* Đánh giá: 6/10
BlackPink đã tạm ngưng hoạt động 2 năm sau full album đầu tiên trong sự nghiệp The Album. Đến nay, đây vẫn là một cột mốc lớn của một nhóm nhạc nữ Kpop trên đấu trường quốc tế khi vươn tới vị trí #2 trên bảng xếp hạng Billboard 200 Albums danh giá, mặc cho sự đánh giá của giới chuyên môn dành cho The Album không quá cao do sở hữu thời lượng quá ngắn so với đẳng cấp của nhóm, cùng “phần sản xuất mệt mỏi” (Theo Consequence of Sound).
Xuyên suốt gần 2 năm để cho các thành viên tự do khám phá các khía cạnh khác nhau của bản thân. Rosé và Lisa ra các sản phẩm âm nhạc solo, Jennie tham gia mạnh mẽ trong mảng thời trang, Jisoo đóng phim truyền hình. Đội hình đầy đủ 4 thành viên chính thức trở lại trong năm 2022 với một dự án lớn.
Mở đầu tệ
Tuy nhiên, single đầu tiên mở màn album mới Pink Venom không khiến người yêu nhạc hài lòng khi cố gắng nhồi nhét quá nhiều yếu tố gây chú ý nhưng sợi dây kết nối giữa chúng là rất mỏng manh.
Đến single thứ 2 Shut Down, vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn. BlackPink cùng đội ngũ sản xuất tiếp tục phối hợp chất hiphop của nhóm với một thứ âm thanh khác biệt, lần này là bản nhạc cổ điển La campanella.
Tuy nhiên, thay vì xây dựng một bầu không gian sang trọng, huyền bí để tôn vinh những âm thanh cổ điển, BlackPink và các producer lại quyết định làm dày phần bass hiphop và liên tục rap mạnh mẽ dồn dập rất không liên quan, khiến cho tiếng vĩ cầm réo rắt phía sau trở nên lạc lõng và lộ rõ ý đồ sống sượng để tạo chủ đề truyền thông.
Việc sử dụng sample nhạc cổ điển không còn xa lạ gì trong Kpop. Chỉ mới đây thôi Red Velvet cũng mang giai điệu của Air on the G-String vào single mới nhất Feel My Rhythm của nhóm và nhận được sự tán dương không ngớt từ giới phê bình. Cách làm của BlackPink không hẳn là không hay nhưng các yếu tố quá rời rạc khiến cho việc sử dụng sample nhạc cổ điển trở nên thừa thãi không cần thiết.
Việc sử dụng sample nhạc cổ điển trở nên thừa thãi không cần thiết trong Shut Down. Ảnh: Allkpop. |
Điểm sáng ở phần sau
Thật may, trong album Born Pink phát hành vào ngày 16/9 vừa qua, không phải bài nào cũng dồn dập, nặng nề nhưng lại thiếu ăn nhập như Pink Venom hay Shut Down. Nhóm mang đến khá nhiều màu sắc mới mẻ, thú vị mà khán giả ít thấy như chất liệu synth pop trong Yeah Yeah Yeah, chút disco, city pop ở Hard to love,... Nó giúp chứng minh màu sắc âm nhạc của BlackPink cũng khá đa dạng chứ không chỉ bó buộc trong hiphop, EDM.
Hard to love là khoảnh khắc tỏa sáng không báo trước của riêng mình Rosé. Ca khúc bất ngờ chỉ có mình giọng hát của Rosé thay vì của cả nhóm nhưng lại được bù đắp bằng những âm thanh hợp thời, trendy rực sáng đi kèm chất giọng ngọt ngào độc đáo không lẫn được của giọng hát chính BlackPink, đặt trọng tâm của bài cho một đoạn drop rất bắt tai.
Yeah Yeah Yeah lại sử dụng các chất liệu như được lấy từ những thành phần ấn tượng trong After Hours của The Weeknd một thời, kết hợp với sức hút khó cưỡng của 4 thành viên.
Đặc biệt, The Happiest Girl là khoảnh khắc lạ lẫm nhất trong album khi BlackPink phô diễn giọng hát ngọt ngào cảm xúc của các thành viên trong một bản ballad đơn giản chỉ với tiếng piano làm nền. Lột bỏ đi những âm thanh điện tử hầm hố, The Happiest Girl là khoảnh khắc hiếm hoi mà người nghe được thấy một BlackPink đầy cảm xúc và cũng rất đỗi ngọt ngào như thế.
Hard to love là khoảnh khắc tỏa sáng không báo trước của riêng mình Rosé. Ảnh: YG. |
Tuy nhiên, đó cũng là những điểm sáng duy nhất của Born Pink. Còn lại, nó vẫn lặp lại y nguyên những vấn đề mà The Album từng gặp phải: Cùng chỉ có 8 bài, cùng có thời lượng khoảng 24 phút (nhiều hơn mini album của nhóm khác chỉ 4-5 phút). Điều đó sẽ không phải là vấn đề lớn nếu như các bài hát trong album có sự liên kết chặt chẽ về âm thanh cũng như nội dung. Nhưng album của BlackPink thì chưa làm được điều đó.
Các bài được sắp xếp không theo một trật tự hay trải nghiệm nghe thoải mái: Đang hiphop mạnh mẽ trong Pink Venom, Shut Down, Typa Girl, album chuyển hướng sang pop với Yeah Yeah Yeah, Hard to love. Chen vào giữa một bản ballad The Happiest Girl, nhóm lại đổi sang R&B với Tally, rồi kết lại bằng Ready for love đậm đặc EDM.
Cảm giác như nhóm không đi được đến nơi đến chốn với một màu sắc âm thanh hay thông điệp gì mà chỉ đơn giản là phô diễn nhiều phong cách nhất có thể và tạo ra được những bài hát có thể phát hành làm single, chinh phục các bảng xếp hạng thay vì xây dựng một thể thống nhất.
BlackPink an toàn
Tiếp theo, những phong cách mới mẻ mà BlackPink mang đến có thể mới mẻ với nhóm, nhưng đã không còn lạ lẫm gì so với thị trường.
Ngoài yếu tố sample nhạc cổ điển như đã nói ở trên, thì các yếu tố synth pop, disco trong Hard to love hay Yeah Yeah Yeah đều đã là trend bùng nổ US-UK từ 2020 và Kpop cũng liên tục ứng dụng trong năm 2021.
Không phải album tồi tệ nhưng chưa xứng tầm. |
Chưa kể đến việc 2 ca khúc Typa Girl và Tally đều là những bài hát khá nhạt nhòa, như được sử dụng lại từ album trước. Typa Girl gợi nhắc nhiều về Pretty Savage còn Tally lại na ná You Never Know.
Lẽ ra, sau 2 năm ở ẩn, Born Pink nên là một album được đầu tư mạnh mẽ với phần âm nhạc đột phá của một nhóm nhạc đang ở vị thế lớn như BlackPink. Trái lại, Born Pink vẫn rất an toàn. Nếu không sử dụng lại những yếu tố đã làm nên tên tuổi cho nhóm thì cũng là những thứ đã đảm bảo cho sự thành công từng xuất hiện trên thị trường.
Đây không phải là một album quá tồi tệ, nhưng với vị trí của nhóm và sự chuẩn bị của đội ngũ sản xuất, những gì ở Born Pink mang lại vẫn chưa thể làm hài lòng người yêu nhạc khi cả album nghe rất rời rạc, thiếu liên kết. Sức hút của 4 thành viên khi đặt vào bất cứ màu sắc âm nhạc nào thì vẫn có thể tỏa sáng, nhưng lẽ ra với Born Pink, họ hoàn toàn có thể bứt phá hơn nữa nếu như ê-kíp không định hướng quá an toàn như vậy.