiền để ăn trong 5 ngày mỗi 2 tuần.
"Chúng tôi đã không ăn hoa quả và rau củ tươi kể từ tháng 2. Bữa ăn đóng hộp sẵn, thịt băm chất lượng thấp, những gói mỳ pasta rẻ tiền, paracetamol và thi thoảng là xà phòng nằm trong danh sách mua sắm hàng tuần của tôi", ông Laming cho biết.
Bỉ
Theo dự báo của một chuyên gia kinh tế hàng đầu, với tình trạng lạm phát ở mức 9%, cao nhất trong vòng 40 năm, cho đến cuối mùa hè chi phí sống của mỗi hộ gia đình tại Bỉ sẽ tăng khoảng 500-600 USD.
Ngân hàng Trung ương Bỉ cho biết người tiêu dùng sẽ được bảo vệ một phần thông qua các chính sách điều chỉnh giá cả sản phẩm sao cho phù hợp với thu nhập của người dân. Nhưng ngân hàng này cũng cho biết các chính sách trên có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Altamirano Zoila Palma, chủ của một kiosk bán đồ ăn có tên Saint-Josse tại thủ đô Brussels, cho biết hóa đơn của bà thời gian gần đây đã tăng chóng mặt. Người phụ nữ nhập cư từ Ecuador này đang thường xuyên phải làm việc 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày trong tuần.
Bà Altamirano Zoila Palma đã làm chủ kiot bán đồ ăn Saint-Josse tại thủ đô Brussels được 12 năm. Ảnh: Guardian. |
"Mọi thứ đều tăng giá. Từ chi phí mua mỡ, khoai tây, bao bì cho đến giá điện, ga, giấy ăn và dĩa", bà Palma nói.
Tuy chi phí tăng, bà Palma không muốn tăng giá đồ ăn tại kiosk của mình, vốn nằm ở khu vực có thu nhập thấp nhất tại thủ đô Brussels, nơi một phần khoai tây chiên cỡ lớn chỉ có giá khoảng 3 USD.
"Tôi chưa quyết định tăng giá vì sợ khách hàng sẽ không tới nữa. Nhiều khách hàng đã nói rằng đây là nơi yêu thích của họ.
Đức
Tình hình lạm phát ở Đức được đo lường dựa theo sự thay đổi hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số này đã tăng 7,9% trong tháng 5, tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng đạt mức kỷ lục kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Tại quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng ôtô lớn như Đức, việc giá xăng tăng chính là vấn đề đáng lo ngại nhất. Kể từ tháng 3, các tài xế ở Đức đã phải trả hơn 2,1 USD cho mỗi lít xăng bất chấp các biện pháp kiềm chế giá nhiên liệu của chính phủ.
Nhân viên cảng Hamburg đình công đòi tăng lương với tấm biển có ghi "Hãy ngăn con quái vật lạm phát". Ảnh: Reuters. |
Các sản phẩm năng lượng trung bình tăng 38,3% còn giá các mặt hàng tạp hóa tăng 11,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đôi khi tôi cảm thấy tội lỗi khi cho khách hàng của mình biết giá mới nhất của súp lơ hay một chai dầu hạt cải. Tình hình đang rất tệ, và tôi sợ rằng nó sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa", ông Ünal Kayan, chủ một tiệm tạp hóa tại một con phố trung tâm của thủ đô Berlin cho biết.
Vì giá thành các sản phẩm vẫn chưa bắt kịp sự gia tăng trong chi phí sản xuất, giá các sản phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới.
Ấn Độ
Giá bán lẻ hàng năm đã tăng hơn 7%, gây ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách vốn đã eo hẹp sau đại dịch Covid-19 của các hộ gia đình tại Ấn Độ. Ngoài gạo và lúa mỳ, 2 mặt hàng được chính phủ cung cấp miễn phí cho người nghèo, giá của các loại thực phẩm còn lại đều tăng mạnh.
Người dân thành phố Kolkata biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng. Ảnh: Shutterstock. |
Chỉ trong tháng 5, giá rau xanh tại đã tăng 56%, do ảnh hưởng từ các đợt nắng nóng đang diễn ra tại Ấn Độ cùng với sự gia tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.
Giá nhiên liệu tăng đang khiến người dân Ấn Độ khó đổ đầy bình xăng xe máy để đi làm.
"Tôi mua rau củ vào tối muộn để tìm mua những sản phẩm mà người bán muốn bỏ đi. Rau củ lúc đó không hề tươi ngon nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác", Ankita Singh từ khu vực thủ đô Delhi của Ấn Độ.
Ireland
Tại một trong những quốc gia giàu có nhất của Liên minh châu Âu (EU), khoảng 1/5 dân số đang chật vật đối mặt với sự gia tăng giá cả. Sự gia tăng giá thuê nhà, giá thực phẩm cho đến giá năng lượng đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói và buộc chính phủ phải xem xét thực thi thêm các biện pháp hỗ trợ và cắt giảm thuế.
Tổ chức vận động Công lý Xã hội Ireland ước tính tỷ lệ nghèo đói của nước này hiện ở mức 19%, cao hơn nhiều so với con số chính thức được chính phủ đưa ra.
Tài xế xe tải tại Ireland biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu. Ảnh: PA. |
Ảnh hưởng của việc giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 7,8%, mức cao nhất trong 38 năm, đã trở nên nghiêm trọng hơn khi giá nhiên liệu cũng tăng mạnh và giá nhà ở tại Ireland tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
"Tôi không đủ tiền để tiếp tục sống ở thủ đô Dublin nữa. Giá cả mọi thứ thật điên rồ", cô Vivienne, một sinh viên ngành kiến trúc có đang kế hoạch rời Ireland cho biết.
Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Ireland, trong 12 tháng qua, giá khí đốt đã tăng 54%, dầu diesel tăng 40%, điện tăng 28% và xăng tăng 24%, ảnh hưởng nặng tới cả các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh. Một số nhà cung cấp bữa ăn di động đã tăng gấp đôi giá mỗi bữa ăn lên mức 10,5 USD. Trong khi đó, các cuộc gọi tới quỹ từ thiện St Vincent de Paul đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Israel và Palestine
Tại Israel, nơi giá cả sinh hoạt vốn đã ở mức cao, hiện chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng như những quốc gia phát triển khác. Thế nhưng, nơi đây lại có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất trên thế giới, với 50% dân số nghèo nhất có mức thu nhập ít hơn 19 lần so với 10% dân số giàu nhất.
Chi phí nhà ở và giá nhiên liệu tăng đã khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố Tel Aviv và Beersheba trong tháng 6.
Lạm phát đã tăng 4% so với năm 2021, mức cao nhất trong 11 năm, với giá của các sản phẩm tiêu dùng trong gia đình tăng 2,3% chỉ trong năm nay. Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Israel cũng trở nên tồi tệ hơn, với giá nhà ở tăng 13% trong năm 2021 so với 2020 và hiện tăng ở mức hơn 1% mỗi tháng.
Với nhiều người ở những vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng, nơi tỷ lệ nghèo đói ở mức 31,3%, sự gia tăng giá cả nhỏ nhất cũng có thể hủy hoại cuộc sống của một người nông dân hay một người làm nông nghiệp vốn có thu nhập ít ỏi.
"Mọi người đang phải bán cừu vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do chi phí thực phẩm tăng cao. Một tấn thực phẩm từng có giá 377 USD giờ đây có giá 579 USD", ông Abu Fadi, 52 tuổi, sống tại thành phố Jericho của Palestine cho biết.
Italy
Lạm phát giá các mặt hàng tiêu dùng tại Italy đã tăng 6,9% trong tháng 5. mức cao nhất trong hơn 23 năm, và giá năng lượng đã tăng 42,6% so với năm 2021.
Nhiều người dân Italy đã mất việc hoặc có mức lương không được tăng thêm đáng kể từ đầu những năm 2000. Những người này trong nhiều tháng qua đã cảm nhận rõ ràng ảnh hưởng của tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt.
Người dân Italy biểu tình giá thực phẩm tăng cao tại quảng trường Piazza Santi Apostoli, Rome. Ảnh: AFP. |
"Giá xăng đã tăng trong một thời gian dài và giờ là cả một số loại thực phẩm như cà phê. Ngay cả khi giá cả tăng nhẹ, bạn cũng có thể thấy sự khác biệt, nhưng sự khác biệt lớn nhất chính là giá năng lượng", Alessandra Lupo, một nhà quản lý tác phẩm nghệ thuật ở thủ đô Rome, giờ đang thất nghiệp cho biết.
Cô Lupo cho biết hóa đơn gas của mình trong hai tháng vừa qua là 227 USD so với chỉ 58 USD trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Chi phí tiền điện của cô cũng tăng gấp 2 lần lên mức 157 USD mỗi tháng.
New Zealand
Lạm phát tại New Zealand đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua với giá thực phẩm tăng 6,8% và giá hoa quả và rau củ tăng 10%.
Tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt đã trở thành mối quan tâm lớn nhất đối với người dân New Zealand. Một cuộc khảo sát của Ipos trong tháng 6 cho thấy giá cả sinh hoạt là mối quan tâm lớn nhất của người dân, theo sau bởi chi phí nhà ở và giá nhiên liệu. 20% người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong về tài chính trong khi 85% người tham gia khảo sát tỏ ra quan ngại về sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Khi giá thực phẩm tăng cao, nhiều người tại New Zealand đã chuyển sang hái lượm hoa quả trong rừng để giảm chi phí sinh hoạt. Ảnh: Guardian. |
Hiện tại, ngày càng nhiều người dân New Zealand áp dụng những biện pháp giúp giảm chi phí sinh hoạt như trồng trọt, hái lượm, tự làm pho mát và sống tự cung tự cấp.
"Mọi người đang gặp khó khăn. Giá hoa quả và rau củ quá cao", bà Katherine Riddell cho biết. Bà Riddell, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi với thu nhập cố định đã bắt đầu mở các lớp dạy bảo quản thực phẩm cho người dân trong khu vực của mình, biến các loại rau củ thực phẩm thành các loại dưa chua hay sốt.
Đôi khi, các biện pháp tiết kiệm chi phí khiến người ta liên tưởng tới chuyên mục lời khuyên cho các gia đình những năm 1950.
"Một người bạn cho tôi 4 kg mỡ bò, tôi đang đun cô đặc số mỡ này để thay thế cho các sản phẩm dầu ăn", bà Riddell cho biết.
Nigeria
Ngân hàng Trung ương Nigeria trong tuần trước đã công bố việc tăng lãi suất lần đầu kể từ năm 2016, theo sau những bước đi tương tự của các quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập, Ghana. Ngân hàng này cũng cảnh báo tình trạng lạm phát tại nước này có thể "tăng phi mã" trong thời gian tới.
Tình trạng lạm phát giá thực phẩm đã lên tới mức 19% trong tháng 4, khi đồng nội tệ naira của Nigeria liên tục mất giá. Giống nhiều quốc gia khác tại châu lục, nền kinh tế lớn nhất châu Phi cũng dựa nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm và bị ảnh hưởng nặng nề khi mặt hàng này tăng giá.
Cư dân khu ổ chuột Oworonshoki tại thành phố Lagos nhận thực phẩm cứu trợ từ sáng kiến Ngân hàng Lương thực thành phố Lagos. Ảnh: AP. |
Những khó khăn kinh tế tại Nigeria đã có từ trước khi cuộc khủng hoảng hiện tại bùng phát. Mức lạm phát cao, thị trường việc làm ảm đạm và đồng tiền mất giá đã đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Theresa Aderele thường giúp mẹ bán nước từ cơ sở ở nhà cô tại khu vực Onikan của thành phố Lagos.
"Câu chuyện giống nhau ở mọi nơi, giá cả tăng không kiểm soát. Nhưng bạn có thể làm được gì cơ chứ", cô Aderele cho biết.
Chi phí đi lại tới chỗ làm, giá thực phẩm, điện và khí đốt đã liên tục tăng trong 6 năm qua, và tăng mạnh hơn kể từ đầu năm nay.
"Mọi người, dù giàu hay nghèo, đều bị ảnh hưởng. Tôi không nghĩ mọi người coi tình hình chiến sự tại Ukraine là một lý do cho những khó khăn kinh tế của họ. Mọi thứ đã như vậy trong một thời gian dài", cô Aderele bổ sung.
Philippines
Giá nhiên liệu trong thời gian qua đã tăng mạnh đến độ những tài xế xe ba bánh và xe tham quan tại Philippines không thể tiếp tục làm việc. Các tổng đài điện thoại vì lo ngại nhân viên của mình không đủ chi phí đi tới chỗ làm đã cho phép làm việc từ xa.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) trong tháng 4 cho biết giá nhiên liệu đã tăng 40% kể từ đầu năm. Tổ chức này cũng cảnh báo những hoạt động của mình có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Theo số liệu của chính phủ Philippines, giá ngô tại nước này đã tăng 24,4% so với năm 2021, giá rau củ tăng 15,2% và giá dầu mỡ cũng tăng 13,6%. Tổ chức phi lợi nhuận Social Weather Stations cho biết hơn 12,2% các hộ gia đình tại Philippine đã từng phải trải qua tình trạng thiếu lương thực ít nhất một lần trong vòng 3 tháng qua.
Orlando Garcia, một tài xế xe 3 bánh 60 tuổi tại thủ đô Manila từng được trả 24,5 USD mỗi ngày nhưng giờ phải khó khăn lắm ông mới kiếm được 13 USD. Không chỉ số lượng khách của ông sụt giảm, mà giá xăng cũng tăng mạnh.
Orlando Garcia và chiếc xe 3 bánh của ông. Ảnh: Guardian. |
Thu nhập của ông Garcia hiện chỉ vừa đủ nuôi sống ông và gia đình. Để tiết kiệm chi phí, ông phải ăn những món đơn giản hơn. Có bữa, ông chỉ ăn duy nhất một con cá rán và những món ăn rẻ hơn làm từ đậu xanh.
"Đôi lúc tôi nấu các món ăn với ít nguyên liệu hơn", ông Garcia cho biết.
Nam Phi
Tại một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trên thế giới, ngoại trừ những người có thu nhập cao, phần lớn người dân Nam Phi đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng giá cả tăng cao.
Đối với tầng lớp trung lưu, việc chi phí nhiên liệu, điện, giáo dục và chăm sóc y tế tăng cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Nhưng với hàng chục triệu người có thu nhập thấp và phụ thuộc vào các khoản trợ cấp chính phủ, tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều năm đã khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Giá các mặt hàng chính như bột ngô hay dầu ăn đã tăng mạnh do tình trạng thiếu hụt nguồn cung do chiến sự tại Ukraine. Tại nhiều khu vực có thu nhập thấp, giờ đây đang hình thành nên một thị trường bán dầu cọ đã qua sử dụng.
Nhân viên biểu tình bên ngoài siêu thị Makro ở thủ đô Johannesburg. Ảnh: Reuters. |
"Bạn có thể mua 350 lít dầu với giá 22 USD, chỉ một nửa so với dầu cọ mới. Vì thế nên chúng tôi đang nghĩ về việc làm điều này", Precious Chawalala, một nhân viên phục vụ bàn 37 tuổi tại thành phố Cosmo City - phía tây bắc thủ đô Johannesburg - cho biết.
Giống như nhiều nhân viên nhà hàng khác tại Nam Phi, Chawalala không có lương mà sống dựa vào tiền típ của khách hàng. Giá vé xe minibus mà cô dùng để đi làm đã tăng 20% sau khi giá nhiên liệu tăng cao trên cả nước.
"Tôi đang trộn bột ngô với gạo để tiết kiệm chi phí. Mọi người đều gặp khó khăn. Chúng tôi nói về việc đó khi đi nhà thờ vào ngày chủ nhật nhưng chúng tôi không thể giúp đỡ nhau như trước vì mọi người đã sử dụng hết tiền tiết kiệm của mình trong đại dịch", cô Chawalala cho biết.
Đài Loan
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Đài Loan đã tăng liên tục trong 3 tháng với mức tăng 3% trong tháng 5, trong khi giá nhiên liệu đã tăng 13%. Trong tháng 5, Ngân hàng Đài Loan đã tăng lãi suất lần đầu trong hơn một thập kỷ ở mức 0,5%.
Theo chính quyền Đài Loan, 1/4 mức tăng CPI thời gian qua đến từ sự gia tăng chi phí các mặt hàng thực phẩm. Giá thực phẩm đã tăng 7,4% trong năm 2021 với một số mặt hàng có mức tăng mạnh. Trứng, một mặt hàng thiếu hụt nghiêm trọng tại Đài Loan, giờ có giá đắt hơn 28% so với tháng 5/2021.
Những khó khăn mà James Lei, 27 tuổi, gặp phải không chỉ đến từ việc các sản phẩm tăng giá mà còn đến từ tình trạng thiếu hụt các mặt hàng quan trọng.
"Như trứng hay một số loại mỳ udon mà tôi thích. Giờ đây rất khó tìm chúng ở các siêu thị. Những thứ mà tôi mua giờ có giá đắt hơn. Tôi phải tiêu nhiều tiền hơn và không để dành được nhiều như trước", anh Lei cho biết.
Mỹ
Khắp nước Mỹ, từ những người công nhân, những người tiêu dùng cho đến các doanh nghiệp, mọi người đều gặp phải những vấn đề giống nhau. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch cùng với giá nhiên liệu tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn đã khiến giá các mặt hàng tăng mạnh.
Trong tháng 5, lạm phát tại Mỹ đã chạm mốc 8,6 %, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Tuy lương trung bình trong nước cũng tăng nhưng không theo kịp đà tăng giá các sản phẩm.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức 5 USD cho mỗi gallon từ mức 3 USD vào năm 2021. Ảnh: AP. |
"Tôi vừa mất 70 USD để đổ xăng. Trước khi mọi thứ xảy ra tôi chỉ mất 45 USD cho việc này. Mọi thứ đều tăng giá ngoại trừ lương của tôi", Anna Diggs, một nhân viên khách sạn tại khu vực Westgate, thành phố Las Vegas cho biết.
Con trai út của cô Diggs từng muốn chuyển ra ngoài sống nhưng do chi phí thuê nhà tăng cao, anh đã buộc phải hủy bỏ dự định của mình.
Trong tuần này, mức giá trung bình của 1 gallon (khoảng 3,8 lít) xăng tại Mỹ đã vượt mốc 5 USD từ mức 3 USD vào năm 2021. Những ảnh hưởng từ xung đột, Covid-19 và các vấn đề thời tiết cũng khiến giá thực phẩm tăng vọt. Lạm phát cũng ảnh hưởng tới giá bất động sản, giá vé máy bay, khách sạn và quần áo.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 15/6 đã công bố mức tăng lãi suất mạnh nhất trong 28 năm nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát. Chủ tịch FED, ông Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương muốn kiểm soát lạm phát nhưng cảnh báo có nhiều yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới lạm phát như giá nhiên liệu hay xung đột tại Ukraine mà cơ quan này không thể kiểm soát.