Thành phố có tổng cộng 10 chức vô địch cúp C1/Champions League sẽ trở lại vòng tứ kết Champions League. |
Lần đầu tiên sau 17 năm, Inter và Milan lại cùng có mặt ở tứ kết Champions League. Nhưng mọi chuyện còn có thể tuyệt vời hơn nếu Napoli vượt qua Frankfurt rạng sáng 15/3 (giờ Hà Nội). Serie A sẽ có 3 đại diện ở tứ kết, điều chưa từng diễn ra kể từ mùa giải 2004/05.
Nhận định đây là sự trở lại của bóng đá Italy trên bình diện châu Âu đồng thời vẽ ra viễn cảnh đây là kết quả của sự tiến bộ nào đó ở giải đấu từng là số một thế giới này thì thật đơn giản. Nhưng đôi khi chuyện không hề giống như vẻ bề ngoài.
Thành Milan xứng đáng
Cả Milan lẫn Inter đều tiến vào vòng tứ kết theo cùng một kịch bản: thắng 1-0 trên sân nhà và hòa 0-0 ở lượt về. Tottenham và Porto về cơ bản chưa mạnh tới mức để tâng bốc các chiến thắng này lên mây. Song xét về bối cảnh riêng lẻ của hai đại diện thành Milan, những chiến thắng này đáng để tôn vinh.
Bất chấp việc vô địch Serie A mùa trước, không thể coi Milan là CLB có lực lượng mạnh. Tiền đạo chủ lực của "Rossoneri", Olivier Giroud, sẽ bước sang tuổi 37 vào tháng 9 này. Những vệ tinh như Alexis Saelemaekers, Brahim Diaz... chỉ là cầu thủ hạng C tại châu Âu. Giá trị đội hình của Milan chỉ ở mức 571 triệu bảng, kém Tottenham 140 triệu.
Lực lượng không quá giỏi là một chuyện. Vấn đề khác là tình trạng chấn thương ở Milan báo động tới mức đội bóng này chưa từng có đủ lực lượng dù chỉ ở một trận trong mùa này.
Càng gần tới thời điểm Milan gặp Tottenham, không nhiều người nghĩ "Rossoneri" có thể làm nên chuyện. Đội bóng áo sọc đỏ đen trải qua quãng thời gian tồi tệ ở Serie A khi liên tục thất bại bẽ mặt (thua Lazio 0-4, thua Sassuolo 2-5). Tại Siêu cúp Italy, Milan bị Inter vùi dập 3-0 trong thế trận thua thiệt hoàn toàn về cơ hội lẫn tinh thần.
Nhưng chính vào thời điểm tồi tệ nhất, Milan lại vươn dậy. Chiến thắng trước Tottenham ở lượt đi đưa Milan thắng trở lại tại Serie A. Họ thắng Monza, Atalana để tạm đẩy lùi khủng hoảng. Giờ với tấm vé vào tứ kết Champions League, Milan coi như đã vượt xa kỳ vọng đặt vào họ trong mùa giải này.
Inter trở lại vòng tứ kết Champions League sau 12 năm. Ảnh: Reuters. |
Inter là câu chuyện khác. Phong độ của Inter tại Serie A đơn giản là tồi tệ. "Nerazzurri" vừa thua Spezia, nâng số thất bại chỉ tính tại Serie A mùa này lên con số 8, nhiều gấp đôi mùa trước. Romelu Lukaku, chân sút hưởng lương cao nhất đội, chỉ ghi 5 bàn kể từ đầu mùa sau khi chấn thương liên tục.
Chuyện hậu trường của "Nerazzurri" dư thừa vấn đề. Inter gần như sẽ mất trắng Milan Skriniar vào cuối mùa giải này khi ngôi sao người Slovakia từ chối ký hợp đồng mới và được cho đã ký nháy với PSG. Hầu bao eo hẹp từ ông chủ Steven Zhang cũng đặt Inter vào tình thế buộc phải bán máu vào mùa hè để tự nuôi chính mình.
Những ngôi sao tại Giuseppe Meazza không biết khi nào mình bị đem bán. Thực tế khó nuốt này kéo theo phong độ trồi sụt và làn sóng chỉ trích nhắm vào HLV Simone Inzaghi.
Porto, đối thủ của Inter, bất bại gần 20 trận trước khi gặp đại diện Italy trên đất khách. Vậy mà Inter lại thắng. Và rạng sáng nay là thủ hòa Porto trên đất Bồ Đào Nha trong bối cảnh hơn 1.000 CĐV lặn lội từ Italy tới bị đội chủ nhà gây khó dễ không cho vào sân.
Tại Serie A, Udinese, Empoli, Bologna và Spezia đều dễ dàng xuyên thủng hàng phòng ngự vá víu của Inter. Nhưng Porto lại không thể. Hình ảnh boong-ke phòng ngự như những năm tháng hoàng kim được tái hiện toàn diện ở Dragao.
Tấm vé vào tứ kết là hoàn toàn xứng đáng với một Inter tập trung tới mức chính HLV Inzaghi phải thừa nhận "không biết các cầu thủ tìm đâu ra thứ năng lượng đến vậy".
Nỗ lực riêng lẻ, không đại diện cho nền bóng đá
Những chiến thắng của Inter và Milan tại vòng 1/8 Champions League là kết quả của những nỗ lực riêng lẻ trên sân cỏ từ hai nhà cựu vô địch châu Âu này. Đó tuyệt đối không phải kết quả từ sự tiến bộ hay phát triển nào đó của bóng đá Italy nói chung.
Sau trận Milan thắng Tottenham 1-0 tại San Siro, báo chí Italy tiết lộ Milan thu được 9 triệu euro tiền vé. Ở Fiorentina, giám đốc đội bóng áo tím thở dài: "Milan đá một trận và kiếm tiền bằng chúng tôi trong cả mùa giải. Thế thì cạnh tranh sao nổi".
Độc giả không đọc lầm. Fiorentina, một CLB thuộc dạng trung bình khá tại Serie A, chỉ kiếm được 9 triệu euro trong một mùa giải. Đây là tổng thu nhập từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình và những hoạt động dịch vụ bên lề (bán áo đấu, đá giao hữu...).
Tại Premier League, Nottingham Forest sau khi lên hạng lập tức chi 184 triệu bảng để tăng cường lực lượng. Wolverhampton cũng chi 177 triệu bảng để tăng cường lực lượng hòng cạnh suất dự cúp châu Âu.
San Siro huyền thoại là một trong những rào cản kéo lùi sự phát triển của Inter cũng như Milan. Ảnh: Reuters. |
Chính Inter hay Milan cũng chỉ biết ước khi nhìn vào những con số này từ những CLB trung bình tại Premier League. Inter không có đủ 7 triệu euro tiền trong quỹ lương để đưa Paulo Dybala về Giuseppe Meazza vào mùa hè năm ngoái. Skriniar, hậu vệ ngôi sao của "Nerazzurri", chỉ được đề nghị mức lương tối đa 6,5 triệu euro/mùa. PSG đặt lên bàn đàm phán 9 triệu euro/mùa và Inter mất trắng trung vệ từng đeo băng đội trưởng.
Các thương vụ Inter dám vào cuộc là cho mượn hoặc miễn phí. Milan cũng vậy. Hầu bao eo hẹp từ các ông chủ khiến hai đại gia một thời của bóng đá Italy chỉ biết đi chợ với cái ví rỗng. Cả Inter lẫn Milan đều là nạn nhân của nền bóng đá Italy xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm qua. Tại Italy, Juventus là CLB duy nhất sở hữu sân vận động riêng và được quyền thu trọn vẹn tiền vé.
Milan và Inter đang dùng chung sân San Siro thuộc quyền sở hữu của chính quyền thành phố Milan. Tiền vé và các dịch vụ đều bị chia nửa cho thành phố.
Cả Inter lẫn Milan đều bày tỏ rõ tham vọng rời San Siro vì xung đột quá lớn về lợi ích. Nhưng suốt nhiều năm qua, chính quyền thành phố Milan luôn gây khó dễ để buộc cả hai tiếp tục sử dụng San Siro, qua đó mang tiền về dù thực tế chẳng làm gì.
Xét về cách thức tổ chức và quản lý, Serie A có thể coi là đứng bét trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thật khó tin rằng trong bối cảnh ấy, Milan và Inter vẫn có thể tiến vào vòng tứ kết Champions League để tự cứu lấy chính mình bằng những khoản tiền từ giải đấu số một cấp CLB này.
Báo chí Italy cho biết Inter có khả năng sẽ không phải bán đi ngôi sao nào trong mùa hè này chỉ bởi tiền có được từ việc xuất hiện ở vòng tứ kết. Milan cũng sẽ có tiền để Giám đốc Paolo Maldini không còn rụt tay khi bị các đối thủ cạnh tranh.
Nếu Napoli bảo toàn lợi thế ở trận lượt đi trước Frankfurt (thắng 2-0 trên sân khách) để đi tiếp, bóng đá Italy sẽ có 3 đại diện tại tứ kết Champions League. Đấy là điều đáng mừng vì 3 CLB này đã vươn lên theo những cách khác nhau để tự cứu lấy chính mình. Nhưng không thể nói đây là sự vươn lên nói chung của bóng đá Italy. Nền bóng đá xứ sở mỳ ống vẫn đang đi xuống. Đấy là thực tế phũ phàng với Inter, Milan và cả những người hâm mộ giải đấu một thời là cái rốn của cả thế giới.
Cuốn sách “I think therefore I play” của danh thủ Andrea Pirlo với chấp bút của người bạn Alessandro Alciato xuất bản năm 2013 mang tới chân dung rõ nét nhất về tiền vệ huyền thoại của bóng đá Italy. Cuốn sách ghi lại những giai thoại bất hủ về sự nghiệp của Pirlo, như khoảnh khắc vô địch World Cup 2006.