Kỷ nguyên của Ronaldo và Messi đã đến hồi kết. |
Quả bóng tự thân hẳn không thể khác đi điều gì sau suốt hơn 150 năm lăn trên các mặt sân khắp thế giới. Nhưng những gì xoay quanh nó đã bắt đầu thay đổi lớn. Nhiều chu kỳ đã khép lại. Nhiều tương lai, dù bất định hay không, đã mở ra.
Vĩnh biệt lục địa già
Khoảnh khắc Cristiano Ronaldo đặt bút ký hợp đồng với Al-Nassr vào ngày 1/1/2023 mở ra chương mới trong sự nghiệp vĩ đại của CR7 nhưng cũng đóng lại vĩnh viễn hành trình tại châu Âu của siêu sao người Bồ Đào Nha. Trước năm 2023, Ronaldo đã hơn một lần nhận được đề nghị từ trung tâm dầu mỏ thế giới. Anh đều từ chối.
Ý chí, tham vọng lẫn danh tiếng của Ronaldo khi ấy đủ lớn để anh ngoảnh mặt. Song mọi thứ đã chấm dứt vào năm 2023. Giai đoạn cuối tồi tệ tại MU cùng kỳ World Cup 2022 thảm họa khiến Ronaldo nhận ra nhiều điều về bản thân mình. Anh bị thời gian bắt kịp.
Ronaldo nói Saudi Arabia là thử thách nhưng nhận 200 triệu euro/năm tại đây. CR7 cũng thừa nhận anh đã “xong việc tại châu Âu khi giành hết mọi vinh quang”. Ở tuổi 38, viễn cảnh Ronaldo một lần nữa đặt chân lên thảm cỏ Champions League, đấu trường anh là chân sút vĩ đại nhất, là con số 0.
Ronaldo và Messi sẽ không còn thi đấu tại châu Âu kể từ mùa giải 2023/24. Ảnh: BR. |
6 tháng sau khi Ronaldo rời bỏ lục địa già, tới lượt Lionel Messi làm điều tương tự. Khác Ronaldo, Messi vẫn đứng vững trước thời gian. Anh là cầu thủ nước ngoài hay nhất tại Ligue 1 mùa vừa qua. Phong độ hoàn hảo tại World Cup 2022 cho thấy Messi vẫn đứng trên đỉnh thế giới nếu anh thật sự muốn.
Song thay vì trở lại Barcelona, Messi rời PSG để tới Mỹ. Trong buổi phỏng vấn với China TV, Messi nhấn mạnh bản thân giờ không còn quan tâm tới Quả bóng Vàng nữa. Và nếu Argentina không vô địch World Cup, anh có lẽ đã từ giã ĐTQG. Ở tuổi 36, Messi đã thấy giới hạn của chính mình.
Sự ra đi của cả Ronaldo và Messi trong cùng một năm sẽ đánh đấu lần đầu tiên sau 20 năm, hai siêu sao này vắng mặt trong một mùa giải bóng đá tại châu Âu. Cả hai giành Quả bóng Vàng 12 năm trong thời gian này, ghi hơn 1.600 bàn thắng, xô đổ mọi kỷ lục, thay đổi trọn vẹn bộ nhận diện của môn thể thao vua. Và trên hết: Họ tạo ra cuộc đấu tay đôi chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Sự ra đi của Messi và Ronaldo gần như khép lại một chu kỳ bóng đá. Năm 2008, lần đầu tiên Ronaldo và Messi tranh nhau hai vị trí nhất nhì trong cuộc đua Quả bóng Vàng, Facebook mới chỉ mon men tới châu Á, YouTube mới 4 tuổi, Tiktok chưa xuất hiện.
Lúc này, không VĐV thể thao nào trong lịch sử đua được với Ronaldo và Messi trên các nền tảng mạng xã hội này về nội dung. Những bàn thắng, các lần ăn mừng lẫn nước mắt của cả hai đều được chiếu đi chiếu lại với cấp số mũ. Ronaldo và Messi còn hơn cả biểu tượng của môn thể thao vua. Với những người dùng lớn lên trong thời kỷ nguyên số, Messi và Ronaldo, ở chừng mực nào đó, chính là bóng đá.
Kỷ nguyên Ronaldo - Messi gần như đánh dấu chu kỳ của những người dùng internet trong kỷ nguyên bùng nổ của mạng xã hội đời đầu. Ronaldo và Messi đã ở đó trong những năm tháng Facebook vẫn còn Wall, YouTube chỉ phát video 480p. Kỷ nguyên ấy đã khép lại, ngay lúc này.
Saudi Arabia đang thay đổi bóng đá thế giới. Ảnh: Al-Ittihad. |
Sức mạnh Saudi Arabia
Tháng 11/2007, khi AC Milan vừa vô địch Champions League và Italy vẫn đang là ĐKVĐ World Cup, Chủ tịch Silvio Berlusconi nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Gazzetta dello Sport: “Serie A đang ngày càng nghèo đi. Chúng ta đang dẫn đầu nhưng trong 15 năm tới, Serie A chỉ còn là cái chợ. Premier League sẽ bỏ tất cả lại phía sau".
"Và những người Arab sẽ tới, lúc ấy thì không thể chống đỡ được nữa. Chúng ta không có cơ sở vật chất lẫn sân vận động mới. Bóng đá Italy đang bị tụt lại 30 năm”.
Những gì Berlusconi nói đều trở thành sự thật, thậm chí sớm hơn những gì ông trùm này nhận định. Serie A đã tụt lại quá xa so với Premier League. Trong nhiều năm qua, giải đấu số một Italy chỉ là bệ phóng cho những ngôi sao tìm bến đỗ tốt hơn.
Tuy nhiên, những gì Berlusconi nói về Saudi Arabia mới thật sự đáng sợ. Những người Arab đã đến và sẵn sàng làm loạn bóng đá châu Âu bằng các hợp đồng hút máu trực tiếp. Từ Ronaldo, Benzema đến N’Golo Kante, tất cả đều tới Trung Đông cùng mẫu số chung là tiền lương ngất ngưởng.
Không chỉ những ngôi sao sắp hết đát, nhiều tên tuổi đang ở đỉnh cao phong độ như Ruben Neves, Sergej Milinkovic-Savic cũng chọn Saudi Arabia làm bến đỗ. Mức lương cao gấp 4-5 lần là quá khó để chối từ.
Đứng trên góc độ kinh tế, việc Saudi Arabia nhúng tay vào bóng đá chỉ là chuyện sớm muộn. Quốc gia này quá giàu để đứng ngoài ngành công nghiệp béo bở với tệp khách mua hàng trải đều qua mọi lứa tuổi lẫn giới tính, và trên hết là nằm ở vùng xám chính trị như bóng đá.
UAE, Qatar, những quốc láng giềng của Saudi Arabia đã thọc tay vào vào bóng đá châu Âu và có được thành quả (Man City thống trị Premier League, vừa vô địch Champions League; PSG giàu nhất nước Pháp). Saudi Arabia với tầm ảnh hưởng cùng tiềm lực kinh tế dầu mỏ vô song giờ đang bắt đầu hành trình vẽ ra con đường tơ lụa của riêng mình với điểm cuối châu Âu.
Bóng đá còn vui không?
Sự ra đi của những biểu tượng định hình nên cả một thời kỳ như Ronaldo và Messi cùng sự vùng dậy của vùng trũng bóng đá Saudi Arabia tạo ra ít nhiều liên tưởng về một thế giới bóng đá đang thay đổi theo từng ngày và theo hướng không dễ chịu với một bộ phận khán giả.
Những mô hình kinh doanh với túi tiền không đáy ngày một nhiều hơn. Những bất ngờ ngày càng ít đi. Khi nào thế giới bóng đá mới có thể chứng kiến những cú sốc như Leicester vô địch Premier League hay Porto lên đỉnh châu Âu? Có thể là không bao giờ nếu thế giới bóng đá được quyết định hoàn toàn bởi dòng tiền như hiện tại.
Có thể xác định xong những ứng viên vô địch của những giải đấu hàng đầu ngay từ khi bóng chưa lăn. Thậm chí với những rủi ro cho phép, nhiều CLB có thể đã sờ vài ngón tay vào chức vô địch vì lực lượng, tính gắn kết, khả năng sáng tạo, chịu đựng sức ép... đều vượt xa phần còn lại.
Chức vô địch của Man City đánh dấu quyền lực từ Trung Đông tới bóng đá châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Đấy là hệ quả rất rõ ràng từ tiền bạc. Khi những nhà quản lý bóng đá thực sự đối xử với môn thể thao này như một ngành công nghiệp không khói, những bất ngờ và niềm vui phái sinh gần như bị triệt tiêu.
Bóng đá khai sinh là môn thể thao giúp người xem có thể được thư giãn, phấn khích, để cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt nhất định mà sinh hoạt thường ngày hiếm khi nào cho họ. Giờ với bóng đá hiện tại, những niềm vui không còn xuất phát đầy bản năng nữa.
Chúng được khống chế, bẻ cong để hướng tới những mục tiêu khác. Roberto DaMatta, một nhà nhân chủng học người Brazil cách đây hơn 40 năm, tin rằng điều “khuấy động niềm đam mê của những đám đông trên toàn thế giới đổ vào các sân bóng, chú tâm hết mực theo dõi các trận đấu trên truyền hình và cãi nhau về các thần tượng bóng đá” là “nỗi ghen tị thầm kín, sự hoài niệm vô thức về một thế giới không như thế giới mà họ sống, vốn đầy rẫy bất công, tham nhũng, vô pháp, và bạo lực". Thế giới bóng đá đã từng hài hòa, có luật lệ và bình đẳng theo cách riêng của nó.
Nhưng thế giới bóng đá lúc này cũng đâu còn hài hòa và bình đẳng nữa, thậm chí không còn công bằng và ngày càng thiếu đa dạng. Có quốc gia đã bỏ quá xa phần còn lại, có quốc gia sẵn sàng chi gấp 10 để kéo bằng được khoảng cách với phần còn lại, có cả cá nhân chấp nhận đập đi xây lại từ đầu chỉ sau 9 tháng với dòng tiền ra vào lên tới hơn 1 tỷ bảng. Đấy không thể là công bằng.
Năm 2006, kỷ nguyên bóng đá cổ điển và lãng mạn kéo dài từ thập niên 80 khép lại sau cú húc đầu của Zinedine Zidane và ngực Marco Materazzi tại Berlin. Đó là kỳ World Cup cuối cùng của Ronaldo “Béo”, Ronaldinho, Francesco Totti, Michael Ballack, Luis Figo...
Kỷ nguyên mộng mơ ấy khép lại, nhường chỗ cho bóng đá hiện đại trong kỷ nguyên internet và mạng xã hội với những đại diện là Ronaldo, Messi. Năm 2023 này, kỷ nguyên tưởng chừng mới như ngày hôm qua ấy cũng đã đến hồi kết.
Tương lai 20 năm tới của bóng đá sẽ là gì? Người Arab có thể đã có câu trả lời. Sau cùng, bóng đá đã khác. Và rất có thể không còn vui như trước nữa.