Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng ma trinh sát bí ẩn của Mỹ

Nếu không gặp sự cố và rơi xuống Iran cuối năm 2011, máy bay trinh sát tàng hình RQ-170 Sentinel vẫn là một bí mật đối với thế giới.

RQ-170 Sentinel - máy bay trinh sát không người lái tối tân nhất của Mỹ. Ảnh: Vault.crouze

Để đảm bảo ưu thế quân sự, thu thập thông tin tình báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược quân sự của Mỹ. Tìm hiểu các quốc gia đối thủ đang làm gì, họ có những hệ thống vũ khí mới nào là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Để phục vụ cho nhiệm vụ do thám, Mỹ đã không tiếc tiền đầu tư cho nhiều dự án phát triển các phương tiện trinh sát đường không, trong đó phương tiện bay không người lái (UAV) là một ưu tiên hàng đầu.

Ngoài một số dự án phát triển được công khai, rất nhiều dự án được phát triển bí mật, đặc biệt là RQ-170 Sentinel. Thế giới gần như không biết gì về sự phát triển của loại UAV này. Chỉ đến khi RQ-170 Sentinel gặp sự cố và rơi xuống Iran vào cuối năm 2011, người ta mới biết đến sự tồn tại của loại UAV đầy bí ẩn này trong biên chế Không quân Mỹ.

Bóng ma tàng hình

Theo Airforce Technology, RQ-170 Sentinel có thiết kế cánh “dơi” và không có cánh đuôi đứng nhằm làm tăng khả năng tàng hình. Tập đoàn Lockheed Martin phát triển Sentinel trên cơ sở ý tưởng thiết kế của loại UAV RQ-3 DarkStar trước đó không đáp ứng được các nhiệm vụ quân sự.

RQ-170 được trang bị một động cơ phản lực General Electric TF34 với cửa hút không khí nằm phía trước trên lưng máy bay và được che chắn bởi phần mũi hình chữ V để giảm mặt cắt radar. Động cơ được chế tạo theo công nghệ tiên tiến giúp tăng tối đa lực đẩy và tiết kiệm nhiên liệu.

may bay khong nguoi lai cua My anh 1
RQ-170 Sentinel cất cánh trong một nhiệm vụ bí mật tại Afghanistan. Ảnh: Fighersweep.

Sentinel có bộ phận hạ cánh 3 bánh được gập lại vào bên trong thân, phần nhô lên phía trên thân được cho là vị trí gắn các ăng ten liên lạc vệ tinh SATCOM tốc độ cao. RQ-170 sử dụng đến 90% vật liệu composite nhằm giảm trọng lượng, tăng khả năng tàng hình và tăng độ bền cơ học.

RQ-170 Sentinel được cho là có diện tích phản hồi radar (RCS) rất thấp, điều này cho phép máy bay thực hiện các nhiệm vụ bí mật để thu thập thông tin tình báo.

Cỗ máy trinh sát tối tân

Chi tiết kỹ thuật của Sentinel vẫn chưa được công bố, nhưng chuyên gia hàng không Bill Sweetman, biên tập viên tạp chí Tuần lễ Hàng không nhận định, Sentinel được trang bị một camera quang điện tử dưới bụng để thực hiện việc thu thập hình ảnh và đàm thoại video thời gian thực giữa trung tâm chỉ huy và chiến trường.

Với cảm biến quang - hồng ngoại lắp hai bên cánh, RQ-170 được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) với khả năng mở khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ số mặt đất, hệ thống thu thập thông tin tình báo tích hợp.

may bay khong nguoi lai cua My anh 2
Hình ảnh được cho là RQ-170 Sentinel rơi ở Iran năm 2011. Ảnh: Press TV

UAV có khả năng hoạt động ở độ cao 17 km, cung cấp khả năng giám sát, thông tin tình báo, đàm thoại video thời gian thực, thực hiện các hoạt động tác chiến điện tử trên một khu vực rộng lớn. Sentinel có khả năng hoạt động như một vệ tinh mini tương tự như RQ-4 Global Hawk.

RQ-170 được cho là có một trí tuệ nhân tạo ở dạng sơ khai với một hệ thống cất hạ cánh tự động ALR. Hệ thống này cho phép UAV hoạt động độc lập với trạm điều khiển mặt đất. Hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng phản ứng với các mối đe dọa từ radar của đối phương, nó có thể tự động hủy bỏ nhiệm vụ nếu bị radar đối phương phát hiện.

Trí tuệ nhân tạo trên Sentinel có thể hoạt động ở 2 chế độ tự động và bán tự động. Ở chế độ tự động, Sentinel ngắt mọi liên lạc hoặc chỉ liên lạc một cách hạn chế với trạm điều khiển mặt đất. UAV chỉ thu thập thông tin mà không truyền hoặc nhận, cho phép nó gần như vô hình với các phương tiện trinh sát trên mặt đất của đối phương.

Ở chế độ bán tự động, Sentinel được điều khiển bằng tay từ trạm điều khiển mặt đất thông qua kênh liên lạc vệ tinh tốc độ cao. Ở chế độ này, UAV sẽ an toàn hơn nhưng dễ bị phát hiện do có sự trao đổi thông tin liên tục giữa UAV và trạm điều khiển mặt đất.

Sự cố tại Iran

RQ-170 Sentinel được triển khai hoạt động bí mật tại Afghanistan từ năm 2007 nhằm thu thập thông tin tình báo tại Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, Sentinel đang ở giai đoạn thử nghiệm và các tính năng chưa hoàn thiện.

Tháng 12/2009, tờ JoongAng Daily của Hàn Quốc cho biết, một chiếc Sentinel đã được triển khai hoạt động tại nước này trong vài tháng qua. Sentinel dự kiến sẽ thay thế cho máy bay do thám U-2 để tiến hành nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dọc theo biên giới Triều Tiên và Trung Quốc.

Tháng 8/2010, RQ-170 được triển khai hoạt động tại Afghanistan với đầy đủ các tính năng, trong đó có tính năng quan trọng là cung cấp đàm thoại video thời gian thực.

Sentinel được cho là đã tiến hành nhiệm vụ tác chiến điện tử tại khu vực Abbottabad, Pakistan, nơi trú ẩn của Osama bin Laden trước khi biệt đội 6, đặc nhiệm Navy SEAL tiến hành tấn công tiêu diệt trùm khủng bố này vào tháng 5/2011.

RQ-170 được dư luận đặc biệt chú ý khi nó gặp sự cố và rơi xuống Iran vào tháng 12/2011. Vụ việc dẫn đến những tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Washington yêu cầu Tehran trả lại UAV, nhưng Iran đã từ chối và nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tố cáo Mỹ cố tình xâm nhập không phận nước này.

Sentinel rơi xuống Iran gần như nguyên vẹn. Iran tuyên bố họ đã “ép” UAV hạ cánh bằng tác chiến điện tử. Tuy nhiên, tuyên bố này khá mâu thuẫn với việc Iran mất hơn 2 ngày mới tìm thấy Sentinel sau khi có báo cáo một UAV gặp sự cố trên không phận Iran.

Một số chuyên gia nhận định, trong khi đang hoạt động ở chế độ tự động để tránh bị phát hiện, Sentinel đã gặp sự cố khiến trạm điều khiển mặt đất không kịp can thiệp, hệ thống ALR đã kích hoạt và Sentinel hạ cánh tự động xuống một vị trí không xác định tại Iran.

‘Sát thủ lang thang’ và những thách thức vận hành

Mỗi ca trực kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, không được rời mắt khỏi màn hình, dễ tấn công nhầm hoặc mất kiểm soát máy bay là những thách thức với phi công UAV.

'Sát thủ lang thang' đáng sợ nhất của Mỹ

Hệ thống điện tử tinh vi, hỏa lực mạnh, MQ-9 Reaper là cỗ máy gieo rắc sự chết chóc ở bất kỳ nơi đâu mà nó được triển khai hoạt động.



Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm